Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản tăng nhiệt
Tháng 1/2020, các doanh nghiệp địa ốc đã phát hành 7.364 tỷ đồng trái phiếu, chiếm đến 55% tổng giá trị trái phiếu đưa ra thị trường.
- Cẩn trọng với trái phiếu An Phát Finance 1 đồng vốn gánh 20 đồng nợ vay
- Bộ Tài chính: Không nên đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi suất cao
- Rủi ro trái phiếu doanh nghiệp chỉ được hạn chế khi quy định của pháp luật được thực thi
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có báo cáo đánh giá mặt tích cực và hạn chế của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đồng thời lưu ý nhóm doanh nghiệp bất động sản đang đẩy mạnh hình thức huy động vốn này đầu năm 2020.
Chỉ trong tháng 1/2020, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 13.374 tỷ đồng nhưng 55% là của các doanh nghiệp bất động sản. Tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân đã tăng lên rõ rệt, chiếm 17,6%.
Trước đó, năm 2019, tỷ lệ phát hành trái phiếu thành công của doanh nghiệp bất động sản đạt 88,1%, thấp hơn tỷ lệ của nhóm ngân hàng (98,2%), phát triển hạ tầng (99,5%), năng lượng (99,2%). Tỷ lệ nhà đầu tư trái phiếu bất động sản là cá nhân thời điểm này chỉ chiếm 10,7%.
Năm ngoái, các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với kỳ hạn bình quân 3,7 năm, lãi suất bình quân 10,3% một năm, một số doanh nghiệp có lãi suất 12-14%/năm và cá biệt có một doanh nghiệp có lãi suất trái phiếu lên đến 20% một năm.
Thị trường bất động sản TP HCM dọc theo tuyến đường vành đai 2. Ảnh: Quỳnh Trần
HoREA nêu quan ngại hiện nay là thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung và ngành bất động sản nói riêng chưa thật đảm bảo tính minh bạch, chưa có đầy đủ cơ chế kiểm soát hiệu quả việc phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Trên thị trường bất động sản chưa có nhiều đơn vị tư vấn có năng lực để thực hiện đánh giá chỉ số tín nhiệm của doanh nghiệp phát hành, tính khả thi của phương án phát hành.
Một số doanh nghiệp chưa đảm bảo yếu tố minh bạch, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm cung cấp thông tin, không làm rõ mục đích sử dụng vốn trái phiếu và phương án trả nợ gốc, trả lãi, nên có tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư trái phiếu, nhất là nhà đầu tư cá nhân. Việc gia tăng tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân (trong đó có nhiều nhà đầu tư không chuyên nghiệp) cũng đặt ra yêu cầu nâng cao trình độ, kỹ năng đánh giá, lựa chọn doanh nghiệp phát hành trái phiếu và danh mục đầu tư để giảm thiểu rủi ro.
Bên cạnh những điểm còn bất cập, Hiệp hội cũng chỉ ra một số mặt tích cực của hình thức huy động vốn này. Việc doanh nghiệp bất động sản đua phát hành trái phiếu đã giúp thay thế một phần nguồn vốn tín dụng ngân hàng cho các dự án bất động sản. Có đến 84,2% số doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tổng giá trị trái phiếu dưới 3 lần vốn chủ sở hữu, đảm bảo được yếu tố an toàn và hợp lý.
Các doanh nghiệp bất động sản được bổ sung nguồn vốn đầu tư với cơ chế mềm hơn, so với việc phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để được vay tín dụng ngân hàng. Các ngân hàng thương mại cũng đỡ bị áp lực, gánh vác việc cung ứng tín dụng trung, dài hạn cho các doanh nghiệp bất động sản, giảm thiểu được rủi ro.
HoREA cho rằng xu thế gia tăng các nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (là cá nhân) là tín hiệu tích cực theo chủ trương xã hội hóa đầu tư, huy động thêm được nguồn vốn nhàn rỗi rất lớn trong xã hội tham gia đầu tư, thay vì chỉ gửi tiết kiệm.
Theo Báo Xây dựng
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận