Những diễn biến mới nhất về dịch virus corona ở các nước trên thế giới
Tính đến sáng 4/2, Trung Quốc đã ghi nhận gần 20.500 ca nhiễm chủng mới của virus corona (2019-nCoV), trong đó có 3.235 ca nhiễm mới và có thêm 64 ca tử vong mới, mức cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bùng phát cuối năm ngoái, nâng tổng số trường hợp tử vong tại Trung Quốc đại lục lên 425 người.
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng ra chỉ thị các doanh nghiệp công nghệ vào cuộc chống virus Corona với ứng dụng công nghệ số
- Cập nhật mới nhất về số người nhiễm virus corona và tử vong ngày 31/1
- Công thức cực dễ nhớ để phòng chống virus Corona
Khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã thông báo ca tử vong đầu tiên do nhiễm 2019-nCoV. Như vậy, dịch bệnh này đã cướp đi sinh mạng của 427 người trên thế giới, bao gồm cả 1 trường hợp tại Philippines.
Cơ quan y tế tỉnh Hồ Bắc thông báo đã phát hiện thêm 2.354 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm chủng mới của virus corona ở tỉnh này lên 13.522 người.
Trong khi đó, với 64 ca tử vong mới, tổng số ca tử vong do nhiễm 2019-nCoV tại Hồ Bắc là 414 trường hợp. Riêng tại thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc, số ca nhiễm mới được phát hiện là 1.242 người và tổng số ca tử vong là 313 người.
Quan chức thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, bà Tiêu Nhã Huy (Jiao Yahui) cho biết hầu hết các bệnh nhân nhiễm virus này chỉ biểu hiện triệu chứng nhẹ. Bà Tiêu Nhã Huy cảnh báo người dân tránh nhầm lẫn cho rằng mọi bệnh nhân đều có những triệu chứng nặng.
Tại Hong Kong, ca tử vong đầu tiên do virus 2019-nCoV là một nam giới, 39 tuổi. Người này đã tới tâm dịch - thành phố Vũ Hán ngày 21/1 và trở về Hong Kong ngày 23/1.
Bệnh nhân nhập viện ngày 31/1 với các triệu chứng đau cơ và sốt. Các nhân viên thuộc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe Hong Kong cho biết bệnh nhân đã không tới thăm khám tại các cơ sở y tế, cũng không đi tới các chợ cóc hay chợ hải sản, thậm chí không tiếp xúc với động vật hoang dã trong thời gian ủ bệnh.
Những người tiếp xúc với bệnh nhân như mẹ, vợ, con gái, con trai và một số người giúp việc gia đình hiện đã được cách ly để theo dõi. Bệnh nhân vừa tử vong là trường hợp xác nhận nhiễm virus 2019-nCoV thứ 13 tại Hong Kong và mẹ của người này là bệnh nhân thứ 15.
Ngoài Trung Quốc, Malaysia xác nhận công dân đầu tiên của mình bị nhiễm virus 2019-nCoV, nâng tổng số ca xác nhận nhiễm virus chết người này tại Malaysia lên 10 người.
Thái Lan thông báo thêm 6 trường hợp nhiễm virus 2019-n CoV, trong đó có 4 công dân nước này và 2 người Trung Quốc. Như vậy cho tới nay số người được xác nhận nhiễm virus nCoV tại Thái Lan đã tăng lên 25 người.
Singapore cũng ghi nhận thêm 6 ca nhiễm bệnh, nâng tổng số ca nhiễm virus lên 24 người. Cùng ngày 4/2, Hàn Quốc xác nhận trường hợp thứ 16 nhiễm bệnh tại nước này.
Tại châu Âu, giới chức y tế Bỉ xác nhận ca nhiễm đầu tiên là một công dân nước này hồi hương từ thành phố Vũ Hán. Trường hợp trên nằm trong số 9 công dân Bỉ trở về từ Vũ Hán hôm 2/2.
Toàn bộ 9 người này đã được xét nghiệm bổ sung tại bệnh viện quân đội Neder-Over-Heembeek ở thủ đô Brussels. 8 người còn lại cho kết quả âm tính với virus corona.
Người bị xét nghiệm dương tính vẫn khỏe mạnh và đến thời điểm này không có biểu hiện bệnh. Bệnh nhân này đã được chuyển đến viện Saint Pierre tại Brussels để điều trị.
Tiếp tục nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, nhà chức trách Trung Quốc thông báo thêm 2 thành phố Thái Châu (Taizhou) và Hàng Châu (Hangzhou) thuộc tỉnh Chiết Giang (Zhejiang), miền Đông nước này, áp dụng biện pháp hạn chế đi lại.
Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc đã cho phép các chuyên gia y tế Mỹ cùng phái bộ quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tới nước này để nghiên cứu các biện pháp kiểm soát và tiến tới xóa sổ virus 2019-nCoV.
Nhằm đảm bảo có thêm các cơ sở y tế chăm sóc người bệnh, chính quyền thành phố Vũ Hán đã bắt đầu chuyển đổi một số tòa nhà trở thành các bệnh viện dã chiến.
Các cơ sở y tế tạm thời này sẽ cung cấp thêm 3.400 giường bệnh, có chức năng điều trị khẩn cấp và xét nghiệm lâm sàng. Hàng trăm giường bệnh đã được bố trí sẵn sàng đón bệnh nhân.
Trong khi đó, chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) tuyên bố sẽ từ chối nhập cảnh tất cả công dân nước ngoài từng tới Trung Quốc đại lục trong vòng 14 ngày kể từ ngày 7/2.
Chính quyền Đài Loan mở rộng lệnh cấm hiện nay đối với du khách đến từ Trung Quốc đại lục, song không bao gồm du khách đến từ các vùng khác của Trung Quốc như Hong Kong và Macau (Trung Quốc). Khu hành chính đặc biệt Macau cũng thông báo sẽ đóng cửa tất cả các casino ở thành phố này trong 2 tuần.
Về phần mình, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo bổ sung 200 quân nhân tới sân bay quốc tế Incheon để hỗ trợ công tác kiểm dịch các khu vực nhập cảnh tại sân bay này.
Trong khi đó, báo Rodong Simmun đưa tin Triều Tiên đã cử các quan chức cấp bộ trưởng phụ trách công tác ngăn chặn 2019-nCoV mặc dù nước này hiện chưa ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh nào.
Chính phủ Ấn Độ tiếp tục siết chặt quy định về thị thực bằng cách hủy tất cả các thị thực đã được cấp cho công dân Trung Quốc cũng như người nước ngoài đã từng đến Trung Quốc trong vòng 2 tuần qua, đồng thời cấm tất cả các hãng hàng không Ấn Độ đón bất kỳ hành khách nào từ Trung Quốc.
Chính phủ Algeria cũng triển khai một loạt biện pháp cần thiết để phòng ngừa sự xâm nhập và lây lan của virus nguy hiểm này. Hãng hàng không quốc gia Air Algeria của Algeria cũng tạm dừng khai thác các chuyến bay đến Trung Quốc.
Các chuyên gia y tế nhận định động thái phòng ngừa của Algeria là hoàn toàn cần thiết vì hiện có một lượng lớn người Trung Quốc đang sinh sống và làm việc tại Algeria. Những người này trở về Trung Quốc để đón Tết nguyên đán và đang bắt đầu quay trở lại quốc gia Bắc Phi này, gây lo ngại về khả năng dịch bệnh xâm nhập.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã quyết định ngừng mọi chuyến bay từ Trung Quốc kể từ ngày 5/2 tới cuối tháng 2.
Nhằm hỗ trợ đối phó với dịch bệnh, Nga đã gửi thuốc kháng virus Triazavirin để điều trị virus 2019-nCoV tới Trung Quốc. Hiện nay, phía Trung Quốc đang thử nghiệm loại thuốc này để điều trị.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Y tế Nga, đến thời điểm này chưa có thuốc đặc hiệu chống virus 2019-nCoV. Thứ trưởng Bộ Y tế Sergey Kraevoy cho biết Chính phủ Nga đã phân bổ 1,2 tỷ ruble (hơn 15 triệu USD) cho cuộc chiến chống virus 2019-nCoV.
Theo ông, chính phủ cũng đang chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng dịch bùng phát, đảm bảo có ít nhất một nguồn cung cấp thuốc liên tục trong hai tuần đầu tiên nếu dịch xảy ra.
Liên quan đến công tác điều chế vaccine, Thứ trưởng Sergey Kraevoy cho biết vấn đề phức tạp nhất hiện nay là thiếu mẫu virus sống để thử nghiệm vaccine.
Thứ trưởng Kraevoy cho biết: “Bào chế vaccine không phải là vấn đề khó. Tuy nhiên, vấn đề phức tạp nhất hiện nay là quá trình thử nghiệm đầy đủ vaccine trên động vật nhóm nhỏ và nhóm lớn để có đánh giá cụ thể, toàn diện về khả năng tác động của vaccine đối với cơ thể người, bao gồm cả các yếu tố tiêu cực”.
Để thử nghiệm được vaccine trên động vật, cần có mẫu virus sống đã được làm yếu và “đến nay, các nhà khoa học Nga chưa có mẫu này”. Theo lãnh đạo Bộ Y tế Nga, trong trường hợp có mẫu virus sống để nghiên cứu, cũng phải mất ít nhất một năm rưỡi mới có kết quả mong đợi
Mặc dù dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định tình hình hiện nay chưa phải là "đại dịch". Người đứng đầu Bộ phận Rủi ro lây nhiễm toàn cầu của WHO, bà Sylvie Briand cho rằng "hiện chúng ta chưa rơi vào đại dịch" mà chỉ đang ở giai đoạn dịch bệnh bùng phát với nhiều ổ dịch lây lan. Cùng ngày, giới chức WHO cho biết hiện chưa có bằng chứng cho thấy virus corona biến thể, đồng thời khẳng định "đây là một chủng virus khá ổn định".
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận