Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: DNNN tăng trưởng 10% sẽ tạo ra thêm 3% GDP
Khi DN hoạt động hiệu quả, giải phóng các nguồn lực đang nắm giữ sẽ tạo ra sự tăng trưởng rất lớn cho đất nước.
Đánh giá cao kết quả hoạt động của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước sau hơn 1 năm chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ngày 16/1, Ủy Viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, 19 Tập đoàn, Tổng công ty vẫn duy trì được sự ổn định và có sự tăng trưởng đảm bảo đời sống CBCNV, đóng góp tới 16% ngân sách quốc gia, đó là một sự nỗ lực rất lớn.
Nhấn mạnh mục tiêu cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chính là việc làm cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, DNNN hiện nay vẫn là coi trọng việc quản trị nhiều hơn là việc sở hữu. Vì thế, bên cạnh cổ phần hóa cần tập trung nhanh chóng đổi mới cơ chế quản lý DNNN, nhất là khi cổ phần hóa, thoái vốn còn là một lộ trình phụ thuộc nhiều vào khả năng hấp thụ của thị trường nên không thể quá nhanh, nhưng đổi mới cơ chế quản lý lại có thể làm nhanh và hiệu quả cũng đến nhanh hơn.
Ủy Viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại phát biểu tại Hội nghị.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận, việc giải phóng nguồn lực của DNNN sẽ tạo ra sự tăng trưởng cho nền kinh tế của đất nước. Khi hiện nay, DNNN đang nắm giữ đến gần 30% nguồn lực của nền kinh tế kể cả về công nghệ, trình độ quản lý, nguồn nhân lực được đào tạo tốt, thực hiện tốt các nghĩa vụ thuế với nhà nước nhưng chỉ số ICOR vẫn thấp hơn nhiều nền kinh tế khác tới gần 2 lần.
"Nếu đổi mới cơ chế quản lý làm cho DN hoạt động hiệu quả hơn, giải phóng các nguồn lực mà DNNN đang nắm giữ sẽ tạo ra sự tăng trưởng rất lớn cho đất nước. Các DNNN tăng trưởng thêm 10% sẽ tạo ra thêm 3% tăng trưởng GDP, Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp phát triển trước năm 2045", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng quả quyết.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cần thay đổi cách quản lý nhà nước đối với DNNN, cụ thể là việc chuyển từ quản lý cách làm sang quản lý mục tiêu. Bởi quy trình quản lý nhà nước hiện nay vẫn tập trung vào quản lý cách làm nên đang "trói tay trói chân" DN, làm phình to bộ máy quản lý. Nhất là khi nhà nước yêu cầu DNNN không được rủi ro, phải "trăm trận trăm thắng" và chỉ cần 1 trận thua là DN có tội.
"Quản lý như vậy làm mất đi tính sáng tạo, mất tinh thần khởi nghiệp, làm nhụt chí và mất sức mạnh của cạnh tranh của DNNN. Thường các DN tự đề xuất các mục tiêu, kế hoạch ở mức trung bình không thách thức, nên giao cho DN những mục tiêu cao. Chỉ khi có mục tiêu cao, nhiệm vụ và thách thức lớn khi đó sẽ xuất hiện người tài, không còn có cơ hội cho những người có trình độ trung bình", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ.
Đối với cơ chế, chính sách lương cho DNNN, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất cần có tính cạnh tranh theo thị trường, tạo động lực vật chất bằng cách lấy một phần lợi nhuận của DN thưởng cho công tác quản lý. Đây chính là cách cổ phần hóa mà người lao động và Nhà nước gắn kết chặt chẽ với nhau, người lao động có động lực như người chủ DN. Nhà nước không can thiệp vào việc trả lương của DN, DN sẽ căn cứ theo mặt bằng thị trường để trả lương, DN có thể trả lương thật cao để thu hút nhân tài.
"Cởi trói" nhưng cần biết DN làm gì
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề xuất, nên chia các DNNN làm 3 loại và có 3 cách quản lý khác nhau. Loại 1 là các DN công ích sẽ giao cho địa phương quản lý; loại 2 là các DN với mục tiêu chính mang lại hiệu quả tài chính, đảm bảo tỷ suất lợi nhuận trên vốn; loại 3 là một số ít các DN lớn, quan trọng Nhà nước cần nắm chắc để thực hiện các chiến lược đột phá quốc gia, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế và có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Các DN này có thể cần đến Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo và quản lý thông qua Ủy ban quản lý vốn, giám sát chiến lược của DN. Nếu DN làm sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, không nên để các cấp liên đới nhiều. Nếu cứ để DN có các cấp liên đới, DN sẽ quản lý rất chặt, rất sâu theo hướng an toàn hoặc rất chậm.
Và để giám sát và kiểm tra DNNN, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gợi ý đến việc thực hiện theo nguyên tắc "thả ra nhưng phải nhìn thấy". Thời gian qua đã xảy ra những vụ việc làm thất thoát lớn tài sản nhà nước, khi nhà nước đã bỏ qua một công cụ quản lý rất quan trọng là công nghệ nhằm đo lường, giám sát và cảnh báo, phát hiện DN tiêu cực sớm.
"Cách quản lý như lâu nay dẫn đến những sự việc đã quá nặng rồi mới phát hiện xử lý nên hậu quả rất nặng nề, vừa mất tài sản vừa mất cán bộ quản lý. Trong khi ứng dụng CNTT sẽ là một giải pháp rất hiệu quả để công khai minh bạch, đánh giá phân tích, dự báo sớm sức khỏe của DN. Khi đã có hệ thống giám sát tốt thì nên tạo điều kiện nhiều hơn để cho DNNN năng động hơn", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Đặc biệt, năm 2020 là năm chuyển đổi số Quốc gia, các DN và nhất là các DNNN phải đi đầu về chuyển đổi số chuyển đổi số nhằm thay đổi cách quản trị và mô hình kinh doanh của DN. Hiện nay, một số DN thuộc Ủy ban đang là những DN tạo hạ tầng, nền tảng số để phục vụ cho chuyển đổi số Quốc gia như VNPT hay Mobifone, Ủy ban cần sớm hoàn thiện bộ máy lãnh đạo của hai doanh nghiệp này trong Quý I/2020 để làm tốt nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các DNNN, đặc biệt là 19 Tập đoàn, Tổng công ty lập quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo, cho phép các DN đầu tư vào các startup vào các dự án công nghệ mới. "Nếu không có quỹ này sẽ không có đầu tư cho đổi mới sáng tạo, DNNN sẽ không có năng lực cạnh tranh, không phát triển được và không thực hiện được sứ mệnh, chiến lược quốc gia của DNNN", ông Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận