Phục hồi kinh tế sau đại dịch: Kinh nghiệm của Trung Quốc
Khi hầu hết quốc gia vẫn phải vật lộn với đại dịch Covid-19, Trung Quốc một lần nữa cho thấy kinh tế có thể phục hồi nhanh chóng khi dịch được kiểm soát chặt chẽ nhờ đó mà nền kinh tế nước này đã tăng trưởng trở lại với tốc độ khoảng 6% mức tương đương với thời điểm trước dịch.
- Anh quyết mở cửa tự do để phục hồi kinh tế
- "Hộ chiếu vaccine" - Hướng tới mục tiêu kép trong phát triển nền kinh tế
- Năm 2021: Giá vận chuyển đường biển tăng vọt khiến kinh tế toàn cầu nhiều biến động
Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng 4,9% trong quý III so với cùng kỳ năm ngoái. Hiệu suất mạnh mẽ đưa Trung Quốc gần như trở lại với tốc độ tăng trưởng khoảng 6% từng đạt được trước đại dịch.
Dẫn đầu phục hồi
Nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đã nhanh chóng thoát khỏi vực sâu của suy thoái, nhưng Trung Quốc là nước đầu tiên báo cáo mức tăng trưởng vượt bậc đáng kể. Mỹ và các quốc gia khác dù cũng dự kiến báo cáo mức tăng đột biến trong quý III, nhưng vẫn thấp hơn hoặc chỉ ngang bằng mức trước đại dịch.
Sự vượt trội của Trung Quốc có thể mạnh hơn trong những tháng tới, sau khi xuất khẩu trong tháng 8 bất ngờ tăng 25,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng mạnh so với mức tăng 19,3% trong tháng 7.
Các công ty Trung Quốc đang chiếm tỷ trọng lớn hơn trong xuất khẩu của thế giới, sản xuất đồ điện tử tiêu dùng, thiết bị bảo vệ cá nhân và các hàng hóa khác có nhu cầu cao trong thời kỳ đại dịch.
Đồng thời, Trung Quốc hiện đang mua nhiều quặng sắt hơn từ Brazil, nhiều bắp và thịt heo từ Mỹ và nhiều dầu cọ hơn từ Malaysia. Điều đó đã phần nào đảo ngược sự sụt giảm của giá hàng hóa, làm giảm bớt tác động của đại dịch đối với một số ngành công nghiệp.
Tuy nhiên, sự phục hồi của Trung Quốc ít giúp ích cho phần còn lại của thế giới hơn so với trước đây, vì nhập khẩu của nước này không tăng nhiều như xuất khẩu. Mô hình này đã tạo ra việc làm ở Trung Quốc nhưng lại cản trở tăng trưởng ở những nơi khác.
Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc trong nhiều tháng cũng phụ thuộc các khoản đầu tư khổng lồ vào đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc và các cơ sở hạ tầng khác. Tiêu dùng nội địa bắt đầu phục hồi kể từ tháng 7.
Những người giàu có và sống ở các tỉnh ven biển thuận tiện xuất khẩu đã bắt đầu tiêu tiền trở lại. George Zhong, một cư dân ở Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, miền Tây Trung Quốc, cho biết anh đã thực hiện các chuyến du lịch đến 3 tỉnh trong 2 tháng qua và tích cực mua sắm khi về nhà.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong 3 tháng tính đến tháng 7-2021 thấp hơn một chút so với dự báo của các nhà kinh tế là 5,2% so với 5,5%. Nhưng hiệu suất vẫn đủ mạnh để các thị trường chứng khoán ở Thượng Hải, Thâm Quyến và Hồng Kông tăng điểm.
Sự phục hồi ngày càng rộng của đất nước cũng có thể được nhìn thấy trong số liệu thống kê kinh tế tháng 9, với doanh số bán lẻ tăng 3,3% vào tháng 6 so với năm trước, trong khi sản xuất công nghiệp tăng 6,9%.
Rủi ro đi kèm?
Sự phục hồi của Trung Quốc cũng đi kèm với một số điểm yếu, đặc biệt là tổng nợ đã tăng vọt trong năm nay lên 1/3 GDP. Phần lớn khoản nợ tăng thêm do chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước vay để trả cho cơ sở hạ tầng mới, hoặc các hộ gia đình và công ty thế chấp để trả cho các căn hộ và tòa nhà mới.
Chính phủ nhận thức được nguy cơ khi để nợ chồng chất nhanh chóng, nhưng việc kiềm chế tín dụng mới sẽ làm tổn hại đến hoạt động bất động sản, lĩnh vực đại diện cho 1/4 nền kinh tế.
Một rủi ro khác đối với sự phục hồi của Trung Quốc là phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Sự gia tăng xuất khẩu trong 3 tháng qua, cùng với giá nhập khẩu hàng hóa giảm, đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế. Xuất khẩu vẫn chiếm hơn 17% nền kinh tế Trung Quốc, cao hơn gấp đôi so với tỷ trọng trong nền kinh tế Mỹ.
Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc nhận ra rằng hàng hóa xuất khẩu của nước này ngày càng dễ bị ảnh hưởng bởi những căng thẳng địa chính trị, bao gồm các động thái của Washington. Sự thay đổi của nhu cầu toàn cầu cũng có thể đe dọa xuất khẩu, khi đại dịch tấn công các nền kinh tế nước ngoài.
Vì vậy, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày càng nhấn mạnh khả năng tự lực, một chiến lược kêu gọi mở rộng các ngành dịch vụ và đổi mới trong sản xuất, cũng như cho phép người dân chi tiêu nhiều hơn.
Qiu Baoxing, Cố vấn nội các, cựu Thứ trưởng Bộ Nhà ở, cho biết: “Chúng ta cần lấy người tiêu dùng làm trụ cột chính. Bằng cách tập trung vào lưu thông trong nước, chúng ta đang thực sự nâng cao khả năng phục hồi của chính mình".
Nhưng trong hoàn cảnh bình thường, hầu hết người dân buộc phải tiết kiệm cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe và nghỉ hưu vì mạng lưới an sinh xã hội yếu kém. Suy thoái kinh tế và đại dịch đồng nghĩa với mất việc, càng làm phức tạp thêm vấn đề, đặc biệt đối với những người có thu nhập thấp và cư dân nông thôn.
Cách tiếp cận của Bắc Kinh trong việc giúp đỡ người dân trong thời kỳ suy thoái là cung cấp cho các công ty các khoản giảm thuế, khoản vay lớn từ các ngân hàng quốc doanh, để doanh nghiệp không phải sa thải công nhân. Nhưng một số nhà kinh tế cho rằng Bắc Kinh nên phát phiếu giảm giá hoặc séc để hỗ trợ trực tiếp cho những người nghèo hơn.
Hàng triệu công nhân nhập cư Trung Quốc đã phải chịu ít nhất 1 hoặc 2 tháng thất nghiệp do các nhà máy chậm mở cửa trở lại sau đại dịch. Những người trẻ Trung Quốc phải dành dụm tiền tiết kiệm để đủ mua thức ăn hoặc làm công việc thứ hai để bù đắp cho mức lương bị cắt giảm.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế của chính phủ đang cảnh giác với việc cung cấp các khoản thanh toán trực tiếp cho người tiêu dùng. Họ nói các ưu tiên của chính phủ là tăng trưởng dựa trên đầu tư và các biện pháp để cải thiện năng suất và chất lượng cuộc sống.
Bài học nào cho thế giới?
Các chính phủ phương Tây đã thử nghiệm cung cấp chi phiếu thất nghiệp cực lớn, thanh toán một lần, thậm chí trợ cấp các bữa ăn tại nhà hàng. Các khoản thanh toán này nhằm giúp các gia đình duy trì mức sống tối thiểu trong suốt đại dịch, và điều này đã thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu hàng Trung Quốc.
Việc mở rộng thặng dư thương mại, trong đó mức tăng xuất khẩu vượt mức tăng nhập khẩu, đại diện cho 0,6% của mức tăng trưởng kinh tế 4,9. Phần còn lại là tiêu dùng và đầu tư vào Trung Quốc.
"Nhìn chung, nền kinh tế Trung Quốc chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu trong nước" - Liu Aihua, phát ngôn viên của Cục Thống kê Quốc gia, cho biết tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh.
Nhưng Michael Pettis, giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh, nói khi người dân ở các quốc gia khác được trợ cấp của chính phủ tiếp tục chuyển sang Trung Quốc để mua các sản phẩm trong thời kỳ đại dịch, sẽ chứng kiến sự bùng nổ xung đột thương mại, không chỉ Mỹ-Trung Quốc mà còn trên toàn cầu.
Vấn đề các nền kinh tế tập trung vào người tiêu dùng như Mỹ và Anh, nơi tiêu dùng tư nhân thường chiếm hơn 60% GDP, phải đối mặt là các nỗ lực tái cơ cấu đang hút một lượng lớn nguồn lực của chính phủ thông qua cắt giảm thuế, chi tiền mặt và chi trả phúc lợi.
Thâm hụt ngân sách chồng chất đang khiến các khoản nợ chính phủ tăng cao. Việc các ngân hàng trung ương lớn tăng cường vay nợ công và thâm hụt tiền tệ liên quan cũng làm tăng thêm lo ngại cho thị trường về rủi ro lạm phát tiềm ẩn và mối đe dọa dài hạn đối với sự ổn định tài chính toàn cầu.
Ngược lại, ở Trung Quốc, nơi tiêu dùng tư nhân đóng vai trò nhỏ hơn, chiếm khoảng 39% GDP, Bắc Kinh dễ dàng thu hút nguồn lực hơn với các khoản đầu tư cẩn thận vào các lĩnh vực chiến lược của nền kinh tế.
Trong khi đó, Mỹ và châu Âu phụ thuộc quá nhiều vào các gói kích thích để xoay chuyển tình thế, ít hiệu quả hơn. Điều cần thiết là thúc đẩy đầu tư lớn vào các lĩnh vực chính như giao thông, cơ sở hạ tầng, viễn thông, y tế và giáo dục để thúc đẩy việc làm, năng suất và tăng trưởng trong dài hạn. Một Thỏa thuận mới chống suy thoái là cần thiết cho Mỹ và châu Âu.
Theo Sài Gòn đầu tư tài chính
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận