Nhà mạng viễn thông nào ở Việt Nam làm hài lòng nhất với người dùng dịch vụ?
Đó là kết quả của cuộc khảo sát Mức độ hài lòng của người sử dụng dịch vụ viễn thông được thực hiện bởi IDG Việt Nam sẽ được công bố trong sự kiện World Mobile Broadband & ICT 2021 sẽ diễn ra vào ngày mai 25/3.
Theo Báo cáo kết quả khảo sát Mức độ hài lòng của người sử dụng dịch vụ viễn thông do IDG Vietnam thực hiện. Năm 2021, chương trình khảo sát diễn ra từ ngày 1/1 đến 6/3 tại 11 tỉnh, thành tại Việt Nam, thu được hơn 8.400 mẫu khảo sát cá nhân và 300 mẫu khảo sát doanh nghiệp.
Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên có tới 90% số phiếu khảo sát được thực hiện dưới hình thức online. Đối tượng tham gia khảo sát được chia thành 11 nhóm tuổi, thuộc 6 lĩnh vực/ngành nghề khác nhau.
Sự hài lòng của người sử dụng dịch vụ là mục tiêu ướng tới của các nhà mạng viễn thông.
Đây là năm thứ 5 liên tiếp, IDG Vietnam tiến hành chương trình khảo sát này và qua đây chúng ta thấy rõ sự thay đổi, dịch chuyển của các dịch vụ viễn thông trong đó đáng chú ý nhất là sự thay đổi về thị phần, về mức độ hài lòng và về thói quen người sử dụng.
Bản báo cáo được kỳ vọng sẽ cung cấp những thông tin quan trọng giúp các nhà mạng có sự nhìn nhận và thay đổi dịch vụ nhằm hướng tới sự phát triển mạnh mẽ hơn.
Căn cứ trên kết quả khảo sát, Hội đồng Cố vấn Bình chọn, bao gồm 9 thành viên là các chuyên gia hàng đầu đã và đang tham gia công tác, quản lý lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam như các ông Mai Liêm Trực, Trần Đức Lai, Nguyễn Minh Hồng…, thống nhất hệ tiêu chí xét duyệt và các nhận định, đánh giá chuyên sâu trên cơ sở kết quả bình chọn của người sử dụng rồi công bố, vinh danh các đơn vị cung cấp dịch vụ tiêu biểu.
Đặc biệt, năm 2021 là năm đầu tiên Hội đồng tổ chức khảo sát và xét duyệt giải thưởng dành cho các đơn vị cung cấp dịch vụ điện toán đám mây tiêu biểu tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam (REV) phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (IDG Việt Nam) tổ chức sự kiện Hội thảo Băng thông rộng di động & cố định (World Mobile Broadband & ICT) năm 2021. Sự kiện được được tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin & Truyền thông.
Chủ đề Hội thảo năm nay là "Phát triển 5G & Hạ tầng băng thông rộng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam" khi quá trình này đang trong giai đoạn bắt đầu ở nước ta.
Một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số mà đặc thù là các giao dịch điện tử trên nền tảng Internet đã phát triển và trở thành mục tiêu chiến lược quốc gia.
Theo báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2020" do Google, Temasek và Bain thực hiện, nền kinh tế số Việt Nam đạt tổng giá trị 14 tỷ USD, hơn 2 tỷ USD so với giá trị của cùng kì năm ngoái. Hơn nữa, trong tổng số người sử dụng dịch vụ kỹ thuật số, người dùng mới tại Việt Nam chiếm đến 41%.
Điều này biến Việt Nam thành quốc gia có tỉ lệ người dùng Internet mới cao nhất trong khu vực. Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam là một trong ba quốc gia châu Á có mức tăng trưởng tích cực, quy mô nền kinh tế đạt hơn 343 tỷ USD (Singapore đạt 337,5 tỷ USD và Malaysia đạt 336,3 tỷ USD).
Chính phủ Việt Nam xác định một trong những trụ cột của nền kinh tế số là hạ tầng viễn thông, bao gồm cả hạ tầng băng rộng di động lẫn băng rộng cố định. Thực tế chứng minh, chỉ trong vòng 2-3 năm trở lại đây, sự phát triển hạ tầng băng thông rộng đã mở đường cho tất cả các ngành kinh tế khác phát triển.
Tính đến hết tháng 2/2021, tại Việt Nam tổng số thuê bao băng rộng cố định vượt 17,2 triệu thuê bao, tổng thuê bao băng rộng di động đạt gần 69,5 triệu thuê bao (số liệu Cục Viễn thông).
Tuy nhiên, để góp phần hiện thực hóa đề án chuyển đổi số quốc gia vào năm 2030 và thúc đẩy hơn nữa nền kinh tế số thì các hoạt động đầu tư, khai thác viễn thông tại Việt Nam cần nhiều đổi mới, tạo bước phát triển nhẩy vọt.
Với mong muốn trở thành diễn đàn để các nhà quản lý, các chuyên gia viễn thông cùng bàn thảo, đưa ra ý kiến góp phần đổi mới, thúc đẩy các hoạt động, dịch vụ viễn thông phát triển, Ban Tổ chức đã xây dựng nội dung hội thảo trên 4 trụ cột/điểm nhấn chính.
Trong đó, Lễ vinh danh Nhà cung cấp dịch vụ băng thông rộng di động & ICT tiêu biểu năm 2021 và báo cáo kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người sử dụng dịch vụ viễn thông do IDG Việt Nam thực hiện.
Bên cạnh đó là các bài tham luận, báo cáo kết quả thử nghiệm, xu hướng và lộ trình phát sóng 5G tại Việt Nam của ba đơn vị đang thực hiện thí điểm Mobifone, VNPT-Vinaphone và Viettel.
Cùng với đó là các bài tham luận của các tập đoàn công nghệ thông tin như Qualcomm, Huawei về mô hình xã hội số cùng thách thức, giải pháp triển khai mạng 5G nhằm hiện thực hóa xã hội số.
Cuối cùng, phiên Báo cáo chính buổi chiều bao gồm các bài tham luận gợi mở cách thức thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động doanh nghiệp trên nền tảng điện toán đám mây và phát triển các dịch vụ nội dung số trên nền tảng băng thông rộng.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận