Bỏ giới hạn giá vé - Hành khách sẽ được trải nghiệm dịch vụ tương xứng với giá trị
Để dỡ bỏ các hạn chế đối với thị trường vận tải hàng không để các nhà khai thác bay có thể cải thiện dịch vụ cũng như tạo động lực cho các đơn vị này phát triển trong thời gian tới khi dịch COVID-19 được kiểm soát, nhà chức trách hàng không đã đề xuất bỏ trần giới hạn giá vé để vận hành thị trường theo quy luật cung - cầu.
- COVID-19 khiến giá vé máy bay giảm mạnh
- Giá vé trận Việt Nam - Thái Lan bị thổi "trên trời" có khiến người hâm mộ quay lưng
- Huế giảm giá 50% giá vé di tích để kích cầu du lịch
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, việc áp dụng trần giá vé sẽ hạn chế việc nâng cao chất lượng dịch vụ, bởi hiện nay có nhiều đối tượng hành khách có nhu cầu sẵn sàng chi trả cao hơn mức giá trần để sử dụng dịch vụ hàng không tương xứng.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia hàng không cũng cho rằng việc bỏ trần giá vé máy bay sẽ giúp thị trường vận hành theo quy luật cung - cầu, giúp các hãng hàng không linh hoạt hơn trong điều chỉnh giá vé giai đoạn cao điểm, tối ưu hóa nguồn thu.
Còn theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), dịch vụ vận chuyển hàng không cũng như các loại hình vận tải khác là loại “hàng hóa, dịch vụ theo mùa vụ”. Tùy nhu cầu đi lại của khách, có mùa cao điểm, mùa thấp điểm.
Bỏ giới hạn trần giá vé máy bay sẽ giúp các hãng hàng không gỡ bỏ được nút thắt hạn chế lâu nay để mang đến trải nghiệm hoàn toàn khác trên mỗi hành trình bay đối với hành khách.
Đồng thời, chuyến bay có giờ bay phù hợp sẽ được nhiều hành khách mua vé, thậm chí sẵn sàng trả giá cao để mua được vé sát giờ bay, điều kiện linh hoạt, chất lượng dịch vụ cao theo nhu cầu của khách. Ngược lại, những chuyến bay muộn, bay ban đêm thường ít hành khách.
Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, khung giá vé máy bay nội địa hạng phổ thông cơ bản được ban hành từ năm 2015, áp dụng cho 5 nhóm đường bay, với mức giá vé từ 1.600.000 – 3.750.000 đồng/vé/chiều (tùy cự ly), chưa bao gồm các khoản phí và phụ thu khác.
Các quy định của Luật Hàng không dân dụng 2006, Luật Hàng không dân dụng sửa đổi 2014, với đường bay nội địa có từ 3 hãng hàng không tham gia khai thác, hãng hàng không sẽ được quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa và thực hiện niêm yết giá theo quy định.
Với đường bay nội địa có sự tham gia khai thác của dưới 3 hãng bay, hãng hàng không sẽ được quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản không vượt mức tối đa (trần giá vé) và thực hiện kê khai giá theo quy định của Bộ GTVT.
Với các quy định hiện hành, vé máy bay nội địa hạng phổ thông đang được Nhà nước quy định giá trần theo cự ly từng đường bay. Căn cứ vào đó, các hãng hàng không xây dựng dải giá với nhiều mức (thông thường có từ 10 - 15 mức), tương ứng với các điều kiện, giai đoạn khai thác khác nhau.
Hiện nay, Việt Nam có 6 hãng hàng không là Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco, Vietjet Air, Bamboo Airways và Vietravel Airlines. Nhiều hãng bay tham gia thị trường nội địa nên tính cạnh tranh rất cao.
Thời gian qua các hãng hàng không đã đề xuất điều chỉnh giá vé cho phù hợp thực tiễn khai thác và giá nhiên liệu bay, tuy nhiên, theo chỉ đạo Chính phủ về bình ổn giá, Bộ GTVT vẫn giữ nguyên khung giá tối đa đã ban hành.
Trước đó, Vietnam Airlines đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng đề xuất nâng trần giá vé máy bay. Hãng đề xuất giữ nguyên giá trần của các đường bay dưới 500 km, hiện là 1.600.000 – 1.700.000 đồng.
Với các đường bay từ 500 km đến dưới 850 km, hãng muốn nâng trần giá vé lên 2.250.000 đồng (tăng 50.000 đồng), các đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km tăng lên 2.890.000 đồng (tăng 100.000 đồng), các đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km lên 3.400.000 đồng (tăng 200.000 đồng) và các đường bay trên 1.280 km lên mức 4.000.000 đồng (tăng 250.000 đồng).
Bên cạnh việc đề xuất nâng trần giá vé, hãng cũng đề xuất áp sàn giá vé máy bay, loại bỏ những loại vé siêu rẻ, vé 0 đồng.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận