Dự báo thị trường chứng khoán tuần tới: Đi ngang cầm chừng trong biên độ thấp
Dự báo thị trường chứng khoán tuần tới (24-28/2) trong bối cảnh các thông tin bất lợi từ tình hình dịch COVID-19 vẫn đang bất định sẽ ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư dẫn đến thị trường đi ngang cầm chừng ở mức thấp.
- Dự báo thị trường chứng khoán tuần tới: Tiếp đà giảm sâu do tác động của xung lực đè nặng
- Dự báo thị trường chứng khoán tuần tới: Khó vượt qua mức kháng cự do nCoV
- Dự báo thị trường chứng khoán tuần tới: Giằng co và không có bứt phá đặc biệt
Dự báo thị trường chứng khoán tuần tới (24-28/2), hầu hết các công ty chứng khoán cho rằng thị trường sẽ tiếp tục gặp khó khăn nhưng cơ hội đầu tư vẫn đang hiện hữu.
Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt – VDSC cho rằng, các chỉ số tiếp tục gặp khó khăn trước các ngưỡng kháng cự quan trọng. Lực bán bất ngờ gia tăng khiến nhiều cổ phiếu chủ chốt giảm điểm. Tuy không dễ dàng nhưng cơ hội đầu tư vẫn đang hiện hữu trên thị trường và việc giải ngân có chọn lọc có thể tiến hành trong các nhịp điều chỉnh.
Có quan điểm tương đồng, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC nhận định, về tổng thể, VN - Index vẫn sẽ dao động trong kênh giá đi ngang được giới hạn bởi cận dưới 920 - 925 điểm và cận trên 940 - 943 điểm trong ngắn hạn.
Chỉ số có thể sẽ cần thêm thời gian tích lũy trước khi có thể kỳ vọng bứt phá thành công qua cận trên của kênh giá này và bước vào nhịp tăng điểm mới trong ngắn hạn.
BVSC cảnh báo, điểm tiêu cực hiện tại vẫn là áp lực bán ròng của khối ngoại chưa có dấu hiệu dừng lại. Thêm vào đó, trong tuần tới, thị trường chung và nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn có thể sẽ bị biến động mạnh về cuối tuần do hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư theo các bộ chỉ số của MSCI Frontier Market.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co và tích lũy với biên độ trong khoảng 920 - 940 điểm như diễn biến của hai tuần trước đó nhằm ổn định nền giá sau đợt sụt giảm mạnh.
Dự báo thị trường chứng khoán tuần tới (24-28/2).
Trong bối cảnh thị trường đang thiếu thông tin hỗ trợ thì tâm lý thận trọng của giới đầu tư vẫn còn. Các chỉ số tuần qua giằng co mạnh với các phiên tăng, giảm đan xen, trong khi khối ngoại cũng bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng.
Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch từ 17 - 21/2, VN-Index đứng ở mức 933,09 điểm, giảm 0,47% so với tuần trước đó, trong khi HNX-Index cũng giảm 1,5% xuống 108,09 điểm.
Thanh khoản tăng nhẹ so với tuần trước đó nhưng vẫn ở mức thấp, chỉ đạt khoảng hơn 3.800 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Khối ngoại tuần qua bán ròng tới 1.146,5 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Thực tế, hầu hết các nhóm cổ phiếu quan trọng đang diễn biến giằng co, phân hóa rõ nét. Tuần qua, nhóm cổ phiếu Vingroup diễn biến tiêu cực với sự giảm giá mạnh của VHM (1,7%), VRE giảm 3,1%, trong khi VIC chỉ tăng 0,4%.
Nhóm ngân hàng giao dịch tiêu cực với hầu hết các cổ phiếu trụ cột đều chìm trong sắc đỏ như CTG giảm 3,5%, BID giảm 0,8%, MBB giảm 2,6%, VCB giảm 0,4%, TCB giảm 0,5%...
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng đồng loạt giảm đã tạo sức ép lớn lên các chỉ số. Cụ thể, GAS giảm 3,6%, PVD giảm1,1%, PVB giảm 4,8%...
Ở chiều tích cực, các mã vốn hóa lớn nhóm thực phẩm – đồ uống tăng giá mạnh với MSN tăng 6,3%, VNM tăng 1,8%, SBT tăng 3,7%, KDC tăng 1,7… Dù vậy, một cổ phiếu lớn trong nhóm này là SAB lại có mức giảm tới 4,9%.
Nhóm cổ phiếu thép diễn biết tích cực trong tuần qua với HSG (1,4%), NKG (7,8%), HSG (0,6%)...
Diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam khá tương đồng với các thị trường chứng khoán trong khu vực. Thực tế, những lo ngại về dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang “đè nặng” lên tâm lý nhà đầu tư.
Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lan rộng ngoài biên giới Trung Quốc đã tác động lên các thị trường chứng khoán châu Á hôm 21/2 sau khi chứng khoán Phố Wall rời khỏi các mức cao kỷ lục do nhiều công ty cảnh báo lợi nhuận có thể bị sụt giảm bởi dịch bệnh này.
Tại thị trường Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 1,1% xuống 27.308,81 điểm do số người tử vong do COVID-19 ngoài Trung Quốc ngày càng tăng, qua đó làm dấy lên những lo ngại về tác động của dịch bệnh này tới tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận có thể tồi tệ hơn dự kiến. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải nhích nhẹ 0,3% lên 3.039,67 điểm.
Tại Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 hạ 0,4% xuống 23.386,74 điểm. Chỉ số Kosspi của Hàn Quốc giảm 1,5% sau khi nước này xác nhận có thêm 48 trường hợp nhiễm bệnh mới, nâng tổng số lên 204 trường hợp, đồng thời trở thành quốc gia có số ca tử vong do COVID-19 cao thứ hai ngoài Trung Quốc.
Chứng khoán Sydney và Đài Bắc đều giảm 0,3%, còn chứng khoán Singapore hạ 0,1%.
Đã có hơn 2.200 người thiệt mạng do COVID-19 trong số 75.000 trường hợp nhiễm bệnh phần lớn ở Trung Quốc và dịch bệnh này đã lan rộng trên khắp thế giới. Trong khi Bắc Kinh tuyên bố những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh này đang có hiệu quả, thì số người chết và nhiễm mới gia bên ngoài Trung Quốc làm các nhà đầu tư lo sợ.
Một loạt doanh nghiệp đã lên tiếng cảnh báo về tác động của dịch bệnh này đối với lợi nhuận kinh doanh; trong đó có nhà vận hành tàu biển Đan Mạch Maersk và hãng hàng không Air France-KLM và số liệu sản xuất yếu tại Nhật Bản cũng góp phần khiến nhà đầu tư chán nản.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận