5 xu thế công nghệ mang theo kỳ vọng cải thiện doanh số ngành ô tô năm 2020
Với xu hướng đột phá của khoa học công nghệ, nghành công nghiệp ô tô thế giới đang có những đổi mới quan trọng tạo đột phá cùng 5 xu thế công nghệ trong năm 2020 mang theo kỳ vọng cải thiện doanh số.
- Mô tô "ngựa sắt" Anh Quốc Ariel đánh bóng tới mức soi gương được!
- Audi và tham vọng sản xuất "xe ô tô bay"
- BMW biến nhà máy lớn nhât ở châu Âu làm đại bản doanh sản xuất xe ô tô điện
Ngành công nghiệp ô tô thế giới đang trải qua một cuộc cách mạng triệt để, với nhiều đổi mới quan trọng về công nghệ. Các phương tiện truyền thống được chuyển đổi thành những chiếc xe có khả năng kết nối với nhiều tính năng hiện đại không giới hạn, như Dữ liệu lớn (Big data), Điện toán đám mây, Trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IOT).
Trong năm 2020, công nghệ ô tô được dự báo sẽ phát triển mạnh, mang tính điện tử hóa và sáng tạo. Tuy nhiên, doanh số bán ô tô mới tại nhiều thị trường vốn đang tăng trưởng có thể sụt giảm trong năm 2020, do chi phí tăng, phương tiện công cộng ngày càng nhiều giữa lúc người tiêu dùng ngày càng có nhiều lựa chọn đối với các phương tiện mới.
5 xu thế công nghệ năm 2020 cải thiện doanh số ô tô.
Nhằm tăng doanh số trong năm 2020, ngành ô tô thế giới sẽ phải đưa ra những công nghệ mới và chiến lược kinh doanh sáng tạo dựa trên những tiến bộ công nghệ. Do đó, năm 2020 sẽ chứng kiến những bước phát triển đột phá của ngành công nghệ ô tô toàn cầu.
1. Điện khí hóa tiếp tục đà tăng trưởng
Theo lộ trình quy định về tiết kiệm nhiên liệu trung bình cho sản phẩm của các hãng xe vào năm 2025 (CAFE 2025), các hãng chế tạo ô tô trên toàn cầu sẽ tiếp tục tăng cường các chiến lược điện khí hóa thông qua việc mở rộng các chương trình phát triển xe lai (hybrid) cũng như đưa ra những mẫu xe lai và điện hoàn toàn mới.
Các mẫu ô tô điện hoàn toàn mới được kỳ vọng sẽ ra mắt thị trường trong năm 2020 gồm có Model Y của Tesla - mẫu xe thể thao đa dụng (CUV) khung thân liền khối cỡ nhỏ dựa trên nền tảng mẫu Model 3; mẫu ô tô điện Mini với rất nhiều công nghệ được chia sẻ từ mẫu ô tô i3 của hãng BMW; và một loạt mẫu xe điện thuộc dòng ID của Volkswagen, từ dòng hatchback cỡ nhỏ, CUV tiêu chuẩn... Volkswagen thậm chí có thể khởi động lại dự án phát triển dòng xe buýt cỡ nhỏ Microbus.
2. Xu hướng gia tăng các công ty khởi nghiệp
Các hãng xe lâu đời không phải là những người duy nhất đi tiên phong trong ngành công nghiệp ô tô hiện nay. Một số công ty đang cố gắng tiếp bước hãng Tesla để có thể trở thành một công ty khởi nghiệp ô tô lớn tiếp theo. Một số công ty trong những công ty khởi nghiệp này, như Tesla, đang tập trung đầu tư và phát triển các dòng xe sử dụng điện hoàn toàn.
Rivan, một công ty khởi nghiệp có đại bản doanh ở California (Mỹ), vừa nhận được khoản đầu tư hỗ trợ trị giá 700 triệu USD từ công ty Amazon hồi đầu năm nay. Rivan được kỳ vọng có thể cạnh tranh được với đối thủ Tesla khi dự kiến tung ra mẫu xe bán tải chạy điện hoàn toàn R1T vào cuối năm 2020.
3. Nền tảng kỹ thuật số
Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về công nghệ phức tạp được ứng dụng trong các mẫu xe ngày nay, các hãng chế tạo ô tô sẽ phải đầu tư đáng kể vào việc nâng cấp nền tảng kỹ thuật số cho những chiếc xe này.
BMW vừa thông báo tung ra mẫu xe đầu tiên của hãng theo “làn sóng” ứng dụng công nghệ cao, theo đó xe có thể được điều khiển từ xa hoặc được điều khiến thông qua giao thức Lập trình qua vô tuyến (OTA).
Công nghệ OTA sẽ cho phép nâng cấp hệ thống phần mềm của xe, đơn giản như chúng ta thường xuyên cập nhật phần mền cho hệ điều hành máy vi tính và điện thoại thông minh.
4. Nâng cấp hệ thống lái tự động lên cấp độ 3
Cấp độ 3 của hệ thống lái tự động chỉ hệ thống tự lái có điều kiện. Cấp độ 3 của hệ thống lái này sẽ cho phép xe theo dõi các điều kiện đường xá cũng như môi trường xung quanh, đồng thời “giải thoát” người lái khỏi những thao tác điều khiển xe trong những tình huống nhất định.
Các hệ thống lái tự động, như Traffic Jam Pilot của hãng Audi, Super Cruise của Cadillac và Drive Pilot của Mercedes, sẽ tạo “cơ hội” cho ô tô "tiếp quản" tất các các chức năng lái xe chủ chốt trong những hoàn cảnh cụ thể.
Mặc dù các hệ thống tự động lái cấp độ 3 mới chỉ được trang bị trên một số mẫu ô tô nhất định, nhưng trong thời gian tới hệ thống này kỳ vọng sẽ được trang bị rộng rãi trên nhiều mẫu xe hơn nữa.
5. Vật liệu sợi carbon
Các vật liệu nhẹ như sợi carbon sẽ được tăng cường sử dụng trong chế tạo các các bộ phận và linh kiện ô tô. Phần lớn các hãng ô tô vẫn sử dụng vật liệu nhôm trong sản xuất nhiều bộ phận của xe, nhưng cũng có nhiều hãng đang chuyển sang sử dụng chất liệu sợi carbon.
Những hãng này không chỉ sử dụng chất liệu sợi carbon cho các bộ phận bên ngoài của xe như phần mui và cốp, mà còn nhiều bộ phận khác bên trong xe. Các mẫu xe sắp được tung ra thị trường của hãng Volvo, gồm phiên bản xe lai Polesta 1 và phiên bản ô tô chạy điện hoàn toàn Polestar 2, đều có cấu trúc bên trong chủ yếu được làm từ sợi carbon nhằm giảm trọng lượng và tăng độ cứng của khung thân xe.
Bên cạnh đó, sợi carbon còn được sử dụng để chế tạo các dòng xe bán tải cỡ lớn, với việc GM sử dụng chất liệu sợi tổng hợp này cho thùng xe của các mẫu Silverado/Sierra mới để giảm trọng lượng và tăng độ bền. Giới phân tích dự báo tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của thị trường sợi carbon sử dụng trong chế tạo ô tô sẽ ở mức 7,9-10,6% trong 5 năm tới.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận