Dự báo chứng khoán tuần tới: Dao động nhẹ trong biên độ hẹp
Dự báo chứng khoán tuần tới (16 - 20/8), trước những diễn biến của dịch COVID-19 đang khiến cho các nhà đầu tư bất an tuy nhiên sức hút của thị trường vẫn đủ lớn để hấp dẫn nhà đầu tư giúp cho giá trị giao dịch trong tuần tiếp theo sẽ biến động trong biên độ hẹp.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua (từ 9 - 13/8) tiếp tục đi lên cùng với thanh khoản gia tăng so với tuần trước đó. Dù áp lực bán những phiên cuối tuần qua tăng mạnh, nhưng nhiều công ty chứng khoán vẫn đưa ra nhận định khá lạc quan về xu hướng thị trường tuần tới khi cho rằng, thị trường vẫn sẽ tiếp tục đi lên.
Biến động nhẹ trong biên độ hẹp
Dự báo chứng khoán tuần tới (16 - 20/8), theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cho biết, theo phân tích kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã hồi phục trở lại từ vùng hỗ trợ 1.352 - 1.340 điểm, cùng với đó là khối lượng giao dịch tăng lên cho thấy khả năng chỉ số này đã quay trở lại xu hướng tăng. Vì vậy, các nhịp điều chỉnh trong phiên sẽ tạo ra cơ hội để mua vào hoặc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, SSI khuyến nghị.
Công ty cổ phần Chứng khoán BOS (BOS) cho rằng, về kỹ thuật, VN-Index đã nhận được hỗ trợ mạnh ở vùng quanh mốc 1.340 điểm trong phiên cuối tuần 13/8. Các chỉ báo kỹ thuật vẫn duy trì tín hiệu thị trường sẽ hồi phục trở lại.
Dự báo chứng khoán tuần tới sẽ là những dao động nhẹ.
Dù vậy, thị trường có khả năng gặp khó ở ngưỡng 1.370 điểm trong ngắn hạn khi áp lực chốt lời dâng cao. Các nhịp rung lắc dự báo sẽ xuất hiện thường xuyên hơn khi chỉ số tiến vào vùng này. BOS khuyến nghị nhà đầu tư ưu tiên quan sát thị trường và duy trì danh mục hiện tại.
Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho biết, VN-Index có tuần hồi phục thứ ba liên tiếp với thanh khoản gia tăng so với tuần trước đó và cao hơn mức trung bình 20 tuần, kết hợp với diễn biến giao dịch có thể thấy đà tăng có dấu hiệu suy yếu và áp lực bán trong ba phiên cuối tuần khá mạnh.
Khối ngoại quay trở lại bán ròng trong tuần qua với hơn 2.200 tỷ đồng trên hai sàn cũng phần nào tạo ra áp lực lên thị trường.
Trên góc nhìn kỹ thuật, những rung lắc có thể tiếp tục diễn ra trong tuần tới. Trong kịch bản tiêu cực, nếu VN-Index xuyên thủng hỗ trợ quanh 1.325 điểm thì có thể coi là thị trường đã bước vào sóng điều chỉnh với mục tiêu quanh 1.175 điểm.
SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (từ 16 - 20/8), thị trường có khả năng sẽ tiếp tục rung lắc khi áp lực chốt lời gia tăng với vùng kháng cự trong khoảng 1.370 - 1.375 điểm và vùng hỗ trợ trong khoảng 1.325 - 1.350 điểm.
Với dự báo này, SHS khuyến nghị nhà đầu tư đã chốt lời dần danh mục trong tuần qua nên đứng ngoài và quan sát thị trường trong tuần tiếp theo, chưa nên mua thêm ở vùng giá hiện tại.
Về diễn biến thị trường, kết thúc tuần giao dịch từ 9 -13/8, VN-Index tăng 15,6 điểm lên 1.357,05 điểm; HNX-Index tăng 11,5 điểm lên 336,96 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn gia tăng so với tuần trước đó và cao hơn mức trung bình 20 tuần gần nhất với trung bình khoảng 27.600 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.
Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 16% lên 119.160 tỷ đồng, tương ứng khối lượng tăng 13,8% lên 3.696 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 14,3% lên 19.090 tỷ đồng, tương ứng khối lượng tăng 19,5% lên 798 triệu cổ phiếu.
Thị trường hồi phục giúp cho gần như toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu đều có sự tăng trưởng. Nhóm cổ phiếu công nghiệp tăng mạnh nhất với 6,3% giá trị vốn hóa, các cổ phiếu tiêu biểu như: VCG tăng 5,2%, GEX tăng 5,4%, PHP tăng 27,5%.
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu với mức tăng 1,9% giá trị vốn hóa. Các mã tiêu biểu trong ngành như HPG tăng 0,5%, NKG tăng 3,6%, DCM tăng 10,6%, DPM tăng 19,8%.
Nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng tăng 1,5% giá trị vốn hóa, với các mã trụ cột như: VNM tăng 3,1%, BHN tăng 5,9%.
Các nhóm còn lại đều có mức tăng nhẹ như: nhóm tài chính tăng 1,4% giá trị vốn hóa, tiện ích cộng đồng tăng 1,3%, dầu khí tăng 0,9%. Hai nhóm ngân hàng và dịch vụ tiêu dùng cùng có mức tăng 0,7%, dược phẩm và y tế tăng 0,4%.
Ở chiều ngược lại, duy chỉ có nhóm công nghệ thông tin giảm, với 1,4% giá trị vốn hóa. Các mã như: FPT giảm 1,7%, CMG giảm 2,9%.
Kết thúc tuần, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm mạnh vào những phiên đầu tuần và diễn biến giằng co vào những phiên cuối tuần. Trong khi đó, tuần qua, thị trường chứng khoán thế giới cũng có sự lệch pha.
Sự trái chiều của thị trường thế giới do biến thể Delta
Tuần qua, thị trường chứng khoán thế giới có sự lệnh pha khi thị trường chứng khoán Mỹ tăng tuần thứ 2 liên tiếp trong khi thị trường châu Á hầu như đi xuống.
Trong hai phiên giao dịch cuối cùng của tuần (12-13/8), chỉ số công nghiệp Dow Jones và chỉ số tổng hợp S&P 500 đều chạm các mức cao kỷ lục mới, khi giới đầu tư đón nhận số liệu tích cực về giá sản xuất của Mỹ.
Thị trường thế giới sẽ có những biến động trái chiều trước tình hình phức tạp của biến thể Delta.
Thêm vào đó, Bộ Lao động Mỹ cho biết số người lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm nhẹ trong tuần trước (kết thúc vào ngày 6/8), giữa bối cảnh thị trường lao động Mỹ tiếp tục phục hồi từ cuộc suy thoái năm ngoái, cũng tạo thêm "hưng phấn" cho thị trường.
Kết thúc phiên giao dịch 13/8, chỉ số Dow Jones tăng 15,53 điểm (0,04%), lên mức cao kỷ lục mới 35.515,38 điểm. Còn chỉ số S&P 500 cũng tiến 7,17 điểm (0,16%), xác lập mức “đỉnh” 4.468 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite ghi thêm 6,64 điểm (0,04%), đóng cửa ở mức 14.822,90 điểm.
Tính chung cả tuần qua, chỉ số Dow Jones tăng 0,87%, chỉ số S&P 500 tiến 0,71%, ghi dấu tuần tăng điểm thứ hai liên tiếp của hai chỉ số này. Tuy nhiên, chỉ số Nasdaq lại hạ nhẹ 0,09%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, các thị trường hầu hết đi xuống trong phiên cuối tuần qua (13/8). Cụ thể, tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm nhẹ 0,1% xuống 27.977,15 điểm.
Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,5% xuống 26.391,62 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải giảm 0,2% xuống 3.516,30 điểm.
Chứng khoán Singapore, Seoul, Taipei, Bangkok và Jakarta đều giảm. Chứng khoán Manila cũng mất hơn 3% do lo ngại về sự gia tăng số ca mắc COVID-19 mới ở thủ đô Philippines.
Trong khi đó, chứng khoán Sydney và Wellington tăng, còn chứng khoán Mumbai đạt mức kỷ lục mới, với chỉ số Sensex lần đầu tiên phá ngưỡng trên 55.000 điểm.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận