GS. Đặng Hùng Võ: Condotel gắn liền với chính sách về đất đai
Sau văn bản của Bộ TN&MT, thị trường condotel lại một lần nữa dậy sóng, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng loại hình BĐS này là thành phần không thể tách rời trong chính sách phát triển đất đai hiện nay.
- Cấp sổ đỏ cho condotel theo hướng nào?
- Chuyển đổi condotel thành căn hộ ở Cocobay Đà Nẵng - Những hệ luỵ khó lường
- Condotel có thực sự được "gỡ rối" sau văn bản của Bộ TN&MT?
Theo GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, không nên quá bận tâm đến tên gọi là condotel hay căn hộ du lịch mà cần xem xét đến bản chất của bất động sản du lịch, cũng như shophouse hay officetel,... đó là bất động sản đa công năng, đa mục đích. Đối với condotel, là có phần dùng làm khách sạn, phần làm chung cư.
Ông Đặng Hùng Võ cho biết, trong Luật Đất đai 2003 quy định một thửa đất có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Do đó, condotel không có vấn đề gì tồn tại vì bản chất là một loại hình bất động sản đa công năng hay thửa đất được sử dụng vào nhiều mục đích.
Do đó, ông Đặng Hùng Võ cho rằng việc loay hoay với cái tên mà chưa đưa condotel vào hệ thống pháp luật là không cần thiết bởi nếu sau này, thực tế phát triển có thêm những tên gọi khác thì không thể đưa tên gọi vào luật cho phù hợp được.
Để condotel phát triển, GS Đặng Hùng Võ cho rằng cần gỡ hai nút thắt chính là gắn sự phát triển của condotel với chính sách phát triển về đất đai. Các doanh nghiệp khi đầu tư vào condotel đang gặp một số vướng mắc như khi đầu tư vào condotel được chính quyền cam kết cho thuê đất với thời gian dài hạn nhưng sau đó xảy ra nhiều vấn đề về mặt pháp lý… khiến doanh nghiệp e ngại.
Bên cạnh đó, phải chú ý đến phương thức kinh doanh condotel. "Tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể kinh doanh condotel theo nhiều phương thức khác chứ không chỉ dựa trên cam kết lợi nhuận", GS Đăng Hùng Võ nói.
Còn ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, với tiềm năng phát triển du lịch sẵn có của Việt Nam, tiềm năng phát triển condotel trong 10-20 năm tới là rất tốt, quan trọng là rút kinh nghiệm được từ những thành công của mô hình tương tự đi trước của thế giới.
Đặc biệt, việc xây dựng hạ tầng condotel mới là bước đầu, vấn đề quan trọng là chúng ta quản trị, khai thác nó sao cho hiệu quả.
“Sau khoảng 5 năm xuất hiện, với những quy định của pháp luật đang dần hoàn thiện và nhu cầu hiện có của thị trường chúng tôi tin tưởng thành công của mô hình condotel tại Việt Nam trong thời gian tới”, ông Nguyễn Chí Thanh nói.
Ông Vũ Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ khách sạn, Tổng Cục Du lịch, Bộ VHTT&DL cũng hy vọng thời gian tới, khi Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh được thực hiện và các ngành, các cấp có đề xuất điều chỉnh, sửa đổi bổ sung những văn bản quy phạm pháp luật rõ ràng thì chắc chắn có số liệu thống kê phục vụ cho công tác quản lý cũng như sự minh bạch của thị trường để hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư
Nhằm tháo gỡ cho nhà đầu tư, tránh tranh chấp, bà Phạm Thị Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký Đất đai, Bộ TN&MT cho biết Bộ này đã góp ý Bộ Xây dưng cần quy chuẩn xây dựng xác định rõ diện tích chung, riêng và thể hiện rõ trong hợp đồng mua bán căn hộ tương tự như hợp đồng mua bán căn hộ chung cư.
"Việc cấp giấy chứng nhận là khâu cuối cùng. Bắt đầu từ lúc thực hiện dự án, quy hoạch sử dụng đất, giao đất, giấy phép xây dựng, hồ sơ hoàn công, hợp đồng mua bán căn hộ lại tuân theo pháp luật kinh doanh bất động sản cũng như pháp luật về mặt dân sự. Khâu cuối cùng mới là khâu cấp giấy, là sản phẩm cuối của tất cả các ngành khác", bà Phạm Thị Thịnh cho biết thêm
Bà Phạm Thị Thịnh cũng khẳng định, bản thân các cơ quan quản lý nhà nước luôn muốn song hành với các doanh nghiệp để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh. Đây cũng là cách thức để tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận