Fintech - Cầu nối đưa TP HCM lên vị thế trung tâm tài chính khu vực
Phát triển công nghệ tài chính hiện đang được coi là căn cứ để nâng tầm TP HCM để hưởng tới mục tiêu xây dựng thành phố sẽ là trung tâm tài chính của cả nước cũng như khu vực.
- Fintech Summit 2019 - Chìa khoá đến thành công của các nhà khởi nghiệp sáng tạo trong công nghệ tài chính
- Viettel Pay giữ vai trò trung gian thanh toán cho Thủ thách sáng tạo cùng công nghệ tài chính
- Điểm nghẽn tài chính gây khó khi triển khai AI trong ngành Y tế
TP HCM đang hướng đến việc xây dựng thành phố trở thành trung tâm tài chính của cả nước cũng như khu vực. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, rất khó có thể thành công trong cuộc đua xây dựng một trung tâm tài chính tầm quốc tế theo cách truyền thống. Vì vậy, hướng phát triển các công ty công nghệ tài chính (Fintech) có độ phủ quốc tế sẽ phù hợp hơn với TP HCM nói riêng, Việt Nam nói chung.
“Người đi sau” - Đi tắt đón đầu cơ hội
Theo TS Vũ Thành Tự Anh - Trường Đại học Fulbright Việt Nam, mặc dù TP HCM có một vị thế kinh tế nổi trội để có thể trở thành một trung tâm tài chính nhưng hiện vẫn chưa có tên trong bảng xếp hạng trung tâm tài chính khu vực năm 2019 bởi quy mô vẫn rất nhỏ so với các trung tâm đã hình thành tại nhiều nước trong khu vực. Trong khi đó, Trung Quốc đã nổi lên như một quốc gia có 7 trung tâm tài chính khu vực và quốc tế một phần nhờ quy mô kinh tế cũng như tận dụng được sự phát triển các thị trường ngách.
TS Tự Anh cho rằng, TP HCM cần thay đổi trong tiếp cận, nương theo biến động và xu thế của khu vực và thế giới. Có như thế mới có thể lọt vào danh sách trung tâm tài chính của quốc tế, dần dần khẳng định vị thế trên thế giới. Với các lợi thế đang có, TP HCM có thể phát triển theo trung tâm tài chính hàng hóa hoặc Fintech.
Còn theo TS Lê Hồng Giang - Giám đốc Chiến lược đầu tư Quỹ Tactical Global Management (Australia) nhận xét, khoảng chục năm trở lại đây, trong bối cảnh làn sóng công nghệ di động, tính toán đám mây và nhất là trí tuệ nhân tạo bùng nổ, ngành tài chính thế giới đang bước vào với một cuộc thay đổi lớn. Dịch vụ tài chính càng ngày càng dựa vào công nghệ. Do vậy, bản chất của trung tâm tài chính sẽ dịch chuyển thành trung tâm công nghệ hoặc cộng sinh với trung tâm công nghệ. Đây sẽ là thách thức cho các trung tâm tài chính hiện hữu, đồng thời là cơ hội cho những trung tâm non trẻ.
Một đặc điểm quan trọng của làn sóng công nghệ mới là tính phi tập trung ngày càng cao, dù là trong các ứng dụng blockchain, cho vay ngang hàng hay huy động vốn từ đám đông...
Phi tập trung theo chiều ngang khi các dịch vụ tài chính không cần tập trung hoặc thông qua các đầu mối lớn nữa, trong khi phi tập trung theo chiều dọc với các công ty Fintech nhỏ gặm nhấm dần từng mảng dịch vụ của các định chế tài chính hiện hữu. Quá trình này sẽ làm giảm dần lợi thế nhờ quy mô của các trung tâm tài chính lớn.
Việt Nam nói chung, TP HCM nói riêng khó có cửa trong cuộc đua xây dựng một trung tâm tài chính tầm quốc tế theo cách tryền thống, nhưng thai nghén một vài unicorn (công ty kỳ lân khởi nghiệp xuất sắc được định giá trên 1 tỷ USD) về fintech có độ phủ quốc tế hoàn toàn nằm trong tầm với.
Trusting Social - một công ty công nghệ tài chính thuần Việt đang tiến gần tới mục tiêu đó và còn nhiều start-up khác cũng rất có triển vọng. Đó sẽ là tương lai trung tâm tài chính của Việt Nam, của TP HCM - Tiến sĩ Lê Hồng Giang gợi mở.
Tạo thành "rốn" tài chính trong thời đại CMCN 4.0
Các chuyên gia cho rằng, với sự phát triển của công nghệ 4.0 ngày nay, nhiều nghiên cứu cho thấy các trung tâm tài chính quốc tế vẫn chưa đánh mất vai trò quan trọng của mình như đã từng có trong lịch sử. Chúng sẽ chuyển sang một diện mạo mới và đó cũng là thời cơ cho các quốc gia đến sau như Việt Nam.
Giáo sư, TS Trần Ngọc Thơ (Trường Đại học Kinh tế TP HCM) nhận định, với tất cả những "thiên thời, địa lợi nhân hoà" và kế hoạch bài bản đã được ấp ủ từ hơn một thập niên qua, TP HCM có khả năng và xứng đáng trở thành một trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, trung tâm tài chính quốc tế ở các nước luôn là câu chuyện chính sách tầm quốc gia. Điều này đòi hỏi sự ủng hộ tuyệt đối từ Trung ương. Phát triển trung tâm tài chính nên được đặt ở tầm quốc sách, thể hiện trong việc chuẩn bị các đề cương các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng sắp tới.
“Với những bất cập về thể chế hiện hành, có thể cần đến cách tiếp cận theo kiểu "một vụ nổ lớn" (Big Bang). Thiết lập trung tâm tài chính quốc tế trong một đặc khu kinh tế đặc biệt tại TP HCM với những chuẩn mực đẳng cấp quốc tế cao nhất” - Giáo sư Trần Ngọc Thơ đề xuất.
Theo Giáo sư Trần Ngọc Thơ, Fintech được dự báo sẽ làm thay đổi cuộc chơi của các trung tâm tài chính quốc tế trên toàn thế giới. Phải chăng điều này sẽ gợi ý về việc phát triển một trung tâm tài chính của Việt Nam, với TP HCM là điểm đến lý tưởng để triển khai, bước đầu bằng việc tập trung vào lĩnh vực Fintech.
Bên cạnh các chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp truyền thống, việc phát triển hệ sinh thái Fintech sẽ là một hướng mới cho các trung tâm tài chính - các chuyên gia nhận định. Về cơ bản, đó cũng là các chính sách khuyến khích phát trển đặc thù cho thế giới startup công nghệ, thu hút quỹ đầu tư mạo hiểm, dịch vụ tư vấn trợ giúp, tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển, hội thảo, workshop công nghệ, thiết lập văn phòng làm việc chung với hạ tầng thông tin và tính toán mạnh.
Cùng đó, việc giúp dỡ bỏ các rào cản pháp lý và hạn chế các định chế tài chính hiện hữu vận động hành lang bảo vệ vai trò độc quyền của họ sẽ là bệ đỡ lớn nhất cho hệ sinh thái Fintech phát triển.
Để chuẩn bị cho việc phát triển TP HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND thành phố đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp quan trọng; trong đó, nhấn mạnh thúc đẩy các chương trình khởi nghiệp sáng tạo, nhất là liên quan đến vấn đề khởi nghiệp về Fintech và tạo môi trường thuận lợi cho ngành tài chính phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Đến thời điểm hiện tại, việc lựa chọn mô hình phát triển nào cho trung tâm tài chính TP HCM vẫn đang được cân nhắc trước khi quyết định. Tuy nhiên, để TP HCM trở thành trung tâm tài chính của cả nước, khu vực và thế giới đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể từ Trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, TP HCM cần có sự thay đổi trong tiếp cận, nương theo biến động và xu thế của khu vực và thế giới. Có như thế, thành phố mới có thể lọt vào danh sách trung tâm tài chính của quốc tế, dần dần khẳng định vị thế trên thế giới.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận