Crew Dragon - Mỹ tự tin khi "Rồng" vào không gian
Ý nghĩa lịch sử của chuyến bay không chỉ ở việc nó giúp người Mỹ chấm dứt sự phụ thuộc vào Nga sau 9 năm dài đằng đẵng. Ý nghĩa lớn nhất ở chỗ đây là chuyến bay thương mại đưa người vào vũ trụ đầu tiên trên thế giới do một công ty tư nhân tiến hành.
Ông Trump và ông Pence quan sát vụ phóng tàu vũ trụ từ căn cứ không quân Mũi Canaveral ở Florida ngày 30-5 - Ảnh: REUTERS
SpaceX, một công ty tư nhân mới thành lập năm 2002, đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực chinh phục vũ trụ từ ngày 30-5. Nó đã chính thức làm được điều mà trước đó chỉ có các cơ quan của chính phủ Mỹ, Nga và Trung Quốc tự hào đủ sức làm.
"Rồng đã cất cánh", một nhân viên của NASA run run vì vui sướng hét lên trong buổi phát trực tiếp sự kiện trên YouTube. Ông gọi từ "Rồng" bởi đó là tên của con tàu vũ trụ có người lái Crew Dragon vừa được phóng lên chở theo hai phi hành gia Mỹ là Bob Behnken và Doug Hurley.
SpaceX ban đầu định đặt tên cho tàu vũ trụ có người lái của họ là Dragon Rider (Người cưỡi rồng), nhưng cuối cùng chọn một cái tên khiêm tốn hơn là Crew Dragon để phân biệt với tàu Dragon chở hàng.
Hành trình 19 tiếng
Đúng 15h22 ngày 30-5 (giờ Mỹ), tức rạng sáng 31-5 theo giờ Việt Nam, Falcon 9 đã rời khỏi bệ phóng từ Trung tâm vũ trụ Kennedy ở bang Florida - đúng bệ phóng cách đây hơn 50 năm người Mỹ đã ghi tên vào lịch sử khi phóng phi thuyền Apollo đưa người lên Mặt trăng.
Vì tính lịch sử của sự kiện, Tổng thống Donald Trump và Phó tổng thống Mike Pence đã bay thẳng tới Florida và quan sát vụ phóng từ căn cứ không quân Mũi Canaveral. Hôm 27-5, hai ông từng thất vọng quay về khi vụ phóng tàu bị hoãn giờ chót vì thời tiết xấu.
Hàng loạt tiếng vỗ tay, reo hò vang lên trong lúc tên lửa đẩy hướng về không gian. Đã 9 năm rồi người Mỹ mới được thấy cảnh các nhà du hành vũ trụ của họ được đưa vào không gian từ đất Mỹ.
Vận tốc của tên lửa đẩy tăng nhanh chóng chỉ sau 2 phút. Tầng một của tên lửa tách ra ở độ cao hơn 87km và quay trở về mặt đất khoảng 7 phút sau đó, trong lúc động cơ ở tầng 2 khởi động và tiếp tục đưa tàu Crew Dragon tiến vào quỹ đạo đã định.
Sau hành trình bay tự do dài gần 19 tiếng, tối 31-5 (giờ Việt Nam), tàu Crew Dragon đã kết nối thành công với Trạm không gian quốc tế (ISS).
Phi hành gia Bob Behnken từ tàu Crew Dragon sang Trạm ISS và được các đồng nghiệp chào đón vào tối 31-5 - Ảnh: REUTERS
Theo báo Washington Post, tàu Crew Dragon bắt đầu kết nối với ISS vào lúc 21h16 ngày 31-5 (giờ Việt Nam), sớm hơn vài phút so với kế hoạch.
"Đó là một vinh dự thật sự khi là một phần nhỏ trong nỗ lực kéo dài 9 năm kể từ lần tàu không gian cuối cùng của Mỹ kết nối với ISS" - nhà du hành vũ trụ kỳ cựu Doug Hurley phát biểu sau khi tàu kết nối thành công.
Tuy nhiên, tàu vũ trụ của SpaceX được trang bị tính năng tự động kết nối mà không cần sự can thiệp của con người. Đây là một nâng cấp mới đáng kể sẽ hỗ trợ cho việc vận chuyển người và hàng hóa lên không gian trong tương lai.
Phi hành gia Bob Behnken từ tàu Crew Dragon sang Trạm ISS và được các đồng nghiệp chào đón vào tối 31-5 - Ảnh: REUTERS
Mở cơ hội trở lại Mặt trăng
Ý nghĩa lịch sử của chuyến bay không chỉ ở việc nó giúp người Mỹ chấm dứt sự phụ thuộc vào Nga sau 9 năm dài đằng đẵng. Ý nghĩa lớn nhất ở chỗ đây là chuyến bay thương mại đưa người vào vũ trụ đầu tiên trên thế giới do một công ty tư nhân tiến hành.
Khác với các chuyến bay lên ISS đã từng diễn ra, hai bộ phận quan trọng nhất trong vụ phóng lần này là khoang chứa các phi hành gia và ống phóng tên lửa đẩy có thể thu hồi được và tái sử dụng. Điều này giúp tiết kiệm chi phí hơn so với các chuyến bay bằng tàu con thoi của Mỹ trước đây hay tàu Soyuz hiện tại của Nga.
Việc gọi thầu làm tàu vũ trụ thế hệ mới từ các công ty tư nhân cho thấy đó là một quyết định đúng đắn của NASA bởi hiệu quả về kỹ thuật lẫn tài chính.
Trên thực tế, NASA cũng có chút lo lắng khi chương trình Crew Dragon bị trì hoãn vài lần. Hồi giữa tháng 5, lo ngại về khả năng thành công của vụ phóng, NASA đã mua thêm một suất khứ hồi trên tàu vũ trụ Soyuz của Nga với giá 90 triệu USD. Giá mỗi ghế cho phi hành gia Mỹ trên phi thuyền Nga đã tăng liên tục từ năm 2010, từ khoảng 20 triệu USD/ghế vọt lên 80 triệu USD trong năm ngoái, theo nhà sử học NASA Bill Barry.
Trong khi đó, NASA chỉ phải trả cho SpaceX khoảng 55 triệu USD cho mỗi phi hành gia, một mức giá vô cùng cạnh tranh so với Nga. Và như vậy, sắp tới Mỹ hoàn toàn có thể tự tin trở lại cuộc chơi cạnh tranh "bán vé" đưa người và hàng hóa lên không gian.
Hiện NASA đã chi 135 triệu USD cho SpaceX phát triển StarShip - phi thuyền được kỳ vọng sẽ giúp người Mỹ trở lại Mặt trăng một lần nữa vào năm 2024.
Nga muốn học hỏi kinh nghiệm
Giám đốc Tập đoàn Vũ trụ nhà nước Nga (Roscosmos), ông Dmitry Rogozin, cho biết Nga đang rất quan tâm đến tàu vũ trụ và tên lửa đẩy của SpaceX do đang trong quá trình nâng cấp các tàu hiện có và phát triển thế hệ phi thuyền mới, theo Hãng thông tấn Tass.
Roscosmos là đối tác duy nhất của NASA có năng lực đưa người lên ISS và đã kiếm được ít nhất 4 tỉ USD nhờ vào việc "bán vé" cho các phi hành gia Mỹ.
"Đúng là chúng tôi hái ra tiền từ việc đó, nhưng trách nhiệm đảm bảo sự liên kết ổn định giữa Trái đất và ISS còn lớn hơn nhiều. Không có khoản tiền nào xứng đáng với những căng thẳng của những người chịu trách nhiệm chính trong các sứ mệnh không gian đó. Chúng tôi thật sự vui mừng vì Mỹ đã có phương tiện thay thế" - ông Rogozin chia sẻ.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận