Người dân Hà Nội bắt đầu được sử dụng mạng di động 5G
100 trạm thu phát sóng 5G vừa được đưa vào vận hành thử nghiệm thương mại tại Hà Nội. Người dân 3 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng đã bắt đầu được sử dụng mạng di dộng 5G.
- 3GPP 5G - Chuẩn mới dẫn dắt đại cuộc phát triển mạng 5G
- Cả 3 ông lớn viễn thông Việt Nam tiếp tục được gia hạn giấy phép thử nghiệm mạng 5G
- Cần áp dụng giải pháp thông minh để quản trị hiệu quả mạng 5G
Bắt đầu thử nghiệm thương mại dịch vụ 5G
Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa công bố khai trương việc kinh doanh thử nghiệm 5G tại Hà Nội. Theo đó, người dùng thiết bị di động có hỗ trợ 5G ở 3 quận trung tâm gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng đã có thể trải nghiệm dịch vụ 5G.
Tổng cộng sẽ có 100 trạm thu phát sóng 5G được Viettel triển khai tại khu vực thử nghiệm. Trong đó, có 15 trạm 5G là sản phẩm Make inVietnam và 85 trạm của Ericsson (Thụy Điển).
Các trạm 5G được thử nghiệm tại Hà Nội sử dụng công nghệ NSA (Non-Standalone Access). Đây là công nghệ đang được nhiều nhà mạng trên thế giới áp dụng như SK Telecom, KT (Hàn Quốc), Verizon (Mỹ), Vodafone (Anh).
Khai trương việc kinh doanh thử nghiệm 5G tại Hà Nội.
Để sử dụng 5G thử nghiệm, người dùng sẽ không cần phải đổi SIM. Thay vào đó, hệ thống của nhà mạng sẽ tự động dò quét, cấu hình, chỉ cần người dùng có điện thoại 5G, dùng SIM 4G trong khu vực thử nghiệm là đã có thể sử dụng.
Hiện điện thoại 5G của các nhà sản xuất như Huawei, Oppo, Xiaomi,... đã có thể kết nối với mạng 5G thử nghiệm. Vào tháng 12 tới đây, sẽ tới lượt những chiếc smartphone 5G của Samsung được kết nối 5G.
Theo ông Đào Xuân Vũ - Tổng giám đốc Tổng công ty mạng lưới Viettel, nhà mạng này dự kiến cung cấp một số dịch vụ trên nền tảng 5G như truyền hình video 4K/8K, dịch vụ vô tuyến cố định (Fixed Wireless Access), dịch vụ thực tế ảo, telehealth 5G và ứng dụng vào việc tự động hóa tại các khu công nghiệp.
Tốc độ 5G thử nghiệm thương mại tại Việt Nam hiện đã lên tới 1Gbps.
Thực tế cho thấy, mạng 5G thử nghiệm tại Việt Nam đã đạt tới tốc độ tải về đường xuống (download) tối đa ở mức 1Gbps, gấp khoảng 30 lần so với tốc độ 4G phổ biến hiện nay. Với tốc độ này, người dùng di động có thể tải về một bộ phim HD 90 phút chỉ trong vòng 30 giây.
Bên cạnh Viettel, tập đoàn VNPT cũng đã phát sóng thử nghiệm thương mại 5G tại Hà nội và TP.HCM. Các showroom trải nghiệm, trình diễn về công nghệ 5G của VinaPhone cũng sẽ mở cửa đón khách tại TP.HCM và Hà Nội.
Với một đơn vị khác là MobiFone, từ ngày 27-30/11/2020, nhà mạng này đã bắt đầu thử nghiệm tốc độ dịch vụ 5G tại địa bàn TP.HCM. Trong tháng 12, MobiFone sẽ phủ sóng 5G tại khu vực Quận 1 để tiến tới việc kinh doanh thử nghiệm mạng 5G.
Các nhà mạng đang tích cực triển khai các trạm thu phát sóng 5G để tiến tới việc thử nghiệm thương mại hóa 5G tại TP.HCM trong tháng 12/2020.
Việt Nam hướng tới việc xuất khẩu thiết bị 5G
Chia sẻ tại lễ khai trương thử nghiệm thương mại 5G tại Hà Nội, ông Phan Tâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) gửi lời khen ngợi tới Viettel về tinh thần làm việc quên mình trong nghiên cứu, phát triển và triển khai mạng 5G.
Với chủ trương hạ tầng viễn thông đi trước một bước, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của nền kinh tế số, Bộ TT&TT đã cấp phép triển khai thử nghiệm mạng và dịch vụ 5G. Đây là cơ hội để thay đổi thứ hạng viễn thông, phát triển ngành công nghiệp CNTT Việt Nam và khẳng định vị thế của ngành TT&TT trong nền kinh tế số.
Thứ trưởng Phan Tâm ấn tượng và biểu dương nỗ lực nghiên cứu, phát triển và triển khai mạng 5G.
Theo Thứ trưởng Phan Tâm, Việt Nam nếu muốn tích cực và chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, muốn nắm bắt các cơ hội của cuộc cách mạng này thì mạng 5G phải sẵn sàng đi trước và đi đầu.
“Mạng lưới phải có trước, hạ tầng kết nối phải có trước, đầu tư trước kinh doanh sau. Đây phải là triết lý kinh doanh của tất cả nhà mạng Việt Nam.”, Thứ trưởng Phan Tâm nói.
Việt Nam phải làm chủ thiết bị 5G. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ TT&TT đã khuyến khích và đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất thiết bị truyền dẫn, thiết bị đầu cuối và đặc biệt là các thiết bị mạng lưới. Tới đây, mạng viễn thông Việt Nam sẽ được thiết lập bằng thiết bị do người Việt Nam sản xuất, thiết kế, chế tạo.
Thử nghiệm dịch vụ mạng 5G chính là cơ hội để các sản phẩm Make in Vietnam được lắp đặt và trải nghiệm trên mạng lưới. Đây là minh chứng cho sự chủ động cũng như năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam.
Tốc độ thực tế mạng 5G thử nghiệm thương mại hóa tại Hà Nội.
Do các thiết bị 5G sử dụng tần số cao, có vùng phủ hẹp, số lượng trạm thu phát sóng 5G sẽ lớn hơn nhiều so với các công nghệ trước đây. Do vậy, Bộ TT&TT đề nghị các doanh nghiệp viễn thông sớm nghiên cứu tìm giải pháp sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng được yêu cầu triển khai của mạng 5G.
Bộ TT&TT đề nghị các nhà mạng nghiên cứu triển khai sớm 5G ở những khu vực có nhu cầu cao như các khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT mong muốn Viettel sớm đánh giá, hoàn thiện để làm chủ hoàn toàn công nghệ 5G, sẵn sàng sản xuất phục vụ trong nước và xa hơn là xuất khẩu thiết bị 5G.
Theo Vietnamnet
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận