Nhân loại có thể lỡ nhiều sự kiện quan trọng khi đài thiên văn lớn nhất thế giới ngừng hoạt động
Đài thiên văn ALMA tại Chile buộc phải ngưng hoạt động dài hạn do những tác động của dịch COVID-19 khiến cho nhân loại có thể bỏ lỡ nhiều sự kiện vũ trụ quan trọng.
- Tàu vũ trụ đi nhanh như thế nào, mất bao lâu mới đến được sao hoả?
- Ấn Độ mất liên lạc với tàu thăm dò Mặt Trăng
Hệ thống các ăngten tại Đài thiên văn ALMA - Ảnh: ALMA
Theo Daily Mail, các nhà khoa học tại ALMA cho biết đã tạm ngưng hoạt động từ tháng 3/2020 đến nay. Nhóm lo sợ sẽ bỏ lỡ những sự kiện thiên văn quan trọng có thể diễn ra bất ngờ như các vụ nổ tia gamma (GRB) hay hình thành siêu tân tinh...
"Chắc chắn sẽ sót nhiều sự kiện do chúng thường diễn ra rất nhanh và khó đoán trước", John Carpenter - trưởng nhóm nghiên cứu từ ALMA - nói.
John Carpenter cho biết ALMA cũng không thể cập nhật tình hình của sao siêu lớn Betelgeuse - ngôi sao sáng thứ 10 trên bầu trời hiện nay, nằm trong chòm Lạp Hộ. Betelgeuse cách Trái đất 640 năm ánh sáng, đang giảm độ sáng và thay đổi hình dạng.
"Chúng tôi đang nghiên cứu quá trình tắt dần của ngôi sao này thì buộc dừng lại", John Carpenter nói.
Sao Betelgeuse giảm độ sáng được ALMA quan sát. Ảnh bên trái chụp Betelgeuse vào tháng 1/2019, bên phải vào tháng 12/2019. Ảnh: ALMA
ALMA gồm hệ thống 66 ăngten đĩa, đường kính 12m hoặc 6m, trong đó khoảng cách giữa hai ăngten xa nhất lên đến 16km.
ALMA có thể phát hiện những bức xạ không thể nhìn thấy bằng mắt, có thể theo dõi khoảnh khắc một số ngôi sao ra đời, thiên hà sơ sinh, những hành tinh kết hợp xung quanh các ngôi sao xa...
Mỗi ăngten thu thập bức xạ từ không gian rồi gửi dữ liệu về một siêu máy tính xử lý. ALMA có thể nhìn xuyên qua các đám mây bụi dày đặc sâu trong vũ trụ.
Hằng năm, ALMA quan sát vũ trụ đến 4.000 giờ nhưng dự kiến năm nay giảm còn chưa tới 2.000 giờ vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Bầu trời hoang mạc Atacama ít chịu ảnh hưởng của con người - Ảnh: GETTY IMAGES
ALMA là một trong số nhiều đài quan sát đặt tại Chile - đất nước thu hút hơn phân nửa các đài quan sát, kính thiên văn lớn trên thế giới.
Lý do là bởi các vùng đất sâu trong sa mạc Atacama thuộc cao nguyên Chajnantor (miền bắc Chile) nằm ở địa điểm cao, khô ráo nên hơi nước trong bầu khí quyển Trái đất không cản trở tầm nhìn.
Nhiều nhà khoa học còn ví von bầu trời ở khu vực này vẫn vẹn nguyên như thời sơ khai, chưa chịu nhiều tác động của con người, nhất là ô nhiễm ánh sáng.
Bà Itziar de Gregorio - trưởng phòng khoa học tại Đài thiên văn phía Nam châu Âu (ESO) - cho biết hiện tại vẫn giao một nhóm nhỏ các nhà khoa học ở lại trông coi kính thiên văn nhưng ngưng hầu hết hoạt động quan sát.
Dịch COVID-19 làm gián đoạn nghiên cứu của nhiều nhà khoa học. Các chuyên gia cũng phải tạm ngưng công việc do quy định giãn cách xã hội ở nhiều quốc gia.
Hơn nữa, tình hình dịch bệnh ở Nam Mỹ vẫn đang diễn biến phức tạp. Riêng ở Chile, hiện có hơn 150.000 ca nhiễm COVID-19, trong đó 2.450 trường hợp tử vong.
Theo ông Claudio Melo - đại diện ESO tại Chile - cơ quan này vẫn chưa rõ thời gian hoạt động thiên văn trở lại như bình thường ở khu vực Nam Mỹ.
Theo Tạp Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận