Những tấm gương anh hùng, liệt sỹ hy sinh vì sự nghiệp thống nhất đất nước (Phần 2)
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do". Chiến tranh đã lùi xa nhưng hình ảnh các anh, các chị vẫn sống mãi trong lòng đất mẹ, sống mãi trong các thế hệ chúng tôi hôm nay và mai sau.
- Những tấm gương anh hùng, liệt sỹ hy sinh vì sự nghiệp thống nhất đất nước (Phần 1)
- "Nhật ký thời chiến Việt Nam": Những trang sách riêng tư nhưng mang cả tinh thần dân tộc
- Nhật ký cách ly của Châu Bùi: Ăn uống đủ chất, tự giặt quần áo, tập thể dục đều đặn
Giờ đây chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, nhưng mỗi tấc đất của quê hương đã chứa đựng tâm hồn và thể xác của các anh, để bây giờ chúng tôi, những người thanh niên Việt Nam được sống trong hòa bình, ấm no và hạnh phúc.
Chúng tôi sẽ nguyện bước tiếp con đường mà các anh đã chọn, sống, lao động và học tập thật tốt để xứng đáng với những hy sinh to lớn của các anh.
8. Nguyễn Viết Xuân
Nguyễn Viết Xuân (20/01/1933 - 18/11/1964) là một chiến sĩ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được biết đến nhiều qua khẩu hiệu "Nhằm thẳng quân thù! Bắn!" trong Chiến tranh Việt Nam. Ông sinh tại xóm Thượng, xã Ngũ Kiên, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.
Năm 7 tuổi, ông phải đi ở đợ cho gia đình địa chủ trong 10 năm. Tháng 11/1952, ông gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong Chiến tranh Đông Dương, đơn vị ông chiến đấu với không quân đối phương ở Lũng Lô.
Ngày 5/1/1955, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Sáng ngày 18/11/1964, trong trận chiến với Không quân Hoa Kỳ tại phía tây tỉnh Quảng Bình, ông bị máy bay bắn bị thương nát đùi phải, song ông yêu cầu phẫu thuật bỏ chân, tiếp tục được vào bờ công sự và chỉ huy chiến đấu, động viên cán binh bằng khẩu lệnh "Nhằm thẳng quân thù! Bắn!".
Trong đời binh nghiệp, ông từng làm trinh sát thuộc C3 Đoàn 99, kế đó là Tiểu đội trưởng trinh sát, Trung đội trưởng pháo cao xạ, rồi Chính trị viên phó đại đội pháo cao xạ.
Khi tử trận, ông mang quân hàm Thiếu úy, Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 14 pháo cao xạ, Sư đoàn 325, Quân khu 4. Hiện hài cốt của ông được an táng tại nghĩa trang xã Ngũ Kiên.
9. Tô Vĩnh Diện
Tô Vĩnh Diện(1924 - 1954) là một Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của Việt Nam. Anh hùng Tô Vĩnh Diện sinh ra ở xã Nông Trường, huyện Nông Cống (nay là huyện Triệu Sơn), tỉnh Thanh Hóa. Anh sinh trưởng trong một gia đình nghèo, lên 8 tuổi đã phải đi ở cho địa chủ, phải chịu bao cảnh áp bức bất công.
Năm 1946, anh tham gia dân quân ở địa phương. Năm 1949, anh xung phong vào bộ đội. Tháng 5 năm 1953, Quân đội ta thành lập các đơn vị pháo cao xạ để chuẩn bị đánh lớn. Tô Vĩnh Diện được điều về làm Tiểu đội trưởng pháo cao xạ, thuộc Đại đội 827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367.
Trong quá trình hành quân cơ động trên chặng đường hơn 1000 km tới vị trí tập kết để tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, anh luôn luôn gương mẫu, đảm nhiệm những công việc khó khăn nặng nề nhất. Khi bộ đội ta kéo pháo qua những chặng đường khó khăn nguy hiểm, anh xung phong giữ càng lái để bảo đảm an toàn cho khẩu pháo.
Anh nổi tiếng với giai thoại hy sinh thân mình để cứu khẩu pháo không bị lăn xuống vực trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 01/02/1954, anh Tô Vĩnh Diện đã hi sinh tại rừng Pá Có, Điện Biên. Tấm gương hy sinh vô cùng anh dũng của đồng chí Tô Vĩnh Diện đã cổ vũ mạnh mẽ toàn đơn vị vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ.
10. Bế Văn Đàn
Bế Văn Đàn (1931 - 1953), là người dân tộc Tày, quê ở xã Quang Vinh (nay là xã Triệu Ẩu), huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng. Xuất thân trong một gia đình nghèo có truyền thống cách mạng, cha làm thợ mỏ, mẹ mất sớm. Lớn lên ông tham gia hoạt động du kích.
Tháng 1 năm 1948 ông xung phong vào bộ đội giữa lúc cuộc chiến tranh Đông Dương đang quyết liệt. Ông tham gia nhiều chiến dịch, luôn nêu cao tinh thần dũng cảm, tích cực vượt qua mọi khó khăn ác liệt, kiên quyết chấp hành mọi chỉ thị mệnh lệnh nghiêm túc, chính xác kịp thời, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Bế Văn Đàn nổi tiếng với giai thoại lấy thân mình làm giá súng. Trong lúc lấy thân mình làm giá súng, đồng chí Bế Văn Đàn bị hai vết thương nữa và đã anh dũng hy sinh, hai tay vẫn còn ghì chặt súng trên vai mình.
Tấm gương hy sinh dũng cảm của đồng chí đã cổ vũ cán bộ, chiến sĩ trên toàn mặt trận hăng hái thi đua giết giặc lập công, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
Bế Văn Đàn là một người anh hùng liệt sĩ cùng hàng ngàn các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống lúc tuổi đôi mươi, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ ''nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng''.
11. Kim Đồng
Kim Đồng (1929 – 15 tháng 2 năm 1943) là bí danh của Nông Văn Dèn (một số sách báo ghi nhầm thành Nông Văn Dền), một thiếu niên người dân tộc Nùng, ở thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
Anh là người đội trưởng đầu tiên của tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Đội TNTP HCM được thành lập ngày 15 tháng 5 năm 1941. Bí danh của năm đội viên đầu tiên là: Kim Đồng, Cao Sơn, Thanh Minh, Thanh Thủy, Thủy Tiên.
Kim Đồng đã cùng đồng đội làm nhiệm vụ giao liên, đưa đón Việt Minh và chuyển thư từ. Trong một lần đi liên lạc, khi cán bộ đang có cuộc họp, anh phát hiện có quân Pháp đang tới nơi cư trú của cán bộ, Kim Đồng đã đánh lạc hướng họ để các bạn của mình đưa bộ đội về căn cứ được an toàn.
Kim Đồng chạy qua suối, quân Pháp theo không kịp liền nổ súng vào anh. Kim Đồng ngã xuống ngay bên bờ suối Lê Nin (Cao Bằng) ngày 15 tháng 2 năm 1943, khi vừa tròn 14 tuổi.
Tháng 7/1997, Kim Đồng được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
12. 10 cô gái Tiểu đội 4 ở Ngã ba Đồng Lộc
Ngã ba Đồng Lộc là di tích lịch sử gắn liền với việc 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh trong chiến tranh Việt Nam trong một trận oanh tạc của Không lực Hoa Kỳ tại nơi đây.
Ngã ba Đồng Lộc nằm trên con đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua dãy Trường Sơn ở tỉnh Hà Tĩnh, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 của Hà Tĩnh, thuộc địa phận thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc.
Đây là một trong những điểm giao thông quan trọng trong chiến tranh, cho nên quân đội Hoa Kỳ đã tập trung nhiều máy bay thả bom nhằm cắt đứt đường tiếp tế của người dân miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Nơi đây có một tiểu đội thanh niên xung phong có nhiệm vụ canh giữ giao điểm, phá bom và sửa đường thông xe khi bị bom phá.
Tiểu đội 4, Đại đội 552 (được chốt chặn đoạn từ Cầu Tối trở vào Truông Kén khoảng 2 km, đặc biệt là 300 mét từ Cầu Tối đến Trường Thành) gồm 10 cô gái trẻ, tuổi từ 17 đến 24.
Vào ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 của chị Võ Thị Tần gồm 12 người. Chị Lê Thị Hồng (Đức Lạc, Đức Thọ) được cử đi Quảng Bình lấy gỗ về làm hầm, còn chị Nguyễn Thị Thanh thì bị ốm nằm ở nhà, không ra hiện trường nên ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 chỉ có 10 người ra mặt trận và đều hy sinh. Bà Nguyễn Thị Diệu Lan (TP Hà Tĩnh), cựu thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 3 đã tham gia vào cuộc tìm kiếm thi thể 10 nữ thanh niên xung phong.
1 hầm có ba người, 1 hầm có sáu người, trong đó chị Võ Thị Tần ở hầm có sáu người. Còn thi thể chị Cúc thì các lực lượng thay phiên nhau tìm, chỉ thị là phải dùng tay đào bới chứ không dùng máy xúc để tránh gây hại cho thi thể. Đến ngày thứ 3 thì tìm được thi thể chị Cúc, các anh ở Tiểu đội 8 đã dùng tay bới đất đưa thi thể chị Cúc lên.
Nhà thơ Yến Thanh nhớ lại: một quả bom tấn từ máy bay Mỹ lao xuống nổ trùm lên căn hầm mà cả Tiểu đội ẩn nấp, lúc ấy là 16 giờ ngày 24/7/1968. Từ đài quan sát, Đại đội trưởng Nguyễn Thế Linh chạy xuống, Tiểu đội 5, Tiểu đội 8 và các anh lái máy ủi gần đó đều chạy lại.
Sau hai tiếng đồng hồ đào bới thì bới được chị Võ Thị Tần. Lần lượt bới lên 6 người ẩn nấp hầm ngoài cùng là chị Nguyễn Thị Xuân (Vĩnh Lộc), rồi đến Nguyễn Thị Nhỏ, Võ Thị Hà, Trần Thị Rạng và cuối cùng là Trần Thị Hường. Đào tiếp hầm thứ hai vuông góc với hầm lúc nãy thì tìm thấy Dương Thị Xuân, Võ Thị Hợi và Hà Thị Xanh.
Cả chín người được đặt lên 9 cáng xếp một hàng ngang như khi còn sống Tiểu đội tập hợp. Riêng chị Hồ Thị Cúc - Tiểu đội phó không tìm thấy. Đêm 24/7, 9 cô được mai táng sau eo núi Bãi Dịa, nhưng phải đợi tìm được thi thể chị Cúc mới làm lễ truy điệu.
Đến gần 10h ngày 26/7 thì Tiểu đội 8 đã tìm được thi thể chị Cúc. Chị Cúc ngồi trong chiếc hố cá nhân chiều hôm trước do tay chị đào, đầu đội mũ, vai vác cuốc, hai tay chị bầm dập, máu đọng lại đã khô.
Có lẽ sau khi bom vùi lấp, chị đã cố gắng để nhoi lên nhưng đành bất lực trước khối đất đè lên mình.
13. Nguyễn Thái Bình
Nguyễn Thái Bình (1948 - 1972) sinh ra tại Trường Bình, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, là con thứ hai trong 9 người con của bà Lê Thị Anh và ông Nguyễn Văn Hai, Nguyễn Thái Bình là một sinh viên phản chiến người Việt du học tại Mỹ.
Trong chuyến bay về nước, sau khi khống chế một chiếc máy bay để thể hiện sự phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Ông bị một viên cảnh sát Mỹ bắn chết tại sân bay Tân Sơn Nhất. Sau cái chết, Nguyễn Thái Bình trở thành một biểu tượng cho phong trào phản chiến của sinh viên miền Nam Việt Nam vào thập niên 1970.
Ngày 4/7/1972, hay tin Nguyễn Thái Bình bị sát hại, các bạn học của anh đã tưởng niệm anh tại Đại học Washington. Một số tổ chức sinh viên Việt kiều cũng tổ chức các cuộc tưởng niệm anh.
Hội sinh viên Việt Nam tại Mỹ đã họp báo tại San Francisco công bố hai lá thư ngỏ của anh gửi cho Tổng thống Mỹ Nixon và gửi cho nhân dân yêu chuộng hòa bình công lý trên thế giới. Dưới áp lực của những người yêu chuộng hòa bình, chính phủ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã phải trả tự do cho gia đình anh những ngày sau đó.
Tại Mỹ, 20 năm sau ngày Nguyễn Thái Bình bị bắn chết, các bạn học của ông tại Đại học Washington vẫn họp mặt và tổ chức một buổi lễ tưởng niệm. Hiện nay tại Việt Nam, Nguyễn Thái Bình được truyền thông nhà nước coi như một hình tượng đấu tranh chống Mỹ.
Có một số trường được đặt tên theo Nguyễn Thái Bình và một quỹ học bổng dành cho học sinh nghèo học giỏi ở Việt Nam cũng được đặt tên theo ông. Tại thành phố Hồ Chí Minh, có một phường mang tên ông (tại Q.1) và tên anh cũng được đặt cho những con đường tại quận 1, quận Tân Bình và các trường THCS, THPT tại huyện Bình Chánh, quận Tân Bình.
Tại thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) có con đường mang tên Nguyễn Thái Bình ở phường Nam Lý (nối đường Hoàng Việt với đường Võ Thị Sáu). Tại thành phố Hạ Long tên ông được đặt cho một phố tại phường Hồng Hà.
Ngôi trường ông theo học thời tiểu học tại Cần Giuộc (Long An) nay mang tên anh - Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình. Tại Cà Mau, có một trường trung học cơ sở mang tên ông - Trường Trung học cơ sở Nguyễn Thái Bình.
Ngày 30/4/2010, ông được Nhà nước Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.
14. Trần Can
Trần Can (1931 - 1954) quê ở xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Trần Can là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, một quân nhân của quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong trận đánh đồi Him Lam mở đầu cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Trần Can được giao nhiệm vụ chỉ huy tiểu đội thọc sâu diệt sở chỉ huy và cắm lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Hồ Chủ tịch giao cho quân đội lên đồn giặc.
Khi nổ súng, mặc cho hỏa lực địch bắn ra dữ dội, anh dẫn đầu tiểu đội vượt qua lô cốt tiền duyên, chọc thẳng vào sở chỉ huy như một mũi dao nhọn cắm vào giữa tim gan địch, rồi nhảy lên lô cốt cắm cờ.
Sau đó, chỉ huy tiểu đội diệt bọn địch còn lại trong hầm ngầm,bắt được 25 quân địch và nhiều khẩu súng. Ngay sau khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, Trần Can đã hy sinh anh dũng sáng ngày 7/5/1954. Trần Can được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng ba, 2 Huân chương Chiến công hạng nhất, 2 lần được bầu là chiến sỹ thi đua của đại đoàn.
Ngày 7/5/1956, Trần Can được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà truy tặng Huân chương Quân công hạng nhì và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
Huân chương Quân công (hạng Nhì, hạng Ba) và 2 Huân chương Chiến công hạng nhất. Tiếp đó Trần Can được bầu 2 lần là chiến sĩ thi đua của đại đoàn và được truy tặng là Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.
Hiện ở thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên có một con đường và một trường học mang tên ông.
15. Phan Đình Giót
Phan Đình Giót (1922 - 1954) sinh ở làng Vĩnh Yên, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Là một trong 16 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân được tuyên dương vì thành tích trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Phan Đình Giót giữ chức Tiểu đội phó bộ binh Đại đội 58, tiểu đoàn 428, Trung đoàn 312, và là đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam. Khi cách mạng tháng 8 thành công anh tham gia vào chiến đấu tự vệ, anh xung xong nhập ngũ năm 1950.
Năm 1953, đơn vị được lệnh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Lực lượng hành quân gần 500 người, vượt qua nhiều đèo dốc, mang vác nặng nhưng ông vẫn kiên trì, giúp đồng đội về tới đích.
Chiều ngày 13/3/1954, đơn vị của ông nổ súng tiêu diệt Him Lam. Bộ đội đại đội 58 lao lên mở đường, đã liên tiếp đánh đến quả bộc phá thứ tám. Phan Đình Giót đánh quả thứ chín thì bị thương vào đùi nhưng vẫn xung phong đánh tiếp quả thứ mười.
Sau đó, Phan Đình Giót đánh liên tiếp hai quả bộc phá nữa, phá hàng rào cuối cùng, mở thông đường để quân đội lên đánh lô cốt đầu cầu. Bất ngờ, hỏa điểm lô cốt số 3 của lính Pháp bắn mạnh.
Lực lượng xung kích Việt Nam bị ùn lại, Phan Đình Giót đến lô cốt số 3 với ý nghĩ là dập tắt ngay lô cốt này. Phan Đình Giót đã dùng sức (khi đã bị thương, mất máu) nâng tiểu liên bắn vào lỗ châu mai, miệng hô to: " Quyết hy sinh… vì Đảng… vì dân ". Rồi sau đó, Phan Đình Giót lao cả thân mình vào bịt kín lỗ châu mai.
Hỏa điểm bị dập tắt, quân Việt Nam tiếp tục xung phong tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam vào ngày 13 tháng 3 năm 1954, giành thắng lợi trong trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Phan Đình Giót là một trong 16 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân được tuyên dương thành tích trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tổng kết: Ăn quả phải nhớ người trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống đạo lý nhân ái có từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp này đã và đang được nhân dân ta phát huy từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương tiêu biểu nhất.
Thế hệ trẻ chúng ta hôm nay có quyền tự hào về thế hệ cha anh đi trước. Chúng ta hãy noi gương các anh hùng liệt sỹ – những người đã hiến trọn đời mình cho tổ quốc, bằng những hành động cụ thể hãy cống hiến hết sức mình cho tổ quốc, xây dựng đất nước ta "ngày càng to đẹp hơn" sánh vai với các cường quốc trên thế giới như lời chủ tịch hồ chí minh đã căn dặn.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận