Liên minh bào chế vaccine
Cập nhật tình hình dịch COVID-19 để phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu và bào chế vaccine để ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 giới chức các nước châu Âu đã đề xuất liên minh để thúc đẩy nhiệm vụ này.
- Các quốc gia lớn đua nhau sản xuất vaccine chống virus Corona
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Costa Rica kêu gọi thành lập nhóm các nước nghiên cứu Vaccine
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Thế giới dành hơn 8 tỉ USD để nghiên cứu và sản xuất vaccine
Giới chức Hà Lan ngày 3/6 cho biết Pháp, Đức, Italy và Hà Lan đã thành lập một liên minh để thúc đẩy nỗ lực sản xuất vaccine "trên đất châu Âu" nhằm ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Liên minh sản xuất vaccine phòng chống virus SARS-CoV-2.
Trong tuyên bố tại La Haye, Bộ Y tế Hà Lan nhấn mạnh 4 nền kinh tế lớn nhất châu lục "đang hợp lực" nghiên cứu các sáng kiến phát triển vaccine đầy triển vọng cũng như đang thảo luận với các công ty dược phẩm nhằm đảm bảo có đủ vaccine cho Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia khác", đặc biệt là các nước thu nhập thấp hơn tại châu Phi.
Mục tiêu của"Liên minh vaccine" này là nhằm cho phép sản xuất vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 ở bất kỳ nơi nào có thể tại châu Âu. Việc hợp tác 4 nước cùng với các công ty then chốt trong ngành dược phẩm được kỳ vọng sẽ có thể giúp gặt hái những kết quả tốt nhất và nhanh nhất từ những sáng chế vaccine đầy tiềm năng. Tuyên bố của Bộ Y tế Hà Lan cũng nêu rõ "Đức, Pháp, Italy và Hà Lan tin rằng một kết quả thành công đòi hỏi một chiến lược và nhiều vốn đầu tư chung".
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh châu Âu đang từng bước nới lỏng các biện pháp phong tỏa với việc Italy là nước đi đầu mở cửa biên giới cho người dân châu lục này.
Trong khi đó, Đức sẽ dỡ bỏ cảnh báo chung về việc đi lại vào ngày 15/6 tới và Hà Lan cũng lên kế hoạch thực hiện bước đi tương tự phù hợp với các chỉ dẫn của EU.
Ngày 3/6, tình hình đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn diễn biến trái chiều trên thế giới khi nhiều quốc gia dần nới lỏng các biện pháp hạn chế để kiểm soát dịch bệnh trong khi không ít nước chứng kiến số ca mắc mới tăng trở lại hoặc bỏ ngỏ khả năng tái áp dụng các biện pháp phong tỏa.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 3/6, trên thế giới có hơn 6,48 triệu người mắc bệnh trong đó có hơn 383.000 người tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là hơn 3 triệu người và khoảng 2% trong số hơn 3 triệu người khác đang được điều trị là các ca bệnh nặng hoặc nguy kịch.
Khu vực Mỹ Latinh, tâm dịch mới của thế giới, hiện ghi nhận hơn 947.700 ca nhiễm và hơn 42.700 ca tử vong. Brazil là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực với hơn 558.000 ca nhiễm và hơn 31.000 ca tử vong.
Tính trên toàn thế giới, Brazil cũng chỉ đứng sau Mỹ về số ca nhiễm (hơn 1,88 triệu ca). Không chỉ đẩy hệ thống y tế vào nguy cơ quá tải, dịch bệnh đang đe dọa trực tiếp nền kinh tế vốn đang trong tình trạng khủng hoảng của Brazil.
Để ứng phó với những tác động của dịch bệnh, Bộ Kinh tế Brazil cùng Ngân hàng phát triển kinh tế và xã hội quốc gia (BNDES) đã đưa ra một chương trình tín dụng khẩn cấp để tạo điều kiện cho các công ty vừa và nhỏ tiếp cận các khoản vay mới trong giai đoạn khó khăn.
Chương trình này sẽ cung cấp các khoản bảo lãnh lên tới 80% giá trị của mỗi hoạt động tài chính cho các công ty có tổng doanh thu từ 360.000 real (67.000 USD) đến 300 triệu real (56 triệu USD).
Tại Mexico, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Viện thống kê và địa lý nước này cho biết trong tháng 4, quốc gia Mỹ Latinh này đã mất 2,1 triệu việc làm chính thức, tăng 4,7% so với con số 1,7 triệu người mất việc trong tháng 3.
Theo báo cáo, từ tháng 1 đến tháng 4, tỉ lệ thất nghiệp tại Mexico đã lên tới 11,87%, với tổng số người thất nghiệp lên đến 6,8 triệu người. Các chuyên gia kinh tế dự báo số người thất nghiệp tại Mexico sẽ có thể lên đến 8,1 triệu người trong năm nay.
Tại châu Âu, chỉ số lây nhiễm ở thủ đô Berlin (Đức) đã tăng lên 1,95, mức báo động đỏ trong bối cảnh các biện pháp giãn cách xã hội đang tiếp tục được nới lỏng không chỉ ở Berlin mà trên tất cả các bang.
Với chỉ số lây nhiễm lên mức 1,95, đồng nghĩa với việc một người bệnh lây nhiễm cho gần 2 người khác, Berlin đã trải qua 3 ngày liên tiếp có chỉ số R ở trên mức nguy hiểm (1,2).
Ngày 3/6, người dân Italy đã được phép đi lại tự do trở lại giữa các vùng trên phạm vi toàn quốc mà không cần phải khai báo lý do, đồng thời chính quyền nước này cũng đã cho phép mở cửa trở lại đối với công dân, khách du lịch đến từ các nước thuộc châu Âu.
Italy bắt đầu mở cửa trở lại cho du khách đến từ các nước châu Âu vào ngày 3/6, 3 tháng sau khi nước này áp đặt lệnh phong tỏa nhằm kiềm chế dịch bệnh lây lan. Quyết định này nhằm hồi sinh ngành du lịch đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Italy khi mùa Hè bắt đầu.
Du lịch đóng góp khoảng 13% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Italy. Là quốc gia châu Âu đầu tiên xuất hiện dịch COVID-19 và chịu ảnh hưởng nặng nề với hơn 33.000 ca tử vong, để ngăn chặn dịch bệnh, Italy đã áp đặt lệnh phong tỏa làm tê liệt nền kinh tế từ đầu tháng 3.
Tại Trung Đông, tình hình dịch bệnh tại Iran có thêm những diễn biến phức tạp khi quốc gia này ngày thứ 3 liên tiếp ghi nhận hơn 3.000 ca mới. Hiện tổng số ca mắc bệnh tại Iran là 160.696 người, trong đó số ca tử vong là 8.012 ca. Hồi tháng trước, Iran đã bắt đầu dỡ bỏ phần lớn các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát dịch bệnh.
Hàn Quốc cũng tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới tăng trở lại. Với 49 ca nhiễm mới được phát hiện (46 ca lây nhiễm trong cộng đồng), tổng số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc đã lên thành 11.590 ca và số ca tử vong là 273 người.
Giới chức y tế cho biết nếu số ca nhiễm mới vượt ngưỡng 50 ca/ngày, nước này sẽ tính toán trở lại biện pháp "giãn cách xã hội", đóng cửa trường học và các cơ sở dịch vụ công cộng trên quy mô toàn quốc.
Tương tự, Nhật Bản đối mặt nguy cơ tái bùng phát dịch COVID-19. Những ngày gần đây, giới chức y tế Nhật Bản nâng cao cảnh giác khi có một số dấu hiệu đáng lo ngại.
Cụ thể, ngày 2/6, chính quyền thủ đô Tokyo đã xác nhận thêm 34 trường hợp nhiễm mới. Đây là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất ở Tokyo kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc vào ngày 25/5 và là ngày đầu tiên kể từ hôm 14/5, số ca nhiễm mới ở thành phố này vượt ngưỡng 30 ca. Ngày 2/6, Tokyo đã phát đi “Cảnh báo Tokyo" về dịch COVID-19 để kêu gọi người dân tăng cường cảnh giác.
Khi dịch bệnh ít có khả năng được kiểm soát chặt trong bối cảnh các quốc gia đều phải mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế để tránh những tổn thất nghiêm trọng hơn, vaccine phòng bệnh trở thành một thứ "vũ khí" được mong đợi hơn bao giờ hết.
Trước tình hình này, các hãng dược phẩm Nhật Bản đang nỗ lực đẩy nhanh tiến trình phát triển vaccine phòng bệnh COVID-19 nhằm cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài trong cuộc đua toàn cầu tìm kiếm các loại vaccine hiệu quả.
Công ty dược phẩm sinh học Anges thông báo sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine DNA, dự kiến được công ty Takara Bio sản xuất vào đầu tháng 7 tới, với mục tiêu có thể sử dụng vaccine này cho con người vào khoảng tháng 3/2021. Trong khi đó, công ty Shionogi & Co. đặt mục tiêu ra mắt vaccine protein tái tổ hợp để phòng bệnh COVID-19 vào mùa Thu năm 2021.
Hiện Shionogi & Co. đang chuẩn bị để bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vào cuối năm nay. Công ty hy vọng sẽ sản xuất đủ vaccine để cung cấp cho khoảng 10 triệu người.
Nga và Mỹ cũng đang đẩy nhanh thử nghiệm vaccine ngừa virus SARS-CoV-2. Trung tâm nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh học Gamaleya cùng với Bộ Quốc phòng Nga sẽ hoàn thành tất cả các thử nghiệm lâm sàng về vaccine phòng virus SARS-CoV-2.
Ông Sergey Borisevich, người đứng đầu Viện nghiên cứu khoa học trung ương số 48 thuộc Bộ Quốc phòng Nga xác nhận các thử nghiệm tiền lâm sàng của vaccine tiến hành trên khỉ và chuột hamster đã hoàn tất, chứng minh được độ an toàn và hiệu quả bảo vệ của vaccine và đang xin cấp phép tiến hành công tác thử nghiệm lâm sàng trên người.
Cùng ngày, Giám đốc Chương trình nghiên cứu bệnh truyền nhiễm của quân đội Mỹ, Đại tá Wendy Sammons-Jackson cho biết nhiều khả năng một số loại vaccine ngừa COVID-19 có thể đến tay một bộ phận người dân nước này vào cuối năm nay.
Các nhà nghiên cứu của quân đội Mỹ đang hợp tác với công ty trong và ngoài nước, gồm AstraZeneca PLC, Johnson & Johnson, Moderna Inc và Sanofi SA để phát triển thuốc điều trị và vaccine. Dự kiến, quân đội Mỹ sẽ thử nghiệm vaccine trên người vào cuối mùa Hè này.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận