Khám phá LEO coupo - 'Siêu xe' bay trên bầu trời
LEO Coupe là sản phẩm trí tuệ của hai nhà sáng tạo đam mê muốn chế tạo một chiếc máy bay không giống như máy bay. Đây là một chiếc "Siêu xe bay" dành cho bầu trời như từng thấy trong các phim khoa học giả tưởng.
- NEC thử nghiệm xe bay tự hành được Nhật Bản hậu thuẫn
- NeXt iFLY xe bay chạy điện phương tiện hữu dụng trong tương lai gần
- Uber sắp ra mắt mẫu thiết bị bay (drone) giao đồ ăn
LEO coupo vừa được Urban eVTOL công bố. Ảnh: Urbanevtol.
LEO Coupe được Urban eVTOL vừa công bố là mẫu máy bay cất cánh thẳng đứng có ngoại hình trông như một siêu xe với kích thước rất gọn gàng, nên có thể phù hợp với hầu hết các gara ô tô. LEO Coupe được sử dụng như một chiếc taxi bay với khả năng tới bất kỳ nơi đâu kể cả nơi có không gian hạn chế hay những nơi chưa có đường đi lại.
Ảnh: Urbanevtol.
LEO Coupe là kết quả hợp tác của bộ đôi Pete Bitar, chuyên gia động cơ cất cánh thẳng đứng, và nhà thiết kế xe hơi Carlos Salaff, bởi vậy ngoại hình của nó khác hẳn so với đa phần các mẫu VTOL đồng hạng đã từng được giới thiệu.
Pete Bitar đã có nhiều năm kinh nghiệm với động cơ đẩy, anh đã sáng chế ra thiết bị bay cá nhân mang tên Verticycle. Trong khi đó, Carlos Salaff cũng đã gây dựng được tên tuổi với nhiều mẫu concept xe hơi trong đó có Mazda Furai.
Ảnh: Urbanevtol.
Siêu xe bay này có thể đạt vận tốc tối đa 400km/h và tầm bay xấp xỉ 500km. Tức là nếu xuất phát từ Hà Nội bạn có thể bay tới Quảng Ninh, Vinh, Sơn La hay Điện Biên một cách thoải mái. Thêm nữa, bạn cũng hoàn toàn không mất thời gian phải đi tới sân bay sớm, chờ đợi làm thủ tục rồi sau khi hạ cánh lại phải đi từ sân bay về điểm đích nếu sử dụng LEO.
Ảnh: Urbanevtol.
Hệ thống đẩy hoàn toàn bằng điện của LEO Coupe bao gồm 16 mô tơ có công suất 10kW mỗi chiếc, đường kính 40cm, được bố trí đối xứng hai bên thân, phía trước là 3x2 và phía sau là 5x2 để tạo tổng lực nâng giúp LEO cất và hạ cánh dễ dàng, đồng thời giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.
Lực đẩy ngang sẽ do hệ thống 6 tuốc bin phản lực kích thước chỉ 28cm mỗi chiếc, đảm bảo duy trì tốc độ trung bình 180km/h kể cả khi bay ngược gió. Các ống gió có thiết kế cố định, phần bên dưới sẽ đảm nhiệm vai trò càng đáp, nhưng các lá gió bên trong có thể điều chỉnh để luồng khí di chuyển tối ưu.
Ảnh: Urbanevtol.
LEO có thiết kế cánh quạt ngắn ngay sát thân cabin, nhóm thiết kế cho biết đây là kiểu cánh quạt không tiếp xúc, loại bỏ nguy hiểm cho những người xung quanh.
Chúng được phân ra làm hai hệ thống, một giúp máy bay cất và hạ cánh, còn một thì hoạt động khi nó bay trên không gian. Giải pháp thông minh này cùng với thiết kế các ống gió đặc biệt sẽ mang lại hiệu suất cao cho LEO, nhất là khi bay ngang - hơn hẳn so với các mẫu VTOL có thiết kế cánh quạt “cổ điển”.
Bên trong khoang cabin của Leo Coupe. Ảnh: Urbanevtol.
Bên trong khoang cabin của LEO có ba chỗ ngồi, phía trước là ghế lái cho phi công, còn ghế phía sau dành cho 2 hành khách. Toàn bộ nóc cabin được bọc kính cảm ứng ánh sáng, đem lại cái nhìn toàn cảnh 360 độ. Sàn dưới cũng được lót kính để hành khách ngắm cảnh và phi công có thể quan sát tốt hơn khi cần hạ cánh.
Ảnh: Urbanevtol.
Urban eVTOL đang chế tạo một nguyên mẫu để có thể bay thử nghiệm vào năm tới. Song song với đó, công ty cũng đang tìm kiếm đầu tư để sản xuất 8 chiếc cho đợt chào hàng đầu tiên.
Ảnh: Urbanevtol.
Về giá bán, công ty ước tính nếu đạt sản lượng 100 chiếc một năm thì giá sẽ không quá 290 ngàn đô la (6,65 tỷ đồng) một chiếc, tức là ngang ngửa với một mẫu siêu xe hạng sang vừa phải.
Theo Tạp chí Điện tử / Urbanevtol
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận