Hành lang pháp lý nào đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư condotel?
Loại hình đầu tư condotel thời gian qua đã là điểm nóng dư luận khi Cocobay Đà Nẵng đã chấm dứt chi trả lợi nhuận theo cam kết đặt ra vấn đề cần có một hành lang pháp lý đủ mạnh để đảm bảo việc thực thi cũng như bảo vệ quyền lợi người đầu tư trước những thoả thuận bất lợi.
- Chuyển đổi condotel thành căn hộ ở Cocobay Đà Nẵng - Những hệ luỵ khó lường
- Những rủi ro đầu tư condotel nhìn từ thông báo chấm dứt chi trả của Cocobay Đà Nẵng
- Ông Troy Griffiths: Mức cam kết lợi nhuận khó tin để cạnh tranh phát triển condotel
Cả nước hiện có khoảng 148 dự án condotel đến từ 52 chủ đầu tư tại nhiều tỉnh thành khác nhau. Giai đoạn năm 2017-2019 có khoảng 27.000- 29.000 căn hộ được tung ra thị trường, tập trung chủ yếu ở Đà Nẵng, Khánh Hòa, Khánh Hòa, Phú Quốc, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận.
Thời gian vừa qua, condotel (căn hộ khách sạn) đã trở thành điểm nóng thu hút sự chú ý của dư luận, nhất là những tranh cãi, phá vỡ thoả thuận giữa chủ đầu tư với khách hàng... khiến các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải cùng nhập cuộc với sự "hiến kế" của nhiều chuyên gia, tổ chức hiệp hội. Hầu hết các bất cập đều liên quan hành lang pháp lý cho condotel.
Theo ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI cho rằng, cần thay đổi tư duy từ kinh tế truyền thống sang kinh tế chia sẻ. Việt Nam có tiềm năng phát triển du lịch tốt, nhưng muốn khai thác thì phải giải quyết điểm nghẽn. Đó là đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, đặc biệt hạ tầng du lịch chất lượng cao.
Thị trường condotel mới nhen nhóm ở Việt Nam năm 2009, bắt đầu phát triển từ năm 2014 đến nay nhưng đã gặp phải thách thức lớn, con đường đi gập ghềnh, đối măt với nhiều áp lực. Điển hình là condotel của Cocobay Đà Nẵng đã "vỡ trận" cam kết lợi nhuận và thị trường này đang tiếp tục gặp khó khăn khi nhà đầu tư thứ cấp mất niềm tin.
Trong khi đó, lại chưa có quy định cụ thể về tên gọi tiếng Việt của condotel trong hệ thống pháp luật. Hiện chỉ có Luật Du lịch có quy định về căn hộ du lịch, các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau chưa có quy định về loại công trình này, chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn căn hộ. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng các công trình này gặp vướng mắc về thời hạn sở hữu, chế độ sử dụng đất, quản lý vận hành.
Cùng đó là thách thức từ phía thị trường là các cam kết lợi nhuận được nhà phát triển địa ốc đưa ra nhưng thực tế đi vào vận hành thì việc duy trì chi trả cam kết lợi nhuận rất khó khăn.
Giáo sư Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường khẳng định, khoảng trống pháp luật đang gây ra khó khăn cho thị trường condotel. Nếu condotel được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dài hạn thì ngay lập tức những khó khăn của thị trường này sẽ giải quyết.
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, bất động sản phát triển theo hướng kinh tế chia sẻ, nơi ở có thể tách ra một phần không dùng đến để cho khách du lịch thuê lưu trú. Một tòa condotel có thể có một phần để ở, một phần cho thuê du lịch, một phần cho thuê làm văn phòng và một phần làm cửa hàng bán lẻ. Từng căn hộ có chủ sở hữu riêng.
Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Đỗ Viết Chiến cho rằng, để loại hình condotel phát triển đúng hướng, các bộ ngành liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT, Bộ VHTT&DL cần ngồi lại với nhau để tìm ra giải pháp, theo nguyên tắc căn hộ condotel được xây dựng trên đất được quy hoạch là đất du lịch, dịch vụ, thương mại nghỉ dưỡng thì tuân theo Luật Du lịch để cho thuê có thời hạn. Trường hợp condotel xây dựng trên đất ở thì tuân theo luật nhà ở, tiêu chuẩn quy phạm về nhà ở để được cấp sổ đỏ vĩnh viễn.
Cùng đó, cần tháo gỡ nút thắt về thỏa thuận người mua bán với lãi suất cho phù hợp. Về nội dung này, các doanh nghiệp bất động sản phân tích, nhà đầu tư thứ cấp cần thay đổi tư duy, trở thành cổ đông chứ không phải chỉ đơn thuần là nhà đầu tư. Là cổ đông thì không thể đi giữa chừng; mà khi xác định đầu tư vào căn hộ du lịch phải đồng hành lâu dài, đảm bảo hiệu quả lâu dài.
Còn nếu vẫn giữ tư duy tham gia nửa chừng sau đó vào ở hoặc bán thì các cơ quan nhà nước cần quy định rõ. Căn hộ khách sạn cần xác định là phục vụ du lịch nên việc quản lý tuân theo theo mô hình khách sạn chứ không phải chung cư.
Bên cạnh đó, phía các nhà đầu tư cũng cần minh bạch hóa chia sẻ lợi nhuận cho khách hàng. Thị trường khách du lịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố, lợi nhuận căn hộ cho thuê phụ thuộc lượng khách du lịch, khách ít thì lợi nhuận có thể sụt giảm. Lợi nhuận 8-12% trên giá bán thì khó khăn. Các nhà đầu tư có thế tham khảo theo mô hình chia sẻ lợi nhuận nhiều nước trên thế giới là tỷ lệ phần trăm lợi nhuận như chia sẻ lợi nhuận 80-20% chẳng hạn.
Theo bà Trần Mỹ Lộc - Phó Tổng giám đốc phụ trách Kinh doanh Công ty CP Vinhomes, codotel là một hướng đi mới về bất động sản nghỉ dưỡng. Khi được quản lý chặt chẽ bằng khung pháp lý sẽ hạn chế được những hệ lụy xấu, huy động nguồn vốn lớn trong dân, giảm được nguồn tín dụng ngân hàng đổ vào bất động sản .
Việc cam kết lợi nhuận cũng không phải rủi ro; quan trọng khách hàng nên lựa chọn nhà đầu tư uy tín, có nguồn khách lớn, có đạo đức kinh doanh và uy tín.
Hầu hết các chuyên gia đồng quan điểm, thị trường này sẽ phát triển tốt nếu có pháp lý chặt chẽ; nhà đầu tư cam kết lợi nhuận phù hợp; chủ đầu tư thứ cấp cẩn thận trong tính toán lợi nhuận, tiền đầu tư…
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận