Người dùng internet cần cẩn trọng trước những lời mời gọi kiếm tiền qua mạng
Khi người dân bị buộc phải ở nhà trước yêu cầu của công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng là thời điểm các hoat động lừa đảo bằng việc giới thiệu việc làm kiếm tiền qua mạng phát triển mạnh do tâm lý của người dùng mong muốn tạo thu nhập trong thời kỳ đại dịch.
- Cảnh giác với các tin nhắn mời chào kiếm tiền online có dấu hiệu lừa đảo
- Nhà đầu tư “vỡ trận” với app kiếm tiền Pchome
- #Stophateforprofit - Cái giá phải trả của. MXH sau nhiều năm kiếm tiền từ người dùng
Theo đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vừa đưa ra cảnh báo về hình thức lừa đảo người dùng xem video, đọc báo tin tức để kiếm tiền qua mạng. Đối tượng đã lợi dụng tâm lý muốn kiếm thêm tiền trong thời gian dịch COVID-19 lừa được không ít nạn nhân.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đặt vấn đề, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, do giãn cách xã hội nên người dân ở nhà có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn và đã tìm đến những kênh giải trí, mạng xã hội, đặc biệt là YouTube.
Dựa trên nhu cầu có thật về việc tăng lượt xem, lượt theo dõi các video nhằm mục đích quảng cáo hoặc tăng độ đánh giá của kênh YouTube, một số đối tượng lừa đảo đã nhắm đến những người tiêu dùng có thời gian rảnh rỗi và tạo cơ hội kiếm thêm thu nhập trong bối cảnh dịch bệnh kinh tế khó khăn để lừa đảo chiếm đoạt thời gian, tiền bạc của người tiêu dùng.
Nhờ đánh trúng tâm lý của người dùng gia tăng thủ nhập khiến các hành vi lừa đảo ngày càng tinh vi hơn.
Các đối tượng đăng nội dung cam kết xem 10 giây được 50 đồng; mỗi ngày được cung cấp 10 video để xem. Để sở hữu một tài khoản trên trang web này, người tiêu dùng phải chuyển 250.000 đồng để kích hoạt. Từ đó, khiến những người tham gia chủ quan, nghĩ rằng nếu có bị lừa cũng không mất quá nhiều.
Chẳng hạn chị Vũ Hoài Thu đã làm theo các hướng dẫn, chuyển tiền vào tài khoản mang tên Nguyễn Văn A và đăng nhập thành công. Theo chị Thu, "làm việc" được vài ngày thì website bị khóa hoặc mở lại nhưng không thể rút được tiền. Vì thế, chị Vũ Hoài Thu đã liên lạc với số điện thoại của admin, song thuê bao trong tình trạng không liên lạc được.
Tương tự, anh Nguyễn Trọng Đức cũng nộp 250.000 đồng vào tài khoản ngân hàng mang tên Nguyễn Văn A để "xem video kiếm tiền qua mạng", tại website videokiemtien.com. Sau khi đăng ký và tăng lượt xem nhiều ngày thì website bị khóa, hoặc mở lại nhưng không rút được tiền trong thời gian đó.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng cho biết thêm, dù số tiền ban đầu nạp vào không nhiều, nhưng với hàng nghìn người tham gia, đối tượng lừa đảo có thể thu về hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng.
Để tình trạng trên không tiếp tục diễn ra, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác với các hình thức mời chào tham gia kiếm tiền qua mạng; không nên chuyển tiền cho các đối tượng không có thông tin rõ ràng, không được cơ quan nhà nước chứng nhận và không tham gia các chương trình xem video kiếm tiền qua mạng như nêu trên.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận