Telehealth giúp Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương về gần với người dân vùng sâu vùng xa
Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương chính thức đưa vào hoạt động Hệ thống Telehealth thuộc dự án Khám, chữa bệnh từ xa Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, giai đoạn 2020-2025 từ ngày 23/10/2020.
- Bệnh viện thông minh - Mục tiêu trọng tâm của nền Y tế số
- McAfee chỉ ra 3 hướng tiếp cận để bảo mật nền y tế số
- Hệ thống Telehealth áp dụng tại Bệnh viện Bạch Mai - Bước tiến mới của ngành y tế
Tại điểm cầu Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương
Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) triển khai sẽ kết nối với 4 điểm cầu là các Bệnh viện tuyến tỉnh, bao gồm: BVĐK tỉnh Hải Dương, BVĐK tỉnh Hà Giang, BVĐK khu vực Bắc Quang, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp tiến hành hội chẩn, thảo luận chuyên môn về các ca bệnh điển hình thuộc chuyên ngành Tai Mũi Họng và các bệnh vùng đầu, cổ; cùng sự tham gia của khoảng 40 đơn vị dự thính.
Các Thầy thuốc, Chuyên gia của Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương hội chuẩn từ xa qua hệ thống Telehealth với các Điểm cầu.
PGS-TS,GVCC Phạm Tuấn Cảnh - Giám đốc Bệnh viện chia sẻ: "Với trình độ chuyên môn sâu của các thầy thuốc, chuyên gia của Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, hệ thống Telehealth hiện đại khi đưa vào hoạt động sẽ mang lại nhiều lợi ích, nâng cao chất lượng chuyên môn cho cán bộ y tế tuyến dưới và tăng cường chất lượng dịch vụ y tế chất lượng cao cho người dân đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng có nhiều khó khăn, giảm được chi phí y tế cho người dân. Đồng thời góp phần vào việc giãn cách xã hội phòng chống bệnh dịch".
BSCK I Đỗ Anh Tuấn - Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương tham gia hội chuẩn trực tiếp trên hệ thống Telehealth
Đề án Khám chữa, bệnh từ xa đã được ban hành tại Quyết định số 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 với 2 mục tiêu căn bản, đó là tất cả các cơ sở y tế, nhất là tuyến huyện được hỗ trợ chuyên môn liên tục và mọi người dân đều được hỗ trợ y tế thường xuyên. Trước đây hỗ trợ chuyên môn theo phương thức 1-1, tức là một tuyến trên hỗ trợ cho một tuyến dưới thì hiện nay sẽ mở rộng theo mô hình 1-N để đảm bảo hiệu ứng tốt hơn. Như vậy tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới nhưng tất cả bệnh viện tuyến dưới đều có thể tham gia vào hội chẩn, theo dõi, để qua đó được học tập, nâng cao chuyên môn.
Thực hiện Khám, chữa bệnh từ xa sẽ là dấu mốc khởi đầu quan trọng trong việc chuyển đổi số trong ngành y tế, không chỉ đảm bảo giãn cách xã hội trong phòng chống dịch mà còn hướng đến mục tiêu: Mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sỹ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng cao của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới, góp phần giảm tải cho tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh, giảm chi phí khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.
Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương là Bệnh viện chuyên khoa đầu ngành của cả nước về tai mũi họng và các bệnh vùng đầu, cổ trực thuộc Bộ Y tế. Hiện nay Bệnh viện đang hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện/trung tâm y tế tuyến dưới trong phát hiện và điều trị các bệnh lý liên quan. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp và phục vụ cho chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật trong hoạt động y tế, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương là một trong những cơ sở y tế tham gia hoạt động triển khai hỗ trợ tư vấn Khám, chữa bệnh từ xa. |
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận