Đòn bẩy để ngành năng lượng Việt Nam phát triển trong giai đoạn mới
Nghị quyết số 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Bộ Chính trị ký ban hành ngày 11/2/2020 (Gọi tắt là NQ55). Đây được xem là một bước đột phá trong phát triển năng lượng quốc gia. PV có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh xoay quanh vấn đề trên.
- Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030
- Cuộc chạy đua năng lượng mới - Phát triển mặt trời nhân tạo
- Hướng đi nào cho năng lượng tái tạo tại Việt Nam?
Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh
PV: Xin Bộ trưởng có đánh giá về những kết quả đạt được của ngành năng lượng trong những năm qua?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Nếu nói về tổng thể chung trong nền kinh tế, ngành năng lượng có 2 vai trò rất quan trọng. Thứ nhất, ngành năng lượng là một cấu thành trong ngành công nghiệp, có đóng góp to lớn cho nền kinh tế, đặc biệt là thông qua vai trò của các doanh nghiệp lớn, những phát triển của doanh nghiệp này tạo nên sự phát triển cho kinh tế Việt Nam.
Trong giai đoạn 2007-2017, năng lượng đã có sự tăng trưởng nhanh chóng, như: Giá trị sản xuất trong ngành năng lượng tăng 6 lần, sản lượng điện tăng hơn 3,3 lần… Các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng đóng góp ngân sách nhà nước hơn 204.000 tỷ đồng, chiếm 17,8% thu ngân sách nhà nước. Rõ ràng, ngành năng lượng và các doanh nghiệp trong ngành đã đóng góp trực tiếp cho phát triển kinh tế.
Thứ hai, năng lượng cũng là ngành thiết yếu đóng góp quan trọng cho các ngành kinh tế, ngành điện cũng là nguồn đầu vào quan trọng cho các ngành, phân ngành kinh tế khác phát triển. GDP tăng trưởng 6,5-7%/năm thì yêu cầu phát triển điện năng phải đảm bảo 11-11,5%/năm.
PV: Trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, sự ra đời của NQ55 có ý nghĩa như thế nào, thưa Bộ trường?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Phải khẳng định, NQ55 của Bộ Chính trị được ban hành có ý nghĩa rất to lớn, đặc biệt là rất đúng thời điểm năm 2020, năm cuối cùng trong kế hoạch 5 năm và chiến lược 10 năm; chiến lược xây dựng kế hoạch phát triển đất nước trong 10 năm tới.
Thứ 2, NQ55 ra đời thời điểm này rất có ý nghĩa, khi kinh tế Việt Nam đang hội nhập rất sâu, rộng với thế giới, toàn cầu hóa bước vào giai đoạn quyết liệt. Cũng phải kể đến tốc độ phát triển đất nước trong suốt thời gian qua rất nhanh và cao trong thời gian dài, Việt Nam đã thực sự vượt qua các nước kém phát triển, trở thành nước đang phát triển. Cùng với phát triển của các ngành kinh tế, các ngành công nghiệp, Việt Nam cũng đang bắt đầu chuyển biến trở thành nước phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu bởi năng lượng sơ cấp phát triển mạnh mẽ trong thời gian vừa qua và đã được khai thác ở mức rất cao.
Trong bối cảnh như vậy thì chúng ta cần phải có chiến lược mới về năng lượng được đặt chung trong chiến lược về phát triển kinh tế xã hội để có thể có những quyết sách và giải pháp đảm bảo yếu tố bền vững không chỉ cho an ninh năng lượng quốc gia mà còn có liên quan an ninh quốc gia, địa chính trị…
Vấn đề khác nữa phải đề cập tới là NQ55 đưa ra khi mà trình độ phát triển của chúng ta đang được tiếp tục nâng cao, nhưng các khung khổ luật pháp, quy định, chính sách của chúng ta sau thời gian phát huy hiệu quả đã này sinh bất cập, tồn tại, cản trở phát triển năng lượng và an ninh năng lượng bền vững của đất nước.
Hơn bao giờ hết, an ninh năng lượng và năng lượng quốc gia rất cần quan điểm, định hướng mới phù hợp với chuyển biến chung toàn cầu; để từ đó chúng ta có thể định hình phát triển của đất nước, nhất là về an ninh năng lượng quốc gia.
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1
PV: Một điểm nhấn được đặt ra trong NQ55 là khuyến khích tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Bộ trưởng có đánh giá thế nào về chủ trương này?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Có thể nói, chúng ta đã có đạt được nhiều dấu ấn rất tích cực trong việc huy động các nguồn lực xã hội, tư nhân phục vụ cho phát triển năng lượng. Như lĩnh vực điện năng, có 28% tổng công suất phát đến từ khu vực tư nhân, dưới các hình thức đầu tư đa dạng, hiệu quả như hợp đồng BOT, IPP… Khu vực tư nhân cũng đã tạo thế đứng trong lĩnh vực năng lượng, kể cả về điện, dầu khí, than. Điều mà chúng ta thấy, chỉ có một số cơ chế chính sách mới đưa vào như cơ chế giá cho điện mặt trời (Quyết định số 11/207/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam) hay giá cho điện gió (Quyết định Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam) cho thấy, tiềm năng rất lớn của khu vực tư nhân trong tham gia phát triển ngành Điện.
Nhưng NQ55 không chỉ nêu định hướng quan trọng, nguyên tắc, mục tiêu để tiếp tục xóa bỏ rào cản, tạo thuận lợi cho tất cả các ngành kinh tế, nhất là khu vực tư nhân để tham gia các lĩnh vực tiềm năng nói chung và năng lượng ở Việt Nam nói riêng. Mà NQ55 còn xác định chiến lược rất rõ định hướng của phát triển bền vững năng lượng quốc gia sắp tới phải tập trung phát triển các nguồn năng lượng đa dạng, phù hợp.
Ví dụ, trong NQ55 nêu rõ phải phát triển cân đối hài hòa các nguồn điện nhưng tập trung khai thác sử dụng hợp lý và phù hợp các nguồn năng lượng sơ cấp, hóa thạch trong nước. Đồng thời tiếp tục tập trung ưu tiên năng luượng tái tạo, năng lượng điện khí… NQ55 cũng xác định rõ các nguyên tắc để phát triển các nguồn năng lượng này có hiệu quả, đó là dựa trên yếu tố giá cả, công nghệ, độ an toàn.
Nói điều này để thấy, NQ55 đã mở ra những cơ hội mới, to lớn và tiềm năng cho khu vực tư nhân trong tham gia phát triển năng lượng sắp tới. NQ55 cũng xác định rõ, riêng với năng lượng tái tạo thì tiếp tục xác định rõ cơ chế chính sách mang tính đột phá để tạo điều kiện cho tư nhân tham gia. Ở đây cũng phải kể đến quan điểm rất mới, mang tính quyết sách là tiếp tục xem xét và hình thành những trung tâm năng lượng tái tạo và những trung tâm này làm sao dựa trên nền tảng lợi thế của công nghệ, vị trí địa lý, tiềm năng.
Tựu chung lại, NQ55 đã mở ra cánh cửa mới và cho phép chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào một chiến lược với những cơ chế chính sách mới để tư nhân tham gia sâu hơn vào phát triển năng lượng quốc gia nhằm đảm bảo an ninh năng lượng đất nước.
Nghị quyết 55 mở ra cơ hội mới cho khu vực tư nhân đầu tư vào năng lượng - Ảnh minh họa
PV: Để NQ55 thực sự đi vào cuộc sống, Bộ Công Thương đã có những bước chuẩn bị và kế hoạch triển khai ra sao, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Với góc độ là bộ đầu mối phụ trách an ninh năng lượng, Bộ Công Thương sẽ sớm xây dựng kế hoạch hành động để triển khai, báo cáo Ban cán sự Đảng, Chính phủ để xây dựng chương trình hành động. Nhưng có những việc phải triển khai sớm, thậm chí không đợi Chương trình hành động từ Chính phủ, mà phải quán triệt nghiên cứu để sớm có giải pháp thực hiện.
Đơn cử như: Bộ Công Thương được Chính phủ giao xây dựng Tổng sơ đồ Điện 8, thì trong khi chờ đợi, Bộ sẽ tiếp tục có những điều chỉnh Tổng sơ đồ Điện 7 hiệu chỉnh sao cho hiệu quả hơn nữa.
Mới đây, chúng tôi đã có chuyến công tác tới các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên để khảo sát và thực hiện theo yêu cầu NQ55 đặt ra. Để thực hiện tốt NQ55, sẽ phải có những tìm hiểu, nghiên cứu từ thực tiễn, những vấn đề mới phát sinh. Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các tỉnh Tây Nam Bộ như Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.. để nắm bắt thêm các vấn đề, từ đó có hướng vận dụng và quán triệt tinh thần NQ55, giải quyết trước mắt và hướng lâu dài cho phát triển năng lượng…
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận