Hệ thống Telehealth áp dụng tại Bệnh viện Bạch Mai - Bước tiến mới của ngành y tế
Hệ thống Telehealth đã được các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai sử dụng để kết nối và khám chữa bệnh từ xa cho 200 bệnh nhân ở 5 điểm cầu là các bệnh viện tuyến địa phương.
- Khó khăn và thuận lợi khi triển khai nền tảng Telehealth - khám chữa bệnh từ xa
- Bộ Y tế: Triển khai đề án khám chữa bệnh từ xa và Hồ sơ sức khỏe điện tử
- Khám chữa bệnh bằng áp dụng AI và IoT
Ngày 27/8, tại Bệnh viện Bạch Mai đã diễn ra sự kiện khai trương Hệ thống hỗ trợ, tư vấn Khám, chữa bệnh từ xa do Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) phối hợp xây dựng.
Sự kiện này đánh dấu một bước phát triển vượt bậc trong quá trình triển khai Đề án Khám chữa bệnh từ xa, với việc tham gia của một bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt, và với sự tham gia của số điểm vệ tinh và số người tham dự lớn nhất từ trước tới nay: 35 tỉnh, 200 điểm và trên 500 bác sĩ tham dự trực tiếp.
Viettel coi đây là dấu mốc quan trọng để thực hiện đề án khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 1 (1.000 điểm) và tiến tới kết nối 14.000 điểm cơ sở y tế, khám chữa bệnh trên cả nước trong thời gian tới.
Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai khám chữa bệnh từ xa cho 200 bệnh viện tuyến dưới
Tại sự kiện, các bác sĩ tại bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện hội chẩn, tư vấn, khám chữa bệnh từ xa với 5 điểm cầu tại các bệnh viện: Bệnh viện C - Thái Nguyên, Bệnh viện ĐK Thị xã Sapa - Lào Cai, Bệnh viện Hùng Vương- Phú Thọ, Bệnh viện Hữu Nghị Đa khoa Nghệ An và Bệnh viện ĐK Quốc tế Hải Phòng.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai đã tư vấn các lĩnh vực lâm sàng, kết nối siêu âm trực tuyến, truyền hình ảnh phim Cắt lớp vi tính, truyền dữ liệu hình ảnh thăm dò chức năng và chẩn đoán hình ảnh cho các bệnh viện tuyến dưới.
Bằng công nghệ truyền dẫn hình ảnh hiện đại, thông qua Telehealth, các bác sĩ tại bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện siêu âm trực tuyến cho 1 bệnh nhân tại bệnh viện C Thái Nguyên.
Bác sĩ tại bệnh viện Bạch Mai có thể chỉ đạo và thực hiện đánh giá ngay trên hệ thống, toàn bộ dữ liệu, hình ảnh khám, chữa bệnh đều được lưu trữ và bảo mật một cách tuyệt đối.
Hệ thống Telehealth do Viettel chủ trì xây dựng đáp ứng đầy đủ 6 lĩnh vực theo tiêu chuẩn hệ thống khám chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế. Ước tính, khi triển khai Hệ thống này trên toàn quốc sẽ tiết kiệm cho xã hội và ngành y tế hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm, trong đó, riêng chi phí đi lại, khám chữa bệnh là hàng chục nghìn tỉ đồng mỗi năm.
GS.TS. Nguyễn Quang Tuấn.
GS.TS. Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh: “Ứng dụng Viettel Telehealth trong công tác tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa không chỉ giúp tiết kiệm thời gian cho người dân, bác sĩ mà còn giúp các bác sĩ có thể dễ dàng trao đổi, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn.
"Đặc biệt, một trong những yếu tố quan trọng trong triển khai Telehealth là đường truyền tốt, đảm bảo chất lượng hình ảnh cho các trung tâm theo dõi rõ nét, đánh giá tổn thương, chẩn đoán chính xác để đưa ra các phương án điều trị phù hợp” ông Tuấn nhấn mạnh.
Đồng hành cùng Bệnh viện Bạch Mai trong quá trình triển khai Telehealth, ông Nguyễn Thanh Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết: “Dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, đòi hỏi ngành Y tế cần đẩy mạnh hơn nữa quá trình Chuyển đổi số, ứng dụng những công nghệ mới nhất để giải quyết các bài toán khó tại các cơ quan quản lý và bệnh viện.
Và trong quá trình chuyển đổi số đó, Viettel cam kết sẽ luôn đồng hành cùng ngành y tế Việt Nam; đầu tư nguồn lực, công nghệ hiện đại nhất triển khai các giải pháp cho ngành Y, đặc biệt triển khai thành công hệ thống Telehealth trên toàn quốc.”
Được biết, tính đến thời điểm hiện tại, Viettel đã triển khai kết nối thành công đến 600 điểm tư vấn, hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa tại các cơ sở y tế trên toàn quốc, đạt 60% mục tiêu giai đoạn 1.#digital_MoH
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận