Cuộc thi sáng kiến công nghệ TechGenius thúc đẩy đổi mới sáng tạo kỹ thuật trong giới trẻ
Hơn 250 học sinh trung học trong nước đã đưa ra ý tưởng giải quyết các vấn đề thực tế và tạo tác động tích cực đến xã hội bằng cách ứng dụng công nghệ ở cuộc thi Sáng kiến công nghệ TechGenius do Đại học RMIT và Báo Tiền phong tổ chức.
- 8 giải thưởng cho những nỗ lực của Huawei tại Interop Tokyo 2020
- REV Award 2021 - Nơi hội tụ 'tinh hoa' của ngành điện tử - viễn thông Việt
- 61 doanh nghiệp đạt giải thưởng “Năng lượng bền vững” lần thứ nhất
Tại vòng Chung kết được tổ chức gần đây, 10 đội dẫn đầu hai hạng mục Công nghệ thông tin (CNTT) và Kỹ thuật đã trình bày giải pháp của các em với ban giám khảo là chuyên gia trong ngành. Các em đã tìm hiểu việc ứng dụng công nghệ vào giải quyết những thách thức hiện tại về môi trường, sức khoẻ, và học tập và giảng dạy trực tuyến.
Hai giải nhất hạng mục CNTT được trao cho đội HDK đến từ trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành (Kon Tum) và đội Anonymous đến từ trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đội HDK đã phát triển thiết bị hỗ trợ kỹ thuật có thể chuyển ngôn ngữ ký hiệu thành văn bản để hỗ trợ những người gặp vấn đề về thính giác.
Đội HDK đưa ra ý tưởng phát triển thiết bị hỗ trợ kỹ thuật có thể chuyển ngôn ngữ ký hiệu thành văn bản để hỗ trợ người khiếm thính hoặc những người mất khả năng nghe và không thể giao tiếp hiệu quả. Theo HDK, các sản phẩm chuyển ngữ hiện nay không thân thiện với người gặp vấn đề về thính giác vì chúng dựa vào ánh sáng và có kích thước lớn.
Lấy cảm hứng từ ứng dụng học ngoại ngữ trên điện thoại, ba nữ sinh thuộc đội Anonymous đã phát triển A-Eye - ứng dụng có thể phát hiện vật thể, khoảng cách, văn bản và biểu cảm của con người.
Thành viên của đội Anonymous Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng ứng dụng có thể trở thành đôi mắt thay thế hỗ trợ người khiếm thị trong sinh hoạt hàng ngày. Tất cả tính năng đều được mã hoá trên điện thoại Android với ngôn ngữ lập trình Java và có thể tải xuống dễ dàng”.
Hai đội đến từ Hà Nội gồm WP từ trường THPT Sơn Tây và The Invincibles từ trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành đã giành giải Nhất hạng mục dành cho các giải pháp kỹ thuật.
Với sáng kiến chống ô nhiễm nguồn nước, ba học sinh đội WP đã tự lắp ráp một nguyên mẫu robot có thể thu gom và nhặt rác trên mặt nước. Sản phẩm sử dụng năng lượng mặt trời được trang bị cảm biến radar để phát hiện chất thải và tránh chướng ngại vật trong quá trình hoạt động.
Mong muốn của nhóm là phát triển các tính năng của robot hơn nữa trong tương lai. Thành viên nhóm WP Nguyễn Thị Minh Huyền chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng có thể phát triển thêm những tính năng đo mức độ ô nhiễm nước và lọc các hạt vi nhựa để đảm bảo an toàn cho các loài thuỷ sinh. Nhờ tham gia cuộc thi, chúng tôi đã học được cách xây dựng trang web, thiết kế sản phẩm mô phỏng 3D và trình bày ý tưởng”.
Trong khi đó, The Invincibles đã đề xuất giải pháp bền vững với tên gọi CASS (viết tắt của các từ tiếng Anh có nghĩa thị giác máy tính, hỗ trợ, an toàn và tín hiệu) giúp người đi đường tránh nguy cơ va chạm bằng cách xác định tín hiệu đèn đỏ, biển báo đường bộ, phát hiện các nguy cơ có thể dẫn đến tai nạn và cảnh báo người dùng bằng âm thanh.
Thành viên đội The Invincibles Đức Anh chia sẻ: “Đề xuất của nhóm là tạo ra một thiết bị áp dụng các thuật toán học máy cấp tiến và nhiều loại cảm biến khác nhau đóng vai trò như đầu não dữ liệu để xác định và dự đoán tai nạn đường bộ nhằm hỗ trợ các biện pháp an toàn giao thông đường bộ ở Việt Nam”.
Đội The Invincibles trình bày giải pháp bền vững CASS (viết tắt của các từ tiếng Anh có nghĩa thị giác máy tính, hỗ trợ, an toàn và tín hiệu) cảnh báo nguy cơ va chạm cho người đi đường.
Các giải pháp khác được trình bày tại cuộc thi gồm ứng dụng học tập thay thế sách giáo khoa, trang web tìm kiếm người cố vấn và quản lý thời khóa biểu, ứng dụng điện thoại đo lường ô nhiễm ánh sáng và thiết bị bảo vệ thị lực học sinh khi học trực tuyến trong thời gian dài.
Theo Phó tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam và là một trong những giám khảo cuộc thi TechGenius ông Hoàng Viết Tiến, hầu hết những giải pháp mà các đội đề xuất đều là sản phẩm hoàn chỉnh và có thể ứng dụng ngay vào thực tế. “Tôi cũng ngạc nhiên về cách các em thể hiện khả năng lãnh đạo, sự nhanh nhẹn và kiên trì trong suốt cuộc thi, đặc biệt khi tất cả các vòng đều được tiến hành trực tuyến”.
Giáo sư Brett Kirk, Trưởng khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ Đại học RMIT và là một trong những giám khảo của cuộc thi, nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc phát huy khả năng làm việc nhóm và tư duy sáng tạo của các đội thi.
Ông Brett Kirk nói: “TechGenius tập trung vào các giải pháp sáng tạo nhằm giải quyết những vấn đề trong thế giới thực và tạo cơ hội cho các bạn trẻ đam mê sáng tạo thực hành kỹ năng làm việc nhóm và thuyết trình -- những phẩm chất quan trọng của các nhà lãnh đạo công nghệ trong tương lai”.
Cuộc thi kéo dài 9 tháng đã thu hút gần 100 ý tưởng sáng tạo của học sinh đến từ 60 trường trung học phổ thông thuộc 17 tỉnh thành trên cả nước.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận