Tech4life Expo & Summit 2022 mang đến nhiều điểm nhấn đáng chú ý
Triển lãm và Hội nghị Công nghệ cho cuộc sống 2022 do sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10-10 và Kế hoạch số 3262/KH-UBND ngày 14/9/2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc Tổ chức Tuần lễ ĐMST&CĐS TP.HCM năm 2022.
Sự kiện được tổ chức trong 2 ngày 13-14/10/2022 nằm trong chuỗi sự kiện của Tuần lễ ĐMST & CĐS của Tp HCM. Đây được xác định là một trong những sự kiện thường niên quan trọng nhằm phổ biến, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong đời sống kinh tế, xã hội.
Với chủ đề “Công nghệ nâng tầm cuộc sống”, Triển lãm & Hội nghị Tech4life 2022 đã mang đến rất nhiều các sản phẩm, nền tảng giải pháp thông minh phục vụ chuyển đổi số cho các tổ chức doanh nghiệp và thông minh hóa cuộc sống của con người theo 03 tuyến nội dung chính:
- Tech4Work (Công nghệ phục vụ chuyển đổi số công việc),
- Tech4Life (Cuộc sống thông minh),
- Và Tech4Entertainment (Tiện ích giải trí thông minh).
Không ngoài mục tiêu là giới thiệu và cập nhật thông tin về các xu thế công nghệ; Trao đổi, thảo luận và thúc đẩy ứng dụng công nghệ; Giới thiệu các ứng dụng/sản phẩm/giải pháp công nghệ; Kết nối cung cầu và Thu hút đầu tư công nghệ trên địa bàn Thành phố.
Trong lần đầu tiên tổ chức tại Tp HCM, Triển lãm Tech4Life 2022 đã thu hút gần 50 gian hàng, và khoảng 3.000 khách tham quan triển lãm.
Cùng với triển lãm và giới thiệu cập nhật xu hướng công nghệ phục vụ quá trình chuyển đổi số toàn diện trên nhiều ngành nghề, BTC cũng dành phần lớn không gian triển lãm để tổ chức 02 hội thảo chuyên đề, đó là: Giải pháp chuyển đổi số cho tổ chức/doanh nghiệp và Chuyển đổi số cho doanh nghiệp ngành sản xuất.
Nếu như Hội thảo Giải pháp chuyển đổi số cho tổ chức/doanh nghiệp nêu bật các dự báo tích cực từ tất cả các tổ chức đánh giá quốc tế cho thấy tiến trình chuyển đổi số Việt Nam đang ở giai đoạn tăng tốc từ cơ quan, đến doanh nghiệp, người dân… tạo đà cho sự phát triển toàn diện của Việt Nam. Là thành phố lớn và trọng điểm, Tp.HCM cũng đang tích cực chuyển đổi số nhanh, mạnh, toàn diện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tại đây, Bộ TTTT cũng đã có bài chia sẻ công bố kết quả Chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2021. Theo đó, Tp. HCM tăng 2 bậc so với năm 2020, vươn lên đứng thứ 3 toàn quốc về DTI. Đồng thời cũng nêu rõ mục tiêu mà Thành phố lựa chọn là con đường phát triển, đổi mới trên cơ sở ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng, hướng tới mục tiêu đến năm 2025, đưa kinh tế số chiếm 25% GRDP của Thành phố.
Đồng hành cùng các doanh nghiệp, tổ chức, tại hội thảo lần này đại diện VINASA cũng đã có bài chia sẻ bộ khung hướng dẫn chuyển đổi số cho các doanh nghiệp SME thuộc 26 lĩnh vực chuyên ngành, được xây dựng vào năm 2021. Tại đây các diễn giả đã chia sẻ sâu hơn về chuyển đổi số từng nghiệp vụ cụ thể trong các doanh nghiệp SMEs bao gồm: Quản lý công việc Digital Workplace của Nền tảng GapoWork; Quản lý nhân sự thời đại công nghệ số từ công ty Softone; Giải pháp thanh toán thông minh từ MOMO; Quản lý Khách hàng – Online CRM của Online CRM, và Bảo mật thông minh từ Tập đoàn MK.
Tại hội thảo với nội dung Chuyển đổi số cho doanh nghiệp ngành sản xuất, Tổng cục Thống kê cho thấy sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 7/2022 tiếp tục phục hồi, ước tính tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam đang được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn và được xem là công xưởng mới của thế giới. Để ngành sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng: Các doanh nghiệp cần nhanh chóng đầu tư, và thực hiện chuyển đổi số, càng sớm càng tốt. Không chỉ để tối ưu hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh mà phải chuyển để để phát triển nội lực, đẩy mạnh sáng tạo để nâng cao, tạo ra các sản phẩm mới, giá trị mới cho đối tác, khách hàng.
Thông qua hội thảo lần này, hy vọng các Doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt là các Doanh nghiệp sản xuất tại TP. HCM, nơi đóng vai trò kinh tế đầu tàu của cả nước, không những tiếp cận và thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện, bài bản, mà còn trực tiếp kết nối giữa những doanh nghiệp này với các doanh nghiệp công nghệ số, những nhà cung cấp giải pháp dịch vụ số tiêu biểu, để góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, làm động lực phát triển cho nền kinh tế địa phương.
Tại Hội thảo, rất nhiều thông tin về Khung hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo bao gồm từ phương pháp luận chuyển đổi số, bộ công cụ đánh giá mức độ chuyển đổi số, và bộ giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất đã được đưa ra. Theo VINASA, bộ khung được tập hợp từ các doanh nghiệp, chuyên gia về chuyển đổi số đến từ các nước có nền công nghiệp phát triển như Nhật, Mỹ, Đài Loan - Trung Quốc để xây dựng lên. Bên cạnh đó, một số giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho các doanh nghiệp sản xuất cũng được giới thiệu như các sản phẩm của Netsuite, FPT Information System, Microsoft và Solpac…
Tech4life 2022 tại Tp HCM đã thu hút khoảng 3000 lượt khách tham quan triển lãm, hơn 20 diễn giả, hơn 10 giải pháp chuyển đổi số chất lượng được giới thiệu và khoảng 1.000 lượt đại biểu tham dự Hội thảo bao gồm lãnh đạo cấp cao của Tp HCM, lãnh đạo các Sở, doanh nghiệp, các cư dân, học sinh, sinh viên đang sinh sống tại TP. HCM và các tỉnh, thành phố lân cận quan tâm đến các sản phẩm, giải pháp thông minh phục vụ cho công việc và cuộc sống…
Theo Tạp chí Điện tử & Ứng dụng
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận