Thuê bao Gmobile 'kêu trời' vì đột nhiên không còn sóng
Một số thuê bao của nhà mạng Gmobile phản ánh khoảng 3 tháng nay thuê bao của họ đột nhiên bị mất sóng, dù cố gắng liên hệ với tổng đài chăm sóc khách hàng của nhà mạng này nhưng không có ai nhấc máy.
- Mạng di động Reddi chính thức gia nhập thị trường với đầu số 055
- Dùng chung 1.200 trạm BTS - Người tiêu dùng hưởng lợi lớn
- Bộ TT&TT yêu cầu các nhà mạng tăng cường dùng chung hạ tầng viễn thông
Mới đây, thuê bao của Gmobile đang làm việc cho một công ty dược phẩm đã gửi thư cho ICTnews phản ánh về tình trạng đột nhiên không có sóng. "Năm 2010, tôi có mua và đăng ký chính chủ sử dụng một số điện thoại của Beeline 09955579xx, nay đổi tên thành Gmobile. Ba tháng trở lại đây thấy điện thoại bị mất sóng nên tôi lắp SIM và để ở nhà. Khoảng 1 tháng trước, dùng máy khác gọi vào số điện thoại của tôi thì thấy báo số máy không đúng. Tôi dùng đủ mọi mạng gọi lên tổng đài chăm sóc khách hàng của Gmobile đều không có nhân viên trả lời. Tôi cũng gọi hầu hết các đại lý đăng trên mạng của Gmobile đều nói là đã dừng không làm đại lý nữa. Tôi không hề nhận được bất kỳ thông báo nào là thuê bao của tôi bị cắt hay khóa trước đó. Trong tài khoản vẫn còn gần 1 triệu đồng. Tôi muốn được Gmobile giải đáp thỏa đáng về tình hình này".
Một thuê bao 09918999xx phản ánh về tình trạng tương tự khi 2 tháng nay đột nhiên mất sóng. Sau đó khách hàng đã liên hệ với tổng đài chăm sóc khách hàng nhưng không có ai trả lời.
Để kiểm tra tình trạng trên, ICTnews đã liên hệ đến số điện thoại của một lãnh đạo Gmobile, song tổng đài báo rằng "thuê bao này chưa đăng ký, xin vui lòng kiểm tra và gọi lại".
Ngày 1/9/2020, đại diện Cục Viễn thông cho hay Cục đang kiểm tra về việc phản ánh này của khách hàng và yêu cầu Gmobile giải trình.
Hồi tháng 6/2020, phát biểu tại Cục Viễn thông, ông Nguyễn Trường Phi, Tổng Giám đốc Gmobile cho biết, hiện mạng di động Gmobile chỉ có mạng 2G chưa có 3G và 4G. Từ năm 2014, để mở rộng vùng phủ sóng cho khách hàng, Gmobile đã roaming 2G với VinaPhone. Trong thời gian tới, Gtel muốn phát triển mạng mạng 5G.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trường Phi thừa nhận việc đầu tư 5G tốn kém. Mục đích của mạng 5G là phục vụ nhu cầu cho Internet vạn vật (IoT) nên cần cơ sở hạ tầng rất lớn và cần cả hạ tầng nhỏ như cột điện, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu… Vì vậy, Gtel muốn sử dụng chung hạ tầng với các nhà mạng khác để giảm chi phí đầu tư và tăng hiệu quả kinh doanh. Theo ký kết giữa Gtel và Viettel, VNPT và MobiFone ngày 10/6/2020, các bên sẽ sử dụng chung hạ tầng khoảng 200 trạm thu phát sóng.
Trước đó, ngày 18/10/2016, Bộ TT&TT đã cấp giấy phép cung cấp thiết lập mạng viễn thông công cộng và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông 4G cho Gmobile. Theo giấy phép này, Gmobile sẽ triển khai kinh doanh dịch vụ viễn thông 4G trên băng tần 1800 MHz. Thế nhưng, Gmobile chưa thể triển khai mạng 4G.
Trên thị trường viễn thông Gmobile được cho là một ẩn số. Suốt thời gian dài, nhà mạng liên tục tìm đối tác đầu tư. Tuy nhiên, việc có nhà đầu tư nào rót vốn vào mạng di động này hay không vẫn chưa được chính thức công bố.
Theo ICT News
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận