Rủi ro trái phiếu doanh nghiệp chỉ được hạn chế khi quy định của pháp luật được thực thi
Giới chuyên gia nhận định đối với những giá trị lãi suất quá cao sẽ luôn mang theo đó là rủi ro lớn đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư, để tranh được những vấn đề này các nhà quản lý cần có những biện pháp đảm bảo các quy định của pháp luật được thực thi.
- Bộ Tài chính: Không nên đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi suất cao
- Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần hành lang pháp lý để hạn chế lừa đảo
- Doanh nghiệp chạy đua phát hành trái phiếu để huy động vốn cho kế hoạch 2020
Trái phiếu doanh nghiệp lãi quá cao chỉ là cá biệt
Theo số liệu thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong 10 tháng năm 2019, bình quân lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp là 9%/năm. Theo đó, bình quân lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp tương đương với mức lãi suất phổ biến cho vay trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước công bố (9 - 11%/năm); trong đó, 82% khối lượng trái phiếu có lãi suất dưới 11%/năm, 17% khối lượng có lãi suất từ 11% - 13%, 0,9% khối lượng trái phiếu có lãi suất trên 13%/năm.
Lãi suất quá cao của trái phiếu doanh nghiệp chỉ là những trường hợp cá biệt.
Hiện có một số doanh nghiệp bất động sản đang phát hành trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất cao. Đơn cử, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Hồng Hoàng (trụ sở ở phường 7, quận 3, TP HCM) phát hành thành công hơn 1.400 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm, với lãi suất lên tới 20%/năm.
Đây là mức lãi suất kỷ lục trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay. Với mức lãi suất trên, hàng năm Hồng Hoàng phải trả 280 tỷ đồng tiền lãi. Đáng chú ý, doanh nghiệp này mới được thành lập từ cuối năm 2016, với số vốn điều lệ chỉ 5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính cho biết, có 2 doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất cao mà báo chí có đề cập thời gian gần đây là các giao dịch riêng lẻ, cá biệt, không mang tính chất đại diện và không ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất huy động vốn từ phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt, độ tín nhiệm an toàn cao vẫn huy động với mức lãi suất phù hợp.
“Chúng tôi có đi kiểm tra trường hợp doanh nghiệp bất động sản phát hành lãi suất trên 14%/năm thì thấy rằng đây là doanh nghiệp đang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán, trái phiếu huy động cho các dự án được đánh giá là an toàn và có khả năng sinh lời. Nhà đầu tư bao gồm quỹ đầu tư chuyên nghiệp và một nhóm nhà đầu tư cá nhân có khả năng đánh giá được rủi ro đầu tư”, ông Dương nói.
Theo ông Dương, đến nay doanh nghiệp này thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của trái phiếu. Đối với doanh nghiệp báo chí phản ánh có phát hành trái phiếu lãi suất ở mức 20%/năm, cơ quan quản lý đã rà soát và đề nghị doanh nghiệp, tổ chức tư vấn phát hành báo cáo.
Theo báo cáo, lãi suất 20%/năm là mức lãi suất trần, lãi suất cụ thể được tính theo từng kỳ trả lãi (hàng tháng) và neo với lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm của 2 ngân hàng thương mại nhà nước cộng với độ lệch, theo tính toán thì lãi suất cho kỳ trả lãi đầu tiên khoảng trên 11%/năm.
Trong tháng 10, một trường hợp phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, đó là việc Công ty cổ phần Bất động sản Sài Gòn Vina (Land Saigon) phát hành 1.850 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 11%/năm. Điều đáng nói, doanh nghiệp này phát hành một lượng trái phiếu lớn trong khi dòng tiền hoạt động kinh doanh lại đang bị âm.
Cần có đơn vị xếp hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp
Nhìn nhận về những tồn tại, hạn chế của thị trường, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính, ông Nguyễn Hoàng Dương đánh giá, tính công khai, minh bạch của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần phải tiếp tục được củng cố trong thời gian tới.
Theo ông, một số doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư khi tham gia huy động vốn trên thị trường còn thiếu chuyên nghiệp, doanh nghiệp phát hành chưa hoàn toàn chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật về công bố thông tin và quy trình phát hành, nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm đầu tư và khả năng phân tích đánh giá rủi ro; đang có xu hướng tăng mua trái phiếu doanh nghiệp của nhà đầu tư cá nhân, nhất là nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ.
Trước thực trạng này, đặt ra các yêu cầu các chủ thể tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần chuyên nghiệp hơn, tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật, ông Dương cho biết.
Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Lê Đức Khánh - Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc chiến lược thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI) nhận định, việc đầu tư vào các chứng khoán như cổ phiếu hay trái phiếu đều không tránh khỏi những rủi ro, tổn thất, đặc biệt là khi đầu tư vào các trái phiếu doanh nghiệp kém chất lượng hoặc doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo hay không có sự hiện diện của tổ chức bảo lãnh phát hành.
Vị chuyên gia này cũng kiến nghị, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội có thể đứng ra làm đầu mối hoặc xây dựng 1 đơn vị trực thuộc để có chức năng xếp hạng tín nhiệm các trái phiếu; xây dựng hành lang pháp lý, tiêu chuẩn niêm yết chứng khoán cũng như khơi thông dòng vốn ngân hàng, tự do hóa thị trường ngoại hối, nới “room” cho khối ngoại. Đây là những biện pháp thúc đẩy phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như thị trường xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam.
Đánh giá về những thành quả đạt được, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính Nguyễn Hoàng Dương cho rằng, sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho thấy bước đầu có sự dịch chuyển vốn huy động từ kênh tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu, hướng tới việc phát triển cân bằng hơn giữa kênh thị trường vốn và kênh tín dụng ngân hàng, nhằm giảm áp lực huy động cho kênh tín dụng ngân hàng theo chủ trương của Chính phủ.
Từ năm 2017 trở lại đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự phát triển nhanh để đáp ứng yêu cầu huy động vốn của doanh nghiệp. Năm 2018, quy mô thị trường đạt 9,01%GDP, tăng 58% so với năm 2017 (6,29%GDP) và tăng gấp 3,5 lần so với năm 2015 (3,4% GDP). Trong 10 tháng năm 2019, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng, quy mô thị trường tăng 28% so với cuối năm 2018, đạt tương đương 10,47% GDP dự kiến năm 2019.
Trước sự tăng trưởng nhanh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong 10 tháng năm 2019, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước và yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tăng cường quản lý giám sát hoạt động phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đối với các đối tượng quản lý; tổ chức đoàn kiểm tra về việc triển khai quy định của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và có văn bản chấn chỉnh tới từng doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận