Dự báo chứng khoán tuần tới: VN-Index không thể phục hồi trong ngắn hạn
Dự báo chứng khoán tuần tới (30/8 - 1/9), chuyên gia từ công ty chứng khoán nhận định, VN-Index vẫn chưa thoát khỏi xu thế giảm, nhưng cơ hội đầu tư vẫn có khi dòng tiền đã quay trở lại bắt đáy với một số cổ phiếu về mức đáy tháng 7 vừa qua.
Tuần giao dịch tới, do ngày Quốc khánh 2/9 rơi vào thứ Năm, nên thị trường chứng khoán chỉ mở cửa giao dịch trong 3 ngày nên VN-Index không đủ thời gian để tìm kiếm đà phục hồi.
Vn-Index vẫn đang trong xu thế giảm
Dự báo chứng khoán tuần tới (30/8 - 1/9), theo Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, dù VN-Index kết thúc ngày cuối tuần (27/8) với mức tăng mạnh, nhưng thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy, sau nhịp giảm mạnh ở tuần trước đó.
Dòng tiền đã quay trở lại thị trường chứng khoán tích cực hơn và nhiều cổ phiếu vẫn tiếp tục tăng giá mạnh. Qua đó cho thấy, dòng tiền trên thị trường vẫn đang vận động liên tục và luôn tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Dự báo chứng khoán tuần tới không thể có đà phục hồi nhưng vẫn có cơ hội cho nhà đầu tư.
"Trong giai đoạn hiện nay, với tình hình thị trường đang ổn định trở lại, các nhà đầu tư có thể nắm giữ cổ phiếu tốt của mình hoặc tìm thêm cơ hội để đầu tư trong ngắn hạn", VDSC cho biết.
Dưới góc nhìn của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), VN-Index có phiên phục hồi tích cực cuối tuần qua, với trở lại của nhóm blue chip (những cổ phiếu nhận được sự chú ý đặc biệt của mọi nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán và mang tính dẫn dắt thị trường) là điểm nhấn, dù nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn hoạt động khá sôi động.
Trong nhịp điều chỉnh vừa qua, đây là phiên có lực hồi tốt nhất và được hỗ trợ bởi thanh khoản tăng. Điều này có thể là tín hiệu cho thấy vùng 1.290 - 1.300 điểm trở thành vùng hỗ trợ mạnh.
"Nhà đầu tư có thể cơ cấu 1 phần danh mục sang nhóm blue chip sau khi dòng tiền đã quay trở lại bắt đáy với một số cổ phiếu đã về mức đáy tháng 7 vừa qua", MBS khuyến nghị.
Còn Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cho rằng, các tín hiệu trong phiên cuối tuần qua cho thấy, khả năng chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục tăng theo quán tính trong phiên tới.
Tuy nhiên, do vẫn đang nằm trong một xu hướng giảm ngắn hạn nên chỉ số sẽ sớm đối mặt với lực cung khi VN-Index hướng đến vùng kháng cự gần 1.340 điểm. Trong khi đó, vùng hỗ trợ gần nhất cho VN-Index nằm tại 1.300-1.292 điểm.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index vẫn đang di chuyển trong sóng điều chỉnh và dư địa giảm là vẫn còn.
SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo từ 30/8-1/9, thị trường có khả năng sẽ nối tiếp nhịp hồi phục kỹ thuật vào đầu tuần, trước khi tiếp tục điều chỉnh về các vùng giá thấp hơn.
Vùng kháng cự đáng lưu ý hiện trong khoảng 1.335-1.340 điểm, trong khi ngưỡng hỗ trợ tâm lý là tại quanh 1.300 điểm và xa hơn là vùng hỗ trợ mạnh trong khoảng 1.200-1.250 điểm.
Những nhà đầu tư vẫn đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể canh những phiên hồi kỹ thuật để giảm tỷ trọng. Nhà đầu tư đã chốt lời danh mục ngắn hạn trước đó tiếp tục quan sát và giải ngân trở lại khi thị trường điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh trong khoảng 1.200-1.250 điểm.
Diễn biến cụ thể, kết thúc tuần giao dịch từ 23- 27/8, VN-Index giảm 16,23 điểm xuống 1.313,2 điểm; HNX-Index tăng 0,73 điểm lên 338,79 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn suy giảm so với tuần trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 tuần gần nhất với trung bình khoảng 24.300 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.
Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 26,9% xuống 103.361 tỷ đồng, tương ứng khối lượng giảm 24,5% xuống 3.186 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 27,6% xuống 18.149 tỷ đồng, tương ứng khối lượng giảm 23,3% xuống 745 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại tuần qua vẫn duy trì trạng thái bán ròng. Cụ thể, khối này đã bán ròng ở mức 10 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 1.032 tỷ đồng. Như vậy, từ đầu tháng 8 đến nay, khối ngoại liên tiếp bán ròng mạnh trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuần qua, các nhóm cổ phiếu chính có sự phân hoá mạnh. Ở chiều tăng giá, nhóm dược phẩm và y tế dẫn đầu với 5% giá trị vốn hoá. Các cổ phiếu tiêu biểu như: JVC tăng 3%, TNH tăng 4,2%, DBD tăng 5,5%, DCM và DHG đều tăng 7%, AMV tăng 9,2%, DVN tăng 12,6%.
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu dịch vụ tiêu dùng với mức tăng 2,2% giá trị vốn hóa. Các mã tiêu biểu trong ngành như: MWG tăng 1,5%, FRT tăng 3,5%.
Tiếp theo, nhóm cổ phiếu tiện ích cộng đồng tăng 1,6% giá trị vốn hóa, nhóm công nghiệp tăng 1,5%, hàng tiêu dùng tăng 0,6% giá trị vốn hóa, nguyên vật liệu tăng 0,1% giá trị vốn hóa.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất với 3,8% giá trị vốn hoá. Các mã giảm mạnh như: SHB giảm 1,8%, VPB giảm 2,1%, VCB giảm 2,3%, BID giảm 4,4%, CTG giảm 4,7%, TCB giảm 4,9%, ACB giảm 5,5%, MBB giảm 6,4%.
Tiếp theo cổ phiếu tài chính giảm 0,9% giá trị vốn hóa; trong đó, các mã thuộc nhóm bất động sản như: VIC giảm 3%, VHM giảm 1,1%. Các mã thuộc nhóm chứng khoán như: SSI giảm 2,1%, VCI giảm 3,7%, VND giảm 4,5%, HCM giảm 6,1%.
Ngành công nghệ thông tin và dầu khí cùng giảm nhẹ 0,3% giá trị vốn hóa. Thực tế, chứng khoán Việt Nam đi lên trong bối cảnh các chỉ số chứng khoán liên tiếp lập kỷ lục trong tuần qua.
Chứng khoán thế giới diễn biến trái chiều
Trong khi chứng khoán Việt Nam đi lên trong phiên cuối tuần thì chỉ số chứng khoán Mỹ cũng phục hồi trong phiên 27/8, với các chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite chốt phiên ở các mức cao kỷ lục lần thứ tư trong tuần qua, khi phát biểu của Chủ tịch Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tại hội nghị ở Jackson Hole đã xoa dịu những lo ngại liên quan đến thời điểm giảm tốc độ mua tài sản và khích lệ nhà đầu tư mua vào.
Dự báo chứng khoán tuần tới thịt rường thế giới "nghịch biến" với biến thể Delta.
Chốt phiên cuối tuần, chỉ số Dow Jones tăng 0,69%, lên 35.455,8 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,88% lên 4.509,37 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,23% lên 15.129,5 điểm.
Người phụ trách nghiên cứu và giao dịch của công ty quản lý tài sản phái sinh Harvest Volatility Management (New York), Mike Zigmont cho rằng, các nhà đầu tư mua vào mạnh và thị trường đang tập trung vào khả năng Fed chưa tăng lãi suất.
Về chuỗi lập kỷ lục gần đây của các chỉ số; trong đó, chỉ số S&P 500 chốt phiên ở mức cao kỷ lục lần thứ 52 kể từ đầu năm nay, ông Zigmont đánh giá sự phục hồi diễn ra liên tục và với tốc độ rất nhanh.
Tại châu Á, các thị trường chứng khoán đi ngược chiều trong phiên 27/8. Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản) chỉ số Nikkei 225 giảm 0,4% xuống 27.641,14 điểm.
Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong đi ngang ở mức 25.407,89 điểm, trong khi chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải tăng 0,6% lên 3.522,16 điểm nhờ một báo cáo cho thấy Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương nước này) đang xem xét những cách thức mới để hỗ trợ các doanh nghiệp; trong đó có việc cân nhắc cắt giảm lượng tiền mặt mà các ngân hàng phải dự trữ. Chứng khoán Sydney, Singapore, Manila và Jakarta đều giảm, trong khi đó chứng khoán Seoul, Wellington, Taipei, Mumbai và Bangkok tăng.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận