Dự báo chứng khoán tuần tới: Đà tăng của VN-Index là không thể cản phá
Dự báo chứng khoán tuần tới (1 - 5/11), khi đã có thể cán mốc lịch sử mới của thị trường trong tuần cuối tháng 10 là đà thuận lợi cho xu thế của tuần giao dịch tiếp theo dù vẫn còn đó những lo ngại về lạm phát hoặc dịch bệnh.
- Dự báo chứng khoán tuần tới: "Hưng phấn" từ các tín hiệu kinh tế lạc quan
- Dự báo chứng khoán tuần tới: Chỉ là những đà phục hồi trong ngắn hạn
- Dự báo chứng khoán tuần tới: Có bứt phá trước những tín hiệu lạc quan
Dự báo chứng khoán tuần tới (1 - 5/11), khi thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại tuần cuối tháng 10 ở mức kỷ lục mới, đây cũng là tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 6. Cùng với điểm số, thanh khoản cũng tăng vọt so với tuần trước và khối ngoại đã quay lại mua ròng sau 11 tuần bán ròng liên tiếp.
Thị trường vẫn còn những lo ngại
Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, VN-Index ghi nhận tuần giao dịch tích cực nhưng nhịp tăng đang chậm lại tại vùng cản 1.440 - 1.450 điểm. Thanh khoản tăng so với các phiên trước và trên mức trung bình 50 phiên, cho thấy đang có tranh chấp đáng kể tại vùng cản.
Tuy nhiên, VDSC cho rằng, dù nhịp tăng đang chậm lại nhưng nhìn chung xu hướng tăng của VN-Index chưa có tín hiệu thay đổi. Dự kiến VN-Index sẽ có động thái thăm dò trong phiên giao dịch tiếp theo trước khi có tín hiệu cụ thể hơn.
Dự báo chứng khoán tuần tới về VN-Index là xu thế tăng không thể cản phá.
Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho biết, thị trường đã khép lại 1 tuần vượt đỉnh lịch sử và lập các mức cao mới, đà tăng được hỗ trợ bởi mức tăng thanh khoản và khối ngoại quay đầu mua ròng sau chuỗi 11 tuần bán ròng liên tiếp.
Chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp đưa thị trường lập các mức cao mới như cởi bỏ tâm lý của nhà đầu tư ở 2 tuần đi ngang trước đó. Thị trường đang được kỳ vọng sẽ lập các đỉnh cao mới khi dòng tiền vẫn tiếp tục gia tăng, chỉ số VN-Index có khả năng sẽ thử thách ngưỡng 1.465 điểm trong các phiên sắp tới.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), dòng tiền đổ mạnh vào thị trường trong tuần qua đã giúp VN-Index chính thức vượt qua được vùng đỉnh cũ 1.420-1.425 điểm để hướng đến những mức cao mới.
Khối ngoại cũng quay trở lại mua ròng gần 300 tỷ đồng trên hai sàn sau chuỗi bán ròng liên tiếp cũng là một điểm tích cực hỗ trợ cho xu hướng tăng.
Trên góc nhìn kỹ thuật, thị trường hiện đang nằm trong sóng tăng với mục tiêu theo lý thuyết là quanh ngưỡng 1.550 điểm có thể đạt được trong thời gian tới.
Do đó dư địa tăng là vẫn còn nên trong tuần giao dịch từ 1 -5/11, VN-Index có thể tiếp tục tăng điểm, tuy nhiên những phiên rung lắc có thể xảy ra.
Trong kịch bản tiêu cực, nếu áp lực bán gia tăng, VN-Index có khả năng sẽ cần kiểm tra lại lực cầu trong vùng hỗ trợ gần nhất trong khoảng 1.420-1.425 điểm.
Về diễn biến thị trường tuần qua (từ 25-29/10), VN-Index tăng 55,03 điểm lên 1.444,27 điểm; HNX-Index tăng 20,91 điểm lên 412,12 điểm.
Thanh khoản gia tăng so với tuần trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 phiên gần nhất với khoảng 29.900 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.
Tính trong cả tuần, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 19,5% lên 131.929 tỷ đồng, tương ứng khối lượng tăng 17% lên 4.435 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 32,4% lên 17.601 tỷ đồng tương ứng khối lượng tăng 13% lên 738 triệu cổ phiếu.
Các nhóm ngành cổ phiếu chính đều có sự tăng trưởng tích cực trong tuần qua. Nhóm cổ phiếu tiện ích cộng đồng tăng mạnh nhất với 8,2% giá trị vốn hóa, nhờ đà tăng của một số trụ cột trong ngành như POW tăng 4,5%, GAS tăng 11,1%.
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu tài chính tăng 6,2% giá trị vốn hóa; trong đó, cổ phiếu bất động sản như: NVL tăng 5,8%, MLG tăng 7%, VHM tăng 9,6%, KDH tăng 12%; cổ phiếu chứng khoán như: HCM tăng 1,9%, SHS tăng 2,7%, SSI tăng 3,3%, VCI tăng 3,6%, VND tăng 9,2%; cổ phiếu bảo điểm như: PVI tăng 6,3%, BVH tăng 7,3%, BMI tăng 10,1%.
Ngành hàng tiêu dùng tăng 3,3% giá trị vốn hóa, nhờ sự đóng góp của các trụ cột như: VNM tăng 0,2%, SAB tăng 2,6%, MSN tăng 7,7%. Ngành dầu khí tăng 2,9%. Các trụ cột trong ngành như: PVD tăng 2,6%, PVS tăng 5,9%, BSR tăng 7,4%, OIL tăng 7,5%...
Các ngành còn lại đều ở chiều tăng như: ngân hàng tăng 2,6% giá trị vốn hóa, dược phẩm và y tế tăng 2,2%, công nghệ thông tin tăng 2%, nguyên vật liệu tăng 1,7%, dịch vụ tiêu dùng tăng 0,5%...
Thực tế, tuần qua thị trường chứng khoán Việt Nam liên tiếp chinh phục các đỉnh cao mới trong bối cảnh các thị trường chứng khoán thế giới diễn biến rất tích cực.
Đà phục hồi mạnh từ các thị trường trên toàn cầu
Các chỉ số chứng khoán Mỹ đảo chiều, đạt các mức kỷ lục trong phiên 29/10, tăng trong cả tuần và cả tháng 10, khi nhiều yếu tố cùng lúc tạo đà cho thị trường.
Chốt phiên cuối tuần, chỉ số Dow Jones tăng 0,3% lên mức cao kỷ lục 35.819,56 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,2% lên 4.605,38 điểm. Nasdaq Composite tăng 0,3% lên 15.498,39 điểm. Các mức chốt phiên này của chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đều là cao nhất kể từ tháng 11/2020.
Dự báo chứng khoán tuần tới với thế giới sẽ tiếp tục là gam màu "tươi sáng.
Trong cả tuần, chỉ số Dow Jones tăng 0,4%, chỉ số S&P 500 tăng 1,3% và chỉ số Nasdaq Composite tăng 2,7%. Trong cả tháng 10, các chỉ số tăng tương ứng 5,8%, 6,9% và 7,3%.
Các chỉ số đã phục hồi sau khi những lo ngại về nguồn cung và lợi suất trái phiếu tăng đã kéo các chỉ số chứng khoán xuống trong tháng Chín.
Một số yếu tố đã tạo động lực phục hồi cho các chỉ số trong tháng này như: Lợi suất trái phiếu dừng tăng; lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp vượt dự báo.
Dù rủi ro vẫn còn khi lợi suất trái phiếu có thể chưa hoàn toàn dừng tăng và các căng thẳng trong chuỗi cung ứng chưa giảm nhiều, nhưng các nhà đầu tư lẻ đã mua vào cổ phiếu.
Tại châu Á, các thị trường chứng khoán diễn biến trái chiều trong phiên 29/10. Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 tăng 0,3% lên 28.892,69 điểm, trước thềm cuộc bầu cử Hạ viện hôm 31/10
Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải tăng 0,8% lên 3.547,34 điểm, trong khi chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,7% xuống 25.377,24 điểm. Một báo cáo cho thấy nhà phát triển bất động sản Evergrande của Trung Quốc đã thanh toán lãi suất quá hạn trước thời hạn 29/10.
Chứng khoán Sydney, Seoul, Mumbai, Bangkok và Manila đều nằm trong vùng đỏ, trong khi chứng khoán Singapore, Wellington và Jakarta tăng.
Phần lớn báo cáo lợi nhuận từ một số công ty hàng đầu thế giới vượt dự báo đã giúp thúc đẩy đà tăng trên thị trường chứng khoán toàn cầu trong tháng này, đồng thời giúp xoa dịu những lo ngại về lạm phát gia tăng và kết thúc giai đoạn “bơm tiền” vào thị trường của ngân hàng trung ương.
Hiện nhà đầu tư cũng đang hướng sự chú ý đến Mỹ sau khi Tổng thống Joe Biden công bố kế hoạch chi tiêu cho môi trường và xã hội mới trị giá 1.750 tỷ USD, bằng một nửa so với chi phí ban đầu đề ra.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng "để mắt" tới cuộc họp chính sách vào tuần tới của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed); trong đó, các nhà hoạch định chính sách có thể thông báo kế hoạch dừng chương trình mua trái phiếu quy mô lớn được triển khai từ khi dịch bệnh bùng phát.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận