Thái Lan: Quốc gia sở hữu tiền điện tử thứ hai thế giới dù cấm giao dịch
Sau hơn 1 năm cấm giao dịch các loại tiền điện tử như một phương thức thanh toán, tuy nhiên, Thái Lan lại cho thấy sự trái ngược hoàn toàn với quy định này khi đang có vị trí thứ 2 toàn cầu về sở hữu mặt hàng đặc biệt này.
- Các ứng dụng tiền điện tử giả đang thu hút hàng triệu nhà đầu tư
- Bitso - Nền tảng giao dịch tiền điện tử ở Mỹ Latinh đầu tiên đạt giá trị tỉ USD
- Giới chức Trung Quốc lý giải về các biện pháp 'mạnh tay' với tiền điện tử
Thông tin do Recap công bố cho thấy Bangkok xếp ở vị trí thứ 10 trên thế giới theo chỉ số sẵn sàng về tiền điện tử, sau khi nơi này thu hút 57 công ty tiền điện tử đến mở hoạt động. Bên cạnh đó, Thái Lan có tỷ lệ sở hữu tiền điện tử cao thứ hai thế giới.
Ông Daniel Howitt, Giám đốc điều hành (CEO) của Recap, cho biết: “Mặc dù Thái Lan đã cấm sử dụng tiền điện tử như một phương thức thanh toán vào tháng Ba năm ngoái, nhưng quy định này không ảnh hưởng đến các hoạt động giao dịch hoặc đầu tư”.
Tiền điện tử dù không được phép tham gia các giao dịch như một công cụ thanh toán nhưng vẫn giữ vai trò đầu tư khá cao trong xu thế đầu tư ở Thái Lan.
Theo ông Daniel, giống như nhiều quốc gia khác, Thái Lan cũng đang thắt chặt các quy định về giao dịch tiền điện tử và quảng cáo tài sản kỹ thuật số. Tuy nhiên, liệu việc làm này sẽ giúp ích hay cản trở Bangkok trở thành một trong những trung tâm tiền điện tử lớn nhất trên thế giới sẽ phải cần thêm thời gian để đánh giá.
CEO của Recap cho rằng để nâng cao vị thế như một trung tâm tiền điện tử toàn cầu, Thái Lan cần quan tâm nhiều hơn đến hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), cũng như hỗ trợ tốt hơn cho các công ty tiền điện tử có trụ sở ở đây.
Theo xếp hạng của Recap, London (Vương quốc Anh) - nơi có hơn 800 công ty hoạt động trong lĩnh vực tiền điện tử - đã chiếm vị trí là trung tâm tiền điện tử hàng đầu thế giới. Số lượng người Anh làm việc trong ngành công nghiệp này cao nhất.
Tại khu vực châu Á, ngoài Bangkok, các thị trường Dubai, Singapore và Hong Kong (Trung Quốc) cũng nằm trong top 10 thế giới, lần lượt đứng ở các vị trí thứ 2, thứ 4 và thứ 7 theo bảng xếp hạng của Recap.
Một năm sau khi luật mới cho phép các sàn giao dịch tiền điện tử hoạt động trong thành phố, Dubai đã vươn lên vị trí thứ hai sau nhiều nỗ lực để trở thành trung tâm hàng đầu về tiền điện tử và công nghệ chuỗi khối (blockchain) ở Trung Đông.
Singapore đứng thứ 4, với 25% dân số sở hữu tiền điện tử và hơn 1.000 người làm việc trong ngành này cùng với 800 công ty hoạt động dựa trên tiền điện tử. Để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực tiền điện tử, Singapore đã đưa ra nhiều ưu đãi về thuế.
Những địa điểm khác nằm trong top 10 là New York (vị trí thứ 3) và Los Angeles (5) ở Mỹ, Zug (6) ở Thụy Sỹ, Paris (8) ở Pháp và Vancouver (9) ở Canada. Sydney của Australia đứng thứ 18, tiếp theo là Osaka (Nhật Bản) ở vị trí thứ 19 và Kuala Lumpur của Malaysia ở vị trí thứ 20.
Chỉ số sẵn sàng về tiền điện tử bao gồm tám tiêu chí, như số lượng công nhân và công ty tiền điện tử, giao dịch về tiền điện tử và chi tiêu cho R&D tính theo phần trăm GDP ở mỗi thành phố.
Theo Recap, hoạt động sử dụng tiền điện tử trên toàn cầu đã tăng gần 400% trong giai đoạn từ năm 2020 - 2022. Các lợi ích như chi phí sở hữu thấp, tính ẩn danh và giao dịch an toàn và nhanh chóng, là những yếu tố thúc đẩy sự gia tăng của tài sản kỹ thuật số trên thị trường toàn cầu vào năm 2023 và hơn thế nữa.
Theo tạp chí Điện tư & Ứng dụng
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận