Hà Nội: Nét văn hóa độc đáo ở ngôi làng có tục thờ chó đá 400 năm
Đó là tục lệ đã được gìn giữ, duy trì tại làng Địch Vĩ (Đan Phượng, Hà Nội) trải qua hơn 400 năm, người dân trong ngôi làng cổ kính xem chó là thần may mắn, được tôn sùng bằng các tên gọi thể hiện sự kính cẩn như "ông chó", "thần Chó", "ông Quan lớn Hoàng Thạch" và nghiễm nhiên không một ai dám mạo phạm.
- Trâu - linh vật biểu tượng cho văn hóa Việt Nam
- Ca Trù Việt Nam - Tinh hoa văn hoá Việt mang tầm nhân loại
- Chùa Som Rong (Sóc Trăng) mang đậm văn hóa của người Khmer
Miếu thờ thần chó đá tại làng Địch Vĩ, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội. Ảnh: Lan Nhi.
Cả làng tôn sùng “thần cẩu”
Về làng Địch Vĩ, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, tìm đến miếu thờ chó đá Hoàng Thạch, bất cứ ai khi được hỏi cũng tỏ vẻ kiêng dè, cung kính và không quên nhắc nhở tôi phải giữ gìn lễ nghĩa với “ông Quan lớn” kẻo... phải vạ.
Bởi hơn 400 năm nay, tượng thờ chó đá đã trở thành “linh vật” may mắn của người làng Địch Vĩ, là chốn linh thiêng để bảo vệ sự bình an cho dân làng mà không một ai dám xâm phạm.
Miếu thờ thần chó đá Hoàng Thạch được xây cất trang nghiêm nằm ở trung tâm của làng. Ở giữa có đặt một tượng chó làm bằng đá xanh, cao chừng 1m, nằm mai phục xung quanh là 16 tượng chó với nhiều kích cỡ khác nhau.
Tuy bức tượng được đục đẽo khá thô sơ thế nhưng luôn toát ra một sức mạnh “vô hình” khiến cả người đầu bạc lẫn tuổi đầu xanh ở đây mỗi lần đi ngang qua đều phải khom mình tỏ lòng kính cẩn. Dân làng Địch Vĩ ai cũng nằm lòng “bộ quy tắc” lễ nghĩa đó và không quên dặn dò con cháu mình phải tuân theo cho phải đạo.
Cụ Phạm Văn Toàn (sinh năm 1931, làng Địch Vĩ) tâm sự: “Tục thờ chó đá ở đây có khá nhiều dị bản, thế nhưng đều bắt nguồn từ một câu chuyện truyền thuyết dân gian ở làng. Xưa kia, ở vùng cửa sông Hát Môn có hai anh em là Ngọc Trì và Hoàng Thạch. Vì nảy sinh mâu thuẫn trong gia đình nên người em là Hoàng Thạch đã tự trẫm mình xuống dòng sông Hát và hóa đá trôi dạt về làng Địch Vĩ từ đó đến nay.
“Ngài chó đá” không chỉ phù trợ cho dân làng Địch Vĩ mưa nắng thuận hòa mà còn giúp đỡ người dân có mùa màng bội thu, ấm no và thịnh vượng. Hàng năm, vào dịp tết Nguyên Đán (tức mồng bảy tháng Giêng), dân làng Địch Vĩ lại nô nức mang lễ vật ra sân đình để dâng lễ và mở hội tưởng nhớ đến ông Hoàng Thạch.
Theo ghi chép, các cụ cao niên tại hai làng Địch Vĩ (huyện Đan Phượng) và Hát Môn (huyện Phúc Thọ) đều cho rằng, nguyên cớ của việc hơn 400 năm qua trai gái hai làng không được kết hôn với nhau không phải do thù oán gì sâu nặng, hay chịu đựng sự ràng buộc về tôn giáo, luật lệ hà khắc nào cả, cũng không phải trai gái hai làng này không xinh đẹp, không dịu dàng, siêng năng... mà để tưởng nhớ đến nỗi oan khuất và tình cảm kết nghĩa của vị Thành hoàng làng Hoàng Thạch.
Hai làng tuy chỉ cách nhau một chuyến đò sang qua sông Hát Môn thế nhưng người dân ở đây đều coi như anh em ruột thịt trong nhà. Trải qua nhiều thế hệ, dân làng Địch Vĩ nhận là đằng em còn dân làng Hát Môn xưng là người anh cả.
Tuy mối thân tình kết nghĩa đã diễn ra cách đây hàng trăm năm, thế nhưng điều đặc biệt là tình cảm của hai làng ngày càng gắn bó sâu sắc, trai gái đều tịnh duyên không kết hôn cũng vì lẽ đó. Hàng năm, cứ vào ngày lễ Khai hạ là dân làng Địch Vĩ đều phải lên đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ) rước nước về làng rồi mới được tiến hành làm lễ.
Nói về lời nguyền đã có cách đây hàng trăm năm giữa hai làng Địch Vĩ và Hát Môn, ông Phạm Văn Hùng (thôn Địch Vĩ) cho rằng: “Tục lệ thờ thần chó đá ở quê tôi đã có cách đây hằng trăm năm qua. Người dân ở đây luôn tâm niệm, việc thờ tự này sẽ đem lại may mắn cho gia đình, xóm làng.
Câu chuyện trai gái hai làng không kết hôn xuất phát từ chốn thân tình bao đời nay chuyện có thật. Tuy nhiên, đời sống ngày càng phát triển, trình độ dân trí ngày càng được nâng cao nên mấy năm gần đây, trai gái hai làng Địch Vĩ và Hát Môn đã vượt qua tục lệ xưa cũ, kết hôn bình thường và đến nay vẫn chưa hề gặp bất cứ sự việc lạ lùng nào”.
Nét văn hóa tâm linh độc đáo
Dân làng Địch Vĩ từ lâu đã coi tượng thờ thần chó đá trở thành “bến đỗ” tâm linh không thể thiếu trong đời sống tinh thần. Trước đây, họ thờ chó đá ở mô đất thấp, cách đây vài năm người dân trong làng đã cùng nhau góp gạch, bao cát, xi măng tiến hành xây bệ thờ và tôn kính rước ngài lên.
Khi gặp những bất trắc, khó khăn trong cuộc sống, gia đình nào mất của cải, hay việc vợ chồng cãi cọ xích mích, họ đều đến đây kêu cầu và mong muốn sớm được hòa giải.
Cuộc sống ở làng Địch Vĩ thường ngày vẫn diễn ra những câu chuyện mang đậm màu huyền tích như thế. Tuy tất cả chỉ bắt đầu bằng những câu chuyện dân gian xưa cũ, thế nhưng điều đáng quý mà bao đời qua hai làng Địch Vĩ và Hát Môn vẫn còn gìn giữ được đó là lối sống hòa thuận, trọng tình cảm, nghĩa tình và sự kính trọng dành cho thế hệ đi trước đã có công khai hương lập ấp. Đó cũng là nét đẹp, truyền thống văn hóa “uống nước nhớ nguồn” mà ở Địch Vĩ và Hát Môn còn lưu giữ đến tận ngày nay.
Miếu thờ thần chó đá Hoàng Thạch ở giữa có đặt một tượng chó làm bằng đá xanh, nằm mai phục xung quanh là 16 tượng chó với nhiều kích cỡ khác nhau.
Nhà nghiên cứu văn hóa - TS. Nguyễn Ánh Hồng cho biết, trong quan niệm dân gian của người Việt xưa thì chó đá, nghê đá là loài vật gần gũi, trung thành và mang lại nhiều may mắn trong cuộc sống. Bởi người xưa thường quan niệm, chó đến nhà là điềm lành, điềm tốt. Họ tin tưởng rằng, nghe tiếng sủa của loài chó thì ma quỷ không dám đến gần. Vậy nên ở nhiều địa phương hiện nay trên cả nước vẫn còn lưu giữ tục thờ “thần cẩu” hoặc đặt tượng chó đá trước cổng như một linh vật để cầu phúc, trừ tà.
Theo TS. Nguyễn Ánh Hồng, ở mỗi vùng, hình thức thờ chó đá sẽ cải biên để phù hợp với nét tập tục của vùng miền đó. Ví như ở Lạng Sơn, các đồng bào dân tộc Tày, Nùng cũng có tục chọn ngày tốt để thực hiện nghi thức “tẩy trần” cho chó đá canh cửa bằng việc tắm nước thảo mộc rừng để cầu may.
Thời Lạc Long Quân và Âu Cơ cũng đã xuất hiện tục lệ này, dấu vết hiện nay chính là đền thờ Cẩu Nhi ở hồ Trúc Bạch ( Hà Nội). Người Việt trong đời sống hiện đại, một số nơi đã còn tục không chôn chó đá ở trước cửa nhưng họ vẫn thường mua chó làm bằng gốm đất nung về bày biện trong nhà, vừa làm vật trang trí, vừa có ý nghĩa xua đuổi tà ma, rước may mắn về cho gia chủ.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận