Phí SMS banking theo gói chỉ như mức các ngân hàng đã từng áp dụng mà vẫn bị lỗ
Sau thời gian dài "kêu cứu" của các ngân hàng cũng như bức xúc của người dùng dịch vụ, các nhà mạng viễn thông dưới sự chỉ đạo của Bộ TT&TT đã thống nhất mức phí thu dịch vụ SMS Banking trọn gói là 11.000 đồng/tháng mà không giới hạn số lượng tin nhắn tương đương với mức thu của các ngân hàng đã áp dụng trước đây.
- Nhà băng "dài cổ" chờ giảm cước tin nhắn SMS dù dịch COVID-19 sắp qua
- Người dùng 'té ngửa' với mức phí SMS 'trên giời' của các ngân hàng
- Các ngân hàng vẫn đang 'còng lưng' trả hàng trăm tỉ đồng tiền cước tin nhắn SMS
Trước những bức xúc của người dân, Bộ TT&TT đã rất quyết liệt để chỉ đạo các nhà mạng tháo gỡ khó khăn. Đây là động thái rất tốt của các nhà mạng và ngân hàng đã phối hợp để chia sẻ với nhau để cùng hỗ trợ khách hàng và khách hàng sẽ được hưởng lợi với giá hợp lý.
Ông Trần Duy Hải, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết, các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp viễn thông đã thống nhất phương án thu trọn gói một mức thu cố định 11.000 đồng/tháng (đã bao gồm VAT) và không giới hạn số lượng tin nhắn khi sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Với mức phí SMS Banking mới sẽ khiến các nhà mạng giảm tới 30% doanh thu .
Mức giá cước trọn gói không giới hạn lưu lượng đã nhận được sự chào đón và nhất trí cao của các ngân hàng thương mại tham dự cuộc họp do đáp ứng được xu hướng người dân, khách hàng ngày càng ưu thích sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt nhưng không tăng cước thu của khách hàng.
Ông Trần Duy Hải nhấn mạnh, về cơ bản, mức giá này dựa trên mức thu khách hàng của đa số các ngân hàng thương mại trước đây, nhưng với việc áp dụng phương pháp tính cước mới, cũng cùng số tiền này, khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt sẽ không phải trả thêm chi phí tin nhắn do không giới hạn về lưu lượng.
Về việc số lượng tin nhắn trong các giao dịch có thể sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khi áp dụng mức cước trọn gói thì có ảnh hưởng gì đến doanh thu của các nhà mạng cũng như ngân hàng hay không, ông Trần Duy Hải cho rằng, việc áp dụng mức cước trọn gói này, trước mắt có ảnh hưởng đến doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông.
Theo tính toán sơ bộ, mỗi doanh nghiệp viễn thông sẽ giảm doanh thu của chính dịch vụ này khoảng 20% - 30%, tuỳ theo từng nhà mạng. Đối với các ngân hàng thương mại, thực hiện chỉ đạo của NHNN, hiện cũng đã giảm giá các dịch vụ liên quan đến hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt… nên cũng sẽ có ảnh hưởng nhất định.
Tuy nhiên, theo ông Trần Duy Hải, việc tính cước trọn gói như vậy thì dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử sẽ tiếp tục có những bước phát triển bùng nổ hơn trong thời gian tới. Việc tính cước theo gói, không giới hạn lưu lượng đã được các doanh nghiệp viễn thông áp dụng đối với 1 số dịch vụ trong lĩnh vực viễn thông trong những năm qua, đều đã phát huy tác dụng tốt, với phương thức tính cước này, dịch vụ được kích cầu và phát triển mạnh mẽ, lưu lượng tăng cao nên nếu tính theo lưu lượng bình quân thì giá bán rất rẻ, khách hàng và người dân được thụ hưởng và từ đó lại có tác động kích cầu, khuyến khích người sử dụng dịch vụ.
Nhưng với các ngân hàng thì đây chưa phải là mức phí mà họ đề xuất nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động thanh toán không tiền mặt.
Đánh giá về mức phí mới này của các nhà mạng viễn thông, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho biết, mức giá cước trọn gói của nhà mạng đưa ra cho các ngân hàng là 11.000 đồng/tháng cũng là giá cước trung bình mà các ngân hàng đang thu của khách hàng.
Và với cách tính cước này thì khách hàng sử dụng ít hay nhiều tin nhắn thì vẫn trả 11.000 đồng vì đã tính trọn gói. Ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, đây là mức phí phù hợp cho khách hàng.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng khuyến cáo khách hàng chuyển sang sử dụng dịch vụ OTT để không phải mất phí. Nếu khách hàng sử dụng SMS Banking thì cũng chỉ trả cước trọn gói như vậy chứ không phát sinh thêm cước nữa. Vấn đề là khách hàng lựa chọn sử dụng dịch vụ nào thuận tiện cho mình.
Ông Hùng cũng nhấn mạnh, việc đưa ra mức phí hợp lý như vậy sẽ thúc đẩy người dân thanh toán không dùng tiền mặt và thúc đẩy thương mại điện tử phát triển.
Trong suốt thời gian xảy ra đại dịch COVID-19; thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, ngành Viễn thông cũng như ngành ngân hàng đã có những đóng góp hết sức thiết thực để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, các tuyến đầu chống dịch...
Đại dịch COVID-19 xảy ra cũng đã tác động làm thay đổi nhiều thói quen của người dân, khách hàng như: đặt hàng trên mạng, thanh toán trực tuyến, làm việc, học tập, khám chữa bệnh từ xa nhiều hơn… lưu lượng các dịch vụ trực tuyến; trong đó, có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt có xu hướng tăng cao. Khi sản lượng tăng lên thì giá dịch vụ sẽ giảm, do đó, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TT&TT, với tinh thần đồng hành cùng với khách hàng.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận