Mỹ đang tiến hành các bước đi cần thiết để quản lý thị trường tiền điện tử
Trước đà tăng trưởng "nóng" của thị trường tiền điện tử lên đến hơn 2 nghìn tỉ USD, giới chức Mỹ đã có những động thái cấp bách trước các đánh giá cho rằng nếu nền tảng tiền này tiếp tục được vận hành bởi các cá nhân hay doanh nghiệp sẽ khiến cho hệ thống tài chính tại nền kinh tế hàng đầu thế giới này gặp rủi ro rất lớn.
- "Bong bóng" thị trường tiền điện tử Thổ Nhĩ Kỳ đứng trước nguy cơ có thể vỡ bất kỳ lúc nào
- Bitso - Nền tảng giao dịch tiền điện tử ở Mỹ Latinh đầu tiên đạt giá trị tỉ USD
- CEO Facebook: Tiền điện tử Libra sẽ không bị kiểm soát bởi một công ty duy nhất
Mỹ cần thiết lập hành lanh pháp lý về stablecoin
Chính phủ Mỹ đã lập ra Nhóm Công tác của Tổng thống về Thị trường Tài chính, bao gồm các nhà quản lý tài chính hàng đầu. Nhóm này đang tập trung vào stablecoin, một loại tiền kỹ thuật số được “neo” theo giá trị của một đồng tiền truyền thống.
Nhóm bao gồm các thành viên từ một loạt cơ quan tài chính chủ chốt như Bộ Tài chính Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (Fed), Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC), Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC), Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) và Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ (OCC).
Thị trường tiền điện tử được đánh giá tiềm năng lớn nhưng đó cũng là "mầm mống" của tội phạm hay rủi ro tài chính mang tính hệ thống.
Trong một cuộc họp vào tháng Bảy, nhóm đã thảo luận về sự phát triển nhanh chóng của stablecoin, việc sử dụng tiềm năng của chúng như một phương tiện thanh toán và những rủi ro tiềm ẩn của chúng đối với người dùng, hệ thống tài chính và an ninh quốc gia. Sau cuộc họp đó, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết Chính phủ Mỹ phải nhanh chóng thiết lập một khuôn khổ pháp lý cho stablecoin.
Tại các cuộc họp với các giám đốc điều hành thuộc ngành tài chính vào tháng này, Bộ Tài chính Mỹ cũng đặt câu hỏi liệu một số stablecoin có xứng đáng với sự giám sát trực tiếp nếu chúng trở nên cực kỳ phổ biến hay không.
Nhóm dự kiến sẽ xuất bản một báo cáo chi tiết những rủi ro và cơ hội của stablecoin trong những tháng tới.
Trong phiên điều trần trước Thượng viện tuần này, Chủ tịch SEC Gary Gensler cho biết cơ quan này đang kiểm tra hoạt động của tiền điện tử trong một số khía cạnh như: cung cấp và bán mã thông báo (token) tiền điện tử; nền tảng cho vay và giao dịch tiền điện tử; các đồng stablecoin; các phương tiện đầu tư cung cấp khả năng tiếp xúc với tài sản điện tử hoặc các sản phẩm phái sinh của tiền điện tử và quyền lưu ký tài sản tiền điện tử.
SEC dường như cũng đang tìm kiếm, xây dựng một một định nghĩa pháp lý mạnh mẽ hơn về thời điểm tài sản tiền điện tử nằm trong phạm vi quản lý của cơ quan này so với thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Ví dụ, Chủ tịch Gensler đã cho hay cái gọi là "nền tảng De-Fi" - chỉ các nền tảng tiền điện tử ngang hàng (peer-to-peer), phi tập trung và bỏ qua những bên có chức năng kiểm soát hoạt động tài chính truyền thống như ngân hàng và các sàn giao dịch - nằm trong tầm quản lý của SEC.
Hồi đầu tháng trước, SEC đã kêu gọi các dự án hoạt động trên nền tảng De-Fi đăng ký với SEC. Ngoài ra, SEC đã ký một thỏa thuận với công ty phân tích blockchain AnChain.AI để nghiên cứu sâu hơn nhằm theo dõi và kiểm soát về thế giới tài chính De-Fi đang khá hỗn loạn này.
Hành động cụ thể đầu tiên của SEC đối với không gian De-Fi diễn ra vào năm 2018, khi họ đóng cửa EtherDelta - một sàn giao dịch ‘DeFi’ bị cho là đang hoạt động bất hợp pháp.
"Ấp ủ" về một đồng USD kỹ thuật số
Fed dự kiến sẽ sớm phát hành một báo cáo khám phá khả năng áp dụng đồng USD kỹ thuật số - điều được thị trường nóng lòng đón đợi từ lâu. Trong khi đó, chi nhánh Fed khu vực Boston cũng đang làm việc với Viện Công nghệ Massachusetts để khám phá các khía cạnh kỹ thuật của đồng USD kỹ thuật số.
Chủ tịch đương nhiệm Jerome Powell cho đến nay vẫn không đưa ra bất cứ cam kết cụ thể nào về việc phát triển một đồng tiền điện tử do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC). Ông ghi nhận sự tiến bộ của công nghệ thanh toán và cho biết Fed đang “theo dõi cẩn thận và thích ứng” với những đổi mới đó.
Hiện đang có hai dư luận chính về vấn đề này. Những người ủng hộ nói rằng một CBDC được thiết kế tốt có thể giảm chi phí giao dịch, tăng khả năng tiếp cận hệ thống ngân hàng cho các nhóm yếu thế. Những người lo lắng lại cho rằng các ngân hàng có thể bị bỏ qua nếu các hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ giao dịch thẳng qua Fed.
Giới chức tài chính Mỹ được cho là đang có những biện pháp mạnh tay với thị trường này.
Trung Quốc và các quốc gia khác đã phát hành các CBCD của riêng họ, cũng như các công ty tư nhân như Amazon.com Inc. Nếu được áp dụng rộng rãi, những đồng tiền như vậy có thể phân mảnh hệ thống thanh toán, đe dọa khả năng kiểm soát lãi suất của Fed và gây nguy hiểm cho sự thống trị toàn cầu của đồng USD.
Do đó, nhiều nhà hoạch định chính sách ở Washington coi đây là một bước quan trọng trong việc chống lại sự gia tăng của các đồng tiền điện tử do tư nhân phát hành, cũng như sự cạnh tranh của các đồng CBDC khác.
Song song với đó, một nhóm nhỏ gồm các nhân viên cấp cao tại Fed, OCC và FDIC đã hợp tác trong một “dự án nước rút " tập trung vào tiền điện tử liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.
Người tạm giữ quyền đứng đầu OCC, ông Michael Hsu, cho biết mục tiêu của nhóm là "thống nhất về định nghĩa, trường hợp sử dụng, rủi ro và thảo luận về các lựa chọn chính sách liên quan đến tài sản kỹ thuật số”.
Là một phần của nỗ lực đó, OCC cũng đang xem xét quyết định của người đứng đầu cơ quan dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump cho phép các ngân hàng quốc gia cung cấp quyền giám hộ các tài sản tiền điện tử.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận