Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tầm nhìn xa về khoa học công nghệ
Ngày 25/8/2021, cả nước tổ chức kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Không chỉ là một vị tướng lừng danh với những chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Đại tướng còn từng giữ chức Phó Thủ tướng phụ trách khoa học kỹ thuật và có nhiều đóng góp cho lĩnh vực này.
- Những dấu ấn lịch sử trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- BB King là ai mà được Google kỷ niệm sinh nhật hôm nay
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Nữ hoàng Anh Elizabeth II huỷ lễ mừng sinh nhật lần thứ 94
Hình minh họa
Thành lập Vụ Khoa học – Kỹ thuật giúp việc cho Văn phòng Chính phủ
Từ năm 1980 đến 1986, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được bầu làm Phó thủ tướng, sau đó gọi là Phó Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng và phụ trách công tác Khoa học, kỹ thuật.
Đây cũng là thời kỳ khó khăn của đất nước, khi chúng ta vừa bước ra khỏi chiến tranh, chưa bắt đầu quá trình đổi mới. Tuy nhiên, với tầm nhìn xa, Đại tướng cũng như các lãnh đạo cao cấp đã tính đến vấn đề phát triển khoa học kỹ thuật làm nền tảng để phát triển kinh tế đất nước sau này.
Các cán bộ Văn phòng chính phủ và Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật kể lại, khi nhận giữ chức vụ Phó Thủ tướng phụ trách khoa học - kỹ thuật, Đại tướng nhận thấy rằng, Văn phòng Chính phủ chưa có cơ quan nào phụ trách và nghiên cứu về khoa học kỹ thuật nên đã chủ trương thành lập Vụ Khoa học - Kỹ thuật, Vụ 10 (gọi tắt là “V10”).
Nhiều cán bộ khoa học, giảng viên cán bộ cốt cán từ các trường đại học lớn đã được điều về công tác tại Vụ 10 để tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo chính phủ về các vấn đề liên quan đến công tác khoa học, kỹ thuật.
Do đã có mối quan hệ với đội ngũ trí thức, khoa học - kỹ thuật từ rất sớm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hình thành nên các chủ trương chiến lược phát triển khoa học - kỹ thuật. Đại tướng rất quan tâm đến lực lượng cán bộ khoa học - kỹ thuật và đề nghị phải có những cuộc giao ban, hội ý giữa các trường đại học.
Lúc bấy giờ rất nhiều cuộc hội thảo, bàn luận, báo cáo khoa học - kỹ thuật quan trọng đều diễn ra ở Hội trường lớn Bách Khoa (Hội trường C2 hiện nay) và hầu như Đại tướng đều có mặt, đến dự trong không khí dân chủ, bình dị, gần gũi và thân thiết. Khi cán bộ khoa học phát biểu, Đại tướng chăm chú lắng nghe.
Nhiều người nhận xét rằng: Đại tướng không những có tài thuyết phục, động viên trí thức nói lên suy nghĩ quan điểm của mình để đóng góp cho sự phát triển đất nước mà còn là người rất khiêm tốn, biết lắng nghe, gợi mở - “biết nói để người khác nghe và biết nghe người khác nói”. Đại tướng yêu cầu các nhà khoa học nên có ý kiến đóng góp xây dựng trong cuộc họp, không nên ngồi im, thờ ơ hoặc vô trách nhiệm đối với công việc.
Đại tướng giải thích về thuật ngữ công nghệ
Theo lời kể PGS. Trần Tuấn Thanh, chuyên gia cơ khí chính xác của Đại học Bách khoa Hà Nội, có lần được Bộ Đại học và THCN và nhà trường cử đến nhà riêng của Đại tướng, số 30 Hoàng Diệu để bàn về phát triển khoa học công nghệ.
PGS. Trần Tuấn Thanh và Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ thuộc Uỷ ban Khoa học kỹ thuật nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) trao đổi trực tiếp với Đại tướng. Hai người nói gì Đại tướng đều ghi chép hết sức cẩn thận, chi tiết, bởi vì Đại tướng muốn tìm hiểu sâu hơn về khoa học kỹ thuật.
Đang ghi chép, Đại tướng bỗng đặt bút xuống bàn và nói: “Theo Bách khoa toàn thư, từ điển Larousse thì công nghệ là Technologie gồm hai phần: Techné và Logos, theo chữ Hy Lạp có nghĩa là: kỹ thuật liên quan đến nghề nghiệp và lý thuyết (tức là lý luận về các kỹ thuật nghề nghiệp)”, rồi quay sang hỏi PGS. Thanh: “Anh có đồng ý không?”.
Đại tướng lại nói tiếp: “Như hiện nay, công nghệ phải hiểu là gì? Nước ta đang ở trình độ nào? Chúng ta phải hiểu đúng khái niệm khoa học - kỹ thuật chứ không nên dùng tràn lan” và Đại tướng liên hệ với thực tiễn của ĐHBKHN.
Đại tướng luôn khuyến khích, nhắc nhở các cán bộ giảng dạy đại học phải vừa tư duy lý luận vừa vận dụng thực tiễn, vừa dạy tốt, vừa học tốt. Hơn nữa, Đại tướng còn quan tâm đến việc đề nghị Uỷ ban Khoa học - Kỹ thuật cung cấp kinh phí cho các trường đại học. Nhờ vậy, việc nghiên cứu khoa học đã bắt đầu được triển khai trong các nhà trường.
Tầm nhìn xa của Đại tướng về Khoa học – Công nghệ
Là một nhà lãnh đạo chính phủ, Đại tướng luôn đưa ra những vấn đề mang tính chiến lược, có tầm nhìn xa. Điển hình như về hướng khai thác kinh tế biển, ngay từ cuối những năm 1970, Đại tướng đã chỉ ra những vấn đề vượt thời gian.
“Việc khai thác dầu khí ngoài biển Việt Nam đã là chuyện trước mắt. Việc sử dụng năng lượng thủy triều ở bờ biển nước ta cũng phải đặt ra rồi. Độ chênh lệch của thủy triều nước ta chứa đựng một tiềm năng quan trọng về năng lượng là rất quý. Có thể có những kiểu máy điện thủy triều được không? Các đồng chí vật lý biển phải trả lời vấn đề này, ngành cơ khí phải đi trước một bước…”, Đại tướng nói.
GS. Đặng Hữu, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ, nguyên Trưởng ban Khoa giáo trung ương, cũng kể rằng, khi nói chuyện với anh em làm khoa học, Đại tướng thường căn dặn: “Trong quân sự đã đánh phải thắng. Muốn thắng địch, phải hiểu kỹ đối phương. Trong khoa học cũng vậy, làm việc gì cũng phải nghiên cứu chín chắn. Sở dĩ ta chưa làm tốt vì chưa phát huy hết khả năng. Phải xem Khoa học – Công nghệ là một trận chiến, chúng ta mới đuổi kịp được các nước. Cái gì người nước ngoài làm được, ta cũng làm được”.
GS. Đặng Hữu cho biết, ông đã đi cùng Đại tướng nhiều chuyến ra nước ngoài. Khi tới Ấn Độ, Đại tướng tỏ ra rất ấn tượng và muốn đưa mô hình khu phát triển công nghệ cao của thành phố Bangalore về áp dụng tại Việt Nam. “Đại tướng bảo tôi, phải chủ động, hỏi cặn kẽ”, GS. Đặng Hữu chia sẻ.
Đặc biệt, trong thời gian giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19 hiện nay, đọc lại bài viết của Đại tướng về vấn đề đổi mới nền giáo dục Việt Nam của Đại tướng đăng tải trên báo chí từ năm 2007, chúng ta cảm thấy kinh ngạc về tầm nhìn xa của Đại tướng, khi ông mô tả chính xác những gì đang diễn ra quanh chúng ta hôm nay:
“Nền giáo dục mới là một nền giáo dục hiện đại, sử dụng rộng rãi công nghệ thông tin và truyền thông, mạng máy tính và internet để tổ chức và triển khai quá trình dạy và học với những phương pháp và hình thức linh hoạt nhằm nâng cao nền tảng văn hóa và tinh thần chung của xã hội, mở ra những khả năng mới hỗ trợ cho quá trình học tập liên tục, học tập suốt đời, học ở mọi nơi, mọi lúc, học từ xa và đặc biệt là tự học của mọi người. Học trực tuyến và tương tác qua mạng internet sẽ trở thành một hiện tượng toàn cầu…”.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận