Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Costa Rica kêu gọi thành lập nhóm các nước nghiên cứu Vaccine
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, để tạo công cụ cũng như trao đổi kinh nghiệm, Costa Rica phối hợp với WTO thành lập nhóm các nước để thực hiện các hoạt động này đồng thời đây cũng là trung tâm phân phối lại các thiết bị y tế.
- 5G trong trận chiến với COVID-19: Cơ hội cải thiện hệ thống y tế công cộng
- 1,25 tỉ lao động trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19
- 9 ngành kinh tế Việt Nam thiệt hại lớn nhất bởi đại dịch Covid-19
Cập nhật tin mới nhất về dịch COVID-19, nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19 hoành hành trên toàn cầu, 30 quốc gia đứng đầu là Costa Rica và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát động một sáng kiến nhằm chia sẻ các công cụ phòng chống dịch bệnh như vaccine, thuốc điều trị và thiết bị xét nghiệm, chẩn đoán.
Sáng kiến này, được đề xuất hồi tháng Ba vừa qua, nhằm cung cấp cơ chế mua vật tư y tế một cửa đối với các kiến thức khoa học, dữ liệu và sở hữu trí tuệ trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19. Ngày 29/5, WHO đã ban bố "Lời kêu gọi đoàn kết hành động", trong đó kêu gọi các bên liên quan tham gia nỗ lực này.
Theo WHO, tham gia sáng kiến chia sẻ các công cụ phòng chống COVID-19 có Argentina, Bangladesh, Barbados, Belize, Brazil, Chile, CH Dominican, Ecuador, Ai Cập, Indonesia, Liban, Luxembourg, Malaysia, Maldives, Mexico, Mozambique, Na Uy, Oman, Pakistan, Palau, Panama, Peru, Bồ Đào Nha, Saint Vincent và Grenadines, Nam Phi, Sudan, Hà Lan, Timor Leste và Uruguay.
Theo thống kê của trang mạng worldometers.info, tính đến 22h ngày 29/5 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 362.921 ca tử vong do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong tổng số 5.945.245 ca nhiễm. Ngoài ra, trên toàn cầu cũng đã có 2.608.357 bệnh nhân được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.
Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm và ca tử vong do COVID-19 cao nhất trên thế giới, tương ứng với 1.771.631 ca và 103.418 ca. Tiếp theo là Brazil với 438.812 ca nhiễm và 26.764 ca tử vong, Nga (387.623 ca nhiễm và 4.374 ca tử vong), Tây Ban Nha (284.986 ca nhiễm và 27.119 ca tử vong) và Anh với 269.127 ca nhiễm và 37.837 ca tử vong.
Trong 24 giờ qua, nhiều nước trên thế giới ghi nhận có số ca tử vong và nhiễm virus SARS-CoV-2 cao nhất trong ngày. Đơn cử, Nga có thêm 232 ca tử vong, mức cao nhất kể từ trước tới nay tại nước này.
Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm tăng kỷ lục với 7.467 ca mới. Brazil cũng có thêm 26.417 ca nhiễm mới, mức cao nhất trong một ngày ở nước này. Còn Ai Cập với 1.127 ca nhiễm mới cũng ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất theo ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này.
Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến tích cực, một số nước châu Âu tiếp tục thông báo quyết định nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội được áp đặt để ngăn chặn dịch bệnh lây lan,
Chính phủ Tây Ban Nha cho biết từ ngày 1/6 sẽ tiếp tục nới lỏng các biện pháp khống chế dịch, theo đó 70% dân số nước này sẽ được phép đến các nhà hàng, bể bơi và trung tâm thương mại.
Chính phủ Romania cũng thông báo từ ngày 1/6 tới nước này sẽ bước vào giai đoạn mới nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, cho phép các quán cà phê, nhà hàng, bãi biển mở cửa trở lại đi kèm một số điều kiện nhất định.
Các buổi biểu diễn văn hóa nghệ thuật cũng sẽ được phép tổ chức với tối đa 500 khán giả. Các sự kiện thể thao, trừ các môn tiếp xúc, cũng sẽ được phép diễn ra.
Tương tự, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông báo từ ngày 1/6 tới sẽ cho phép hoạt động giao thông vận tải giữa các thành phố; các quán cà phê, nhà hàng, cũng như nhiều điểm khác, trừ quán bar và câu lạc bộ, được hoạt động trở lại.
Trong khi đó, Chính phủ Na Uy cho biết từ tuần tới sẽ bỏ các biện pháp cách ly bắt buộc 10 ngày đối với những người vừa có chuyến công tác đi và đến từ tất cả các nước ở Tây Bắc châu Âu. Đến nay, Na Uy chỉ cho phép các chuyến công tác đi và đến từ Thụy Điển hoặc Phần Lan.
Dự kiến, từ ngày 1/6, Bulgaria cũng sẽ bỏ yêu cầu cách ly bắt buộc 14 ngày đối với những người đến từ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), trừ 8 nước có số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cao nhất, trong đó có Thụy Điển, Tây Ban Nha, Italy, Bỉ, và Anh - hiện đang trong quá trình chuyển tiếp sau khi rời khỏi EU. Hiện Bulgaria vẫn giữ nguyên lệnh cấm nhập cảnh đối với những người đến từ các nước ngoài EU.
Còn tại Thụy Điển, các hoạt động thi đấu thể thao sẽ được nối lại từ ngày 14/6 tới, song hầu hết các trận thi đấu này sẽ không có khán giả. Trong khi đó, các trường trung học phổ thông sẽ mở cửa trở lại vào ngày 15/6 sau khi tạm ngừng công tác giảng dạy từ giữa tháng 3 nhằm ngăn chặn dịch COVID-19.
Hy Lạp dự kiến ngày 15/6 tới sẽ mở cửa đón các du khách đến từ 29 nước trên thế giới trước khi nước này bước vào giai đoạn cao điểm trong mùa du lịch.
Một số nước ở khu vực Trung Đông, châu Phi và châu Á cũng có các động thái tương tự.
Chính phủ Kuwait thông báo sẽ chấm dứt lệnh giới nghiêm hoàn toàn và chuyển sang giới nghiêm một phần trong vòng 3 tuần để dần đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Lệnh giới nghiêm một phần sẽ được áp đặt từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau, bắt đầu từ ngày 31/5 tới. Chính phủ Kuwait cũng đã quyết định phong tỏa một số khu vực có số ca mắc COVID-19 tăng trong thời gian gần đây.
Tại Jordan, các đền thờ Hồi giáo và nhà thờ Công giáo tại nước này sẽ được mở cửa trở lại lần lượt từ ngày 5/6 và 7/6 tới, trong khuôn khổ các nỗ lực của nước này nhằm trở lại cuộc sống bình thường sau dịch COVID-19.
Tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Dubai thông báo sẽ mở cửa trở lại 4 bãi biển và công viên lớn từ ngày 29/5. Các bãi biển gồm JBR, Al Mamzar, Jumeirah, Umm Suqeim và công viên Zabeel, nơi có công trình kiến trúc nổi tiếng Dubai Frame.
Chính phủ Nam Phi sẽ cho phép hầu hết các lĩnh vực kinh tế từ sản xuất đến khai thác mỏ được nối lại hoạt động hoàn toàn từ tháng Sáu sau khi tiếp tục nới lỏng các biện pháp phong tỏa nhằm kiềm chế dịch bệnh. Tuy nhiên, một số lĩnh vực kinh doanh có nguy cơ cao như khách sạn, nhà nghỉ, tiệm làm tóc và nhà hàng vẫn phải đóng cửa.
Chính quyền thành phố Tokyo của Nhật Bản thông báo sẽ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội kể từ ngày 1/6 tới, theo đó, những trường học luyện thi cho học sinh, các trung tâm tập thể dục và các nhà hát kịch sẽ nằm trong số những cơ sở hoạt động được phép mở cửa trở lại theo hình thức nới lỏng dần theo từng giai đoạn.
Tại Philippines, hầu hết các cơ sở kinh doanh tại thủ đô Manila sẽ được phép mở cửa trở lại từ ngày 1/6 tới. Các trung tâm thương mại mở cửa ở mức hạn chế khoảng 2 tuần. Hoạt động vận tải công cộng cũng vận hành trở lại ở mức giới hạn.
Tuy nhiên, các trường học, quán bar, hàng ăn và các tiệm làm tóc vẫn tiếp tục phải đóng cửa. Người cao tuổi và trẻ nhỏ vẫn phải ở nhà, trừ khi cần ra ngoài mua các mặt hàng thiết yếu.
Còn Myanmar đã bãi bỏ quy định cấm tập trung nhóm từ 5 người trở lên theo các điều kiện nhất định. Bên cạnh đó, nước này cũng thông báo dỡ bỏ biện pháp hạn chế đối với 4 trong số 10 quận huyện tại Yangon hiện đang thực hiện lệnh của chính phủ yêu cầu người dân ở nhà.
Tại Thái Lan, thời gian giới nghiêm ban đêm được áp đặt tại nước này sẽ được rút ngắn thêm 1 giờ khi nước này bước vào giai đoạn 3 nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Theo đó, thời gian giới nghiêm mới sẽ từ 23h00 hôm trước đến 3h00 hôm sau, thay vì từ 23h00 đến 4h00 được áp dụng trong giai đoạn 2 nới lỏng. Tuy nhiên, Thái Lan vẫn sẽ đóng cửa đối với du khách nước ngoài trong giai đoạn 3 do lo ngại về dịch COVID-19 lây lan từ nước ngoài.
Trong khi nhiều nước trên thế giới đang bắt đầu mở cửa trở lại sau thời gian phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, khu vực Mỹ Latinh vẫn chưa thể làm điều tương tự.
Colombia đã ngừng mọi chuyến bay quốc tế ít nhất cho đến ngày 31/8, đóng mọi cửa khẩu đường bộ và đường sông với các nước láng giềng, trong đó có Brazil. Còn Colombia đã gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc đến ngày 1/7, song cho phép nới lỏng đi lại ở một số nơi.
Trong khi đó, tại Mexico, giãn cách xã hội sẽ được dỡ bỏ vào ngày 31/5. Tuy nhiên, chính quyền các bang có thể tiếp tục áp dụng các biện pháp bổ sung tùy vào diễn biến dịch tại địa phương.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận