Samsung tìm kiếm cơ hội đầu tư ưu đãi tại Mỹ giải quyết khủng hoảng chip bán dẫn toàn cầu
Trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng chip bán dẫn toàn cầu hiện nay đồng thời muốn tận dụng những lợi thế từ chính sách hỗ trợ của chính quyền Tổng thống Biden, Samsung muốn gia tăng đầu tư vào nhà máy sản xuất mặt hàng "nóng bỏng" này khi tăng cường đầu tư xây dựng nhà máy tại Mỹ.
- Huawei cáo buộc các lệnh trừng phạt của Mỹ "châm ngòi" cho khủng hoảng chip bán dẫn trên toàn cầu
- Chip bán dẫn "nhỏ bé" sẽ đẩy kinh tế thế giới về đâu?
- Samsung "bạo chi" cho sản xuất chip bán dẫn trong năm 2021
Theo các nhà phân tích, công ty điện tử Samsung Electronics Co., nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, có thể tăng cường đầu tư tại Mỹ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden hối thúc việc chi nhiều hơn cho sản xuất chip để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung và xây dựng một chuỗi cung ứng bền vững.
Samsung là một trong số 19 công ty toàn cầu và là công ty duy nhất của Hàn Quốc tham dự cuộc họp trực tuyến của Nhà Trắng vào ngày 12/4 (theo giờ địa phương), nơi mà ông Biden nhấn mạnh cần phải đầu tư vào ngành bán dẫn và đảm bảo chuỗi cung ứng của Mỹ. Phát biểu tại cuộc họp, ông Biden nói chip, đĩa bán dẫn, pin, băng thông rộng đều là cơ sở hạ tầng.
Một trong số các nhà máy của Samsung đang hoạt động tại Mỹ.
Truyền thông đưa tin Samsung, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn thứ hai thế giới, đang muốn xây dựng một nhà máy mới sản xuất chip với số vốn đầu tư 17 tỉ USD tại Mỹ, bên cạnh nhà máy ở Austin, Texas.
Samsung có động thái trên sau khi Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC), nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, năm ngoái thông báo sẽ đầu tư 12 tỉ USD để xây dựng nhà máy tại Arizona.
Mặc dù Texas được cho là địa điểm khả dĩ nhất để xây dựng nhà máy mới, Samsung cho biết công ty cũng đang xem xét các bang khác của Mỹ như Arizona và New York. Theo nhà phân tích Dong-won tại KB Securities, Mỹ có thể sẽ có những ưu đãi như khấu trừ thuế cho Samsung.
Ông Dong-won cho rằng nhà máy mới của Samsung sẽ tập trung sản xuất chip 5 nm hoặc quy trình thấp hơn, có nghĩa Mỹ sẽ có được các dây chuyền sản xuất của cả Samsung và TSMC, tập đoàn sẽ thống lĩnh công nghệ xử lý tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất chip từ năm 2023, và có thể tạo lập được một chuỗi cung ứng ổn định cho các công ty của Mỹ.
Ông Biden đang thúc đẩy kế hoạch đầu tư 2.000 tỉ USD cho cơ sở hạ tầng, trong đó có 50 tỉ USD cho nghiên cứu và sản xuất chip.
Trước đó, Intel Corp ngày 12/4 đã công bố kế hoạch sản xuất chip cho các nhà máy ô tô trong vòng sáu đến chín tháng tới, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp gỡ Giám đốc điều hành (CEO) của các công ty lớn vào cùng ngày để thảo luận về tình trạng thiếu chip toàn cầu đã gây tổn hại nghiêm trọng đến các nhà sản xuất ô tô của nước này.
CEO Intel, ông Pat Gelsinger, sau cuộc họp trên với Tổng thống Biden đã phát biểu với báo giới rằng, công ty này muốn bắt đầu sản xuất chip tại các nhà máy của mình trong vòng 6 - 9 tháng tới. Mục tiêu là để giải quyết tình trạng thiếu hụt chip, vốn đã khiến dây chuyền lắp ráp tại một số nhà máy ô tô của Mỹ ngừng hoạt động.
Ông Gelsinger nói rằng Intel sẽ không mất thời gian từ 3 - 4 năm để xây dựng nhà máy sản xuất chip mới. Thay vào đó, hãng có thể chỉ mất sáu tháng để xin chứng nhận để sản xuất các sản phẩm mới trên một số quy trình hiện có của mình. Intel cho biết đã bắt đầu bàn thảo việc này với một số nhà cung cấp linh kiện chính.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận