Chữ ký số - Chìa khóa xây dựng chính quyền điện tử
Trong quá trình chuyển đổi số quốc gia đang được đẩy mạnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động của các cơ quan nhà nước là hết sức cấp thiết. Chữ ký số (CKS) chính là một trong những công cụ then chốt, giúp cải cách bộ máy hành chính, xây dựng chính quyền điện tử hiện đại, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Chữ ký số có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình cải cách thủ tục hành chính (TTHC), phát triển chính quyền điện tử (CQĐT). Việc triển khai CKS không chỉ giúp các cơ quan nhà nước tiết kiệm nguồn lực nhân lực, đồng thời đem lại sự thuận tiện cho hoạt động gửi nhận văn bản điện tử.
Nó cũng giúp nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong các hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, CKS còn tạo lập môi trường làm việc chuyên nghiệp, minh bạch hơn giữa các cán bộ trong cơ quan.
Đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số để xây dựng CQĐT
Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong điều hành, quản lý, xây dựng CQĐT, Hà Nội đang có nhiều quyết định quan trọng, trong đó có việc triển khai CKS chuyên dùng rộng rãi trong các cơ quan hành chính.
Văn bản mới nhất thể hiện quyết tâm của Hà Nội là Công văn số 3247 ngày 22/10/2022 về việc thực hiện Đề án 06, với mục tiêu đến hết 2022, 100% công dân được cấp CKS.
Thứ thưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu tạo lễ khai trương gian hàng cấp miễn phí chữ ký số cho cộng đồng.
Theo đó, UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan như Công an TP đảm nhiệm cấp định danh điện tử, tài khoản VneID cho người dân với mục tiêu 100% công dân được cấp định danh điện tử, cài đặt ứng dụng VneID; 100% công dân được cấp chữ ký số. Bên cạnh đó, việc tái cấu trúc TTHC, xây dựng các cơ sở dữ liệu cho y tế, đất đai... cũng đang được khẩn trương triển khai.
Tại TP.Hà Nội, với chữ ký số trong tay, người dân có thể dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến thông qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP.Hà Nội (https://dichvucong.hanoi.gov.vn/congdan/). Các thủ tục như: đăng ký khai sinh, khai tử; đăng ký kết hôn; đăng ký thành lập doanh nghiệp; thay đổi, cải chính, bổ sung thông tin hộ tịch… đều được thực hiện dễ dàng và nhanh chóng, đảm bảo toàn vẹn tính pháp lý khi người dân kích hoạt chữ ký số.
Ông Lâm Đình Thắng , Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, theo kế hoạch triển khai Chương trình chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh năm 2023, UBND TP.HCM chỉ đạo phải đạt 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện sẽ cung cấp dưới dạng trực tuyến. Để vận hành được dịch vụ công trực tuyến, việc số hóa và ứng dụng chữ ký số để pháp lý hóa hồ sơ số của người dân, kết quả xử lý thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước là yêu cầu bắt buộc.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM Lâm Đình Thắng
“Nhờ các hoạt động chuyển đổi số nói chung và các hoạt động triển khai chữ ký số sắp tới sẽ giúp đưa chữ ký số đến gần với người dân hơn, hồ sơ được số hóa nhiều hơn, thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến tốt hơn; từ đó, giảm thời gian và chi phí cho chính quyền và nhân dân, giúp cho quá trình chuyển đổi số của Thành phố nhanh hơn”, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM khẳng định.
Từ thực tiễn triển khai ứng dụng CKS, chúng ta có thể thấy những lợi ích mang lại cho cả người dân, doanh nghiệp và chính quyền như sau:
Về phía người dân và doanh nghiệp
Tiết kiệm thời gian, chi phí khi thực hiện các TTHC trên môi trường mạng mà không cần đến cơ quan hành chính.
Tăng tính tiện lợi, dễ dàng thực hiện các giao dịch trực tuyến mà không bị giới hạn về địa điểm, thời gian.
CKS đảm bảo tính bảo mật, xác thực thông tin cá nhân, hạn chế rủi ro lộ lọt dữ liệu.
Đối với cơ quan chính quyền
Giảm áp lực cho bộ máy hành chính do không phải tiếp nhận, xử lý hồ sơ giấy.
Quản lý, theo dõi tiến độ công việc dễ dàng hơn nhờ quy trình điện tử.
Tăng cường tính công khai, minh bạch trong giải quyết các thủ tục hành chính.
CKS khẳng định nhân thân và trách nhiệm của người ký, tránh tình trạng làm thay, ký thay trong giải quyết công việc.
Quang cảnh Hội nghị giao ban quý I năm 2023 của các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.
CKS - Chìa khóa vàng xây dựng chính quyền điện tử
Tại Hội nghị giao ban quý I năm 2023 của các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng (CA) tháng 3/2023, tại Hà Nội do Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) - Bộ TT&TT tổ chức. Ông Thái Bá Thắng, NEAC, cho biết sự phát triển thương mại điện tử, nhu cầu xác thực và kiểm tra giao dịch trên môi trường Internet đang trở thành một việc cấp thiết cũng như đóng vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp CĐS của quốc gia. Sự phát triển đó đặt ra cho DVCTT những thay đổi cần thiết đó là tích hợp CKS vào DVC.
Theo NEAC, các công việc cụ thể cần được CA công cộng triển khai là thúc đẩy các tỉnh/thành nâng cấp hệ thống thông tin một cửa điện tử tích hợp dịch vụ công (DVC) trực tuyến (DVCTT) đạt mức toàn trình; tích hợp hợp giải pháp ký số, đặc biệt là giải pháp ký số từ xa vào Cổng DVC các tỉnh; xây dựng các quy chế và hướng dẫn sử dụng CKS để ban hành rộng rãi trên địa bàn địa phương.
Như vậy, có thể thấy CKS thực sự đóng vai trò then chốt trong việc hiện đại hóa nền hành chính công. Nó giúp tiết kiệm nguồn lực, cắt giảm thủ tục rườm rà, đồng thời mang đến sự thuận tiện cho người dân.
Để hoàn thành mục tiêu xây dựng CQĐT thành công, các địa phương cần tập trung nguồn lực đầu tư cho việc triển khai ứng dụng CKS trong cơ quan nhà nước. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức và trình độ số hóa cho cán bộ, công chức cũng đóng vai trò quyết định.
Nếu khai thác và phát huy hiệu quả, CKS sẽ thực sự là chìa khóa vàng giúp các địa phương nhanh chóng xây dựng nền hành chính hiện đại, phục vụ nhân dân một cách tốt nhất.
Tích hợp CKS lên Cổng DVC, năm 2019, Bộ TT&TT có ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BTTTT ngày 31/12/2019 quy định về tiêu chí, chức năng kỹ thuật của Cổng DVC và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh. Thông tư hiện đang được Cục CĐS Quốc gia nghiên cứu sửa đổi, theo đó, các DN nghiên cứu, đóng góp ý kiến để thực hiện việc tích hợp CKS lên Cổng DVC.
Theo thống kê của Bộ TT-TT, tính đến tháng 12.2022, cả nước có 23 tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng (CA công cộng), trong đó VNPT-CA và Viettel-CA tiếp tục phát triển và duy trì thị phần lớn nhất, chiếm hơn 54% thị trường, tiếp theo là các CA khác. 100% CA công cộng đều triển khai kinh doanh thông qua hệ thống đại lý song song với bán hàng trực tiếp.
Tổng số chứng thư số đang hoạt động đạt 1.959.792 chứng thư số, trong đó 1.555.264 chứng thư số DN, tổ chức và 404.528 chứng thư số cá nhân. Chứng thư số cá nhân tăng dần từ 7,27% năm 2018 đến 17,86% năm 2022 thể hiện nhu cầu sử dụng chứng thư số của cá nhân và cá nhân trong tổ chức đang tăng dần trong giai đoạn vừa qua.
Bà Tô Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) - Bộ TT&TT cho biết mục tiêu, nhiệm vụ được Bộ TT&TT đặt ra cho NEAC và cộng đồng các CA là phát triển CKS cá nhân, tới cuối năm 2023 đạt 10 - 20 triệu thuê bao.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí Điện tử và Ứng dụng số 06 tháng 12/2023).
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng