ATM gạo tại Hà Nội - Để không người dân nào bị "đứt bữa"
Để không có người dân Hà Nội nào bị "đứt bữa" trong mùa dịch COVID-19 nên nhóm thiện nguyện của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Sách Thái Hà và những người bạn đã nhân rộng mô hình ATM gạo được đặt tại khu vực Nhà văn hoá phường Nghĩa Tân.
Ngày 11/4, cây "ATM gạo" đầu tiên ở Hà Nội đã được lắp được tại khu vực Nhà văn hóa phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội, hoạt động từ 8 - 17h hàng ngày.
Liên tục các bao gạo được nhà hảo tâm gửi tới để phát cho người dân.
Với số gạo dự trữ lên đến 10 tấn, dự kiến gạo sẽ được phát từ nay đến ngày 30/4, giúp đỡ cho hàng nghìn người nghèo, người gặp khó khăn tại Hà Nội bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Sách Thái Hà và những người bạn đưa ra ý tưởng cho ra đời cây "ATM gạo" với mong muốn không để người dân nào bị "đứt bữa" trong thời điểm dịch bệnh. Nguồn gạo do Công ty Sách Thái Hà và các nhà hảo tâm đóng góp. Ban tổ chức dự kiến mỗi ngày phát từ 2-3 tấn gạo.
Biết thông tin về chương trình, nhiều nhà hảo tâm đã cùng chia sẻ, chung tay đóng góp. Đến chiều nay, số gạo các tổ chức và người dân cùng chung tay đóng góp đã lên đến 7-8 tấn.
"Khi tôi đưa ra ý tưởng, nhiều người bạn của tôi liền hưởng ứng ngay, mong tôi triển khai càng sớm càng tốt, để giúp đỡ được nhiều người gặp khó khăn trong cuộc sống", ông Hùng cho biết thêm.
Chiếc máy "ATM gạo" được ra đời sau 48 tiếng vừa lên ý tưởng vừa thiết kế. Máy gồm 1 bồn bằng inox đựng gạo và các ống nhựa để gạo chảy xuống. Phần giữa ống có một bộ điều khiển bằng van tự động và phía dưới là pê-đan giậm chân để người dân không phải ấn bằng tay. Mỗi lần ấn pê-đan, cây "ATM gạo" sẽ chảy đúng số lượng đã được thiết kế sẵn.
Điểm phát gạo ATM này thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch, giữ khoảng cách 2m giữa mỗi người.
Ngay trong sáng 11/4, đã có hàng trăm người dân đến xếp hàng nhận gạo. Mỗi người dân đến nhận gạo đều phải đeo khẩu trang, được ghi lại thông tin, sát khuẩn tay, sau đó vào xếp hàng theo vị trí đã kẻ sẵn, đảm bảo khoảng cách 2m an toàn theo quy định phòng, chống dịch. Mỗi người dân được đến lấy một lần, mỗi lần 3kg gạo.
Bà Nguyễn Thị Thanh, người dân sống tại khu A phường Nghĩa Tân cho biết, thường ngày bà đi nhặt phế liệu, sau đó bán lại để có thu nhập. Nhưng hiện nay, do dịch bệnh, bà không ra ngoài đường để thực hiện giãn cách xã hội. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của bà.
"Gia đình tôi có 3 người, thu nhập thường không ổn định. Tôi còn phải chăm sóc chồng bị bệnh nằm một chỗ. Số gạo này sẽ giúp gia đình tôi không bị đứt bữa trong 3 ngày, cũng bớt lo lắng phần nào", bà Thanh chia sẻ.
Đến xếp hàng từ sáng, ông Phan Viết Quân, quê ở Thái Bình, lái xe Grab cũng cho biết, ông nghe được thông tin từ loa phường nên tìm đến. Ông Quân ở trọ cùng với 4 người khác, dịch bệnh cũng khiến ông bị giảm sút thu nhập.
"Số gạo này sẽ giúp chúng tôi bớt đi nỗi lo lắng và cố gắng vượt qua trong thời điểm dịch bệnh này. Rất cảm ơn tấm lòng của những người đã có ý tưởng này, vì những người nghèo như chúng tôi", ông Quân xúc động cho biết.
Khi mới hoạt động, cây "ATM gạo" này có những sai số đầu tiên, số gạo chảy ra không đúng 3kg. Nhận được sự phản ánh của người dân, những người lên ý tưởng đã kịp thời điều chỉnh và ngay sau đó, người dân đã nhận được đúng 3kg gạo.
Điểm khác biệt của cây ATM gạo này so với cây ATM gạo tại TP Hồ Chí Minh là ở số kg gạo mỗi lần người dân đến nhận lên đến 3 kg gạo.
Điều bất ngờ là khi chiếc máy "ATM gạo" vừa hoạt động, có một số người dân đã chở hàng chục cân gạo đến cùng góp với ban tổ chức để phát thêm cho bà con gặp khó khăn.
Đây là một trong những hành động đẹp, ý nghĩa, đầy ắp nghĩa tình trong đại dịch COVID-19. Những hành động, việc làm đó đang là điểm tựa cho nhiều người dân gặp khó khăn trong cuộc sống, không chỉ đóng góp một phần công sức bé nhỏ, chia sẻ cùng đồng bào, đồng loại, mà còn tạo ra hiệu ứng tích cực, nhen lên ngọn lửa yêu thương trong cộng đồng, vì mục đích: Cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận