Hà Nội yêu cầu không để người dân không tự ý rời khỏi địa bàn của mình
Trước diễn biến dịch COVID-19 ngày càng phức tạp trên địa bàn Thủ đô, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu người dân thực hiện "ai ở đâu ở đấy" cùng với chính quyền các cấp không để người dân tự ý rời khỏi địa bàn của mình.
- Hà Nội áp dụng khám chữa bệnh từ xa góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí cho người bệnh
- Nóng: Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ từ 6h ngày 24/7
- Chính phủ đồng ý giảm tiền điện sinh hoạt 2 tháng cho người dân đang thực hiện Chỉ thị 16
Tối 1/8, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục ban hành Công điện số 17/CĐ-UBND về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, đáng chú ý, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã huy động tối đa các lực lượng cơ sở đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để toàn dân nâng cao ý thức tự giác, tự nguyện và chủ động tham gia phòng, chống dịch, nghiêm túc thực hiện quy định của thành phố.
Kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế, cung cấp các lương thực, thực phẩm cho những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy” tại các khu vực cách ly, khu vực phong tỏa.
UBND thành phố Hà Nội yêu cầu người dân không tự ý ra khỏi địa bàn.
Đặc biệt, công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tuyệt đối không để người dân di chuyển ra ngoài địa bàn thành phố trong thời gian giãn cách xã hội, trừ những người được chính quyền cho phép. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu để người dân tự ý di chuyển ra khỏi địa phương mình.
Nội dung Công điện số 17 nêu rõ, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong những ngày gần đây, ngoài những trường hợp đã phát hiện qua sàng lọc các trường hợp có triệu chứng của virus SARs-CoV-2 như ho, sốt, khó thở, mất vị giác…, thành phố tiếp tục xuất hiện một số chùm ca bệnh phức tạp, tốc độ lây lan nhanh có nguồn gốc từ các vùng dịch khác trở về Thủ đô.
Thực hiện Lời kêu gọi phòng, chống đại dịch COVID-19 của Tổng Bí thư, Điện của Thường trực Ban Bí thư, Nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV; Công điện số 1063/CĐ-TTg ngày 31/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 30/7/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của Chủ tịch UBND thành phố, nhằm sớm kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh trên địa bàn, UBND thành phố yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và đề nghị các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội Trung ương, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế trên địa bàn Thành phố; Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội và các đoàn thể chính trị xã hội Thành phố phối hợp thực hiện ngay một số nhiệm vụ.
Cụ thể, toàn bộ hệ thống chính quyền các cấp quán triệt sâu sắc tinh thần, Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 30/7/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, trong đó tăng cường trách nhiệm tập thể cấp ủy, chính quyền các cấp gắn với nêu cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu; công tác triển khai chủ động ngay từ cơ sở và ý thức chấp hành của người dân thể hiện qua kết quả công tác phòng chống dịch tại cơ sở là thước đo uy tín, năng lực, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu, làm căn cứ để đánh giá cán bộ, xếp loại thi đua,...
Thông qua kiểm tra, giám sát, kịp thời biểu dương, khen thưởng nơi làm tốt, đồng thời nhắc nhở, phê bình, kỷ luật nghiêm nơi làm chưa tốt; gắn trách nhiệm tập thể cấp ủy, chính quyền các cấp với nêu cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; công bố công khai để làm gương.
Các địa phương chủ động đánh giá tại các khu vực có nguy cơ cao trên địa bàn, đặc biệt tại các bệnh viện, khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề, chợ dân sinh, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán hàng thiết yếu, khu đông dân cư, các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa; phê duyệt phương án phòng chống dịch đối với các trụ sở cơ quan, đơn vị đang hoạt động trên địa bàn; chủ động quyết định việc thực hiện các biện pháp cao hơn trong thời gian giãn cách xã hội như phong tỏa một khu vực: Khu dân cư, tổ dân phố, cấp phường, xã, thị trấn để kịp thời ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Thành phố yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị ưu tiên tập trung một số biện pháp cấp bách như truy vết tối đa trong thời gian ngắn nhất; sàng lọc các đối tượng có triệu chứng như ho, sốt, khó thở, mất vị giác,…; tăng cường, tăng tốc xét nghiệm sàng lọc diện rộng đối với các khu vực có nguy cơ, người về từ vùng dịch; khu trú tập trung đảm bảo hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm nguồn lực theo quyết định của cơ quan y tế; cách ly, giám sát, xét nghiệm các nguy cơ đối với các trường hợp về từ vùng dịch và các địa điểm, vùng có nguy cơ khác do cơ quan y tế tham mưu.
Bên cạnh đó, các địa phương cần huy động tối đa các lực lượng, phân công cụ thể, hướng dẫn quy trình đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh khi làm nhiệm vụ để phát huy sức mạnh tổng hợp, giảm tải cho lực lượng tuyến đầu, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại chỗ và lưu động, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Thực hiện nghiêm yêu cầu của Thủ tướng "ai ở đâu ở đấy".
Công điện cũng yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị khẩn trương triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Thành phố cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội Trung ương và thành phố, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế trên địa bàn thành phố chấp hành nghiêm Chỉ thị số 17 thực hiện giãn cách xã hội, đảm bảo thực hiện đúng quy định về giãn cách và số lượng người đi làm tại công sở; triển khai đồng bộ các mô hình hay, có hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở như mô hình cách ly “3 lớp”, “4 tại chỗ”; khẩn trương xây dựng kế hoạch và thực hiện mua sắm vật tư trang thiết bị y tế theo các kịch bản phòng chống dịch đảm bảo minh bạch, hiệu quả, không để tiêu cực, thất thoát lãng phí; yêu cầu rà soát, kích hoạt và đưa vào hoạt động theo phương án, kịch bản cao hơn.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố (gồm các bệnh viện Trung ương, các bệnh viện tuyến thành phố và các bệnh viện ngoài công lập) đều phải thực hiện xây dựng phương án hoạt động bệnh viện an toàn và trình UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt để tổ chức hoạt động; thực hiện phương án “4 tại chỗ” (làm việc tại chỗ - ăn uống tại chỗ - sinh hoạt, nghỉ ngơi tại chỗ - điều trị tại chỗ) và tổ chức chăm sóc toàn diện cho người bệnh, hạn chế tối đa người chăm sóc người bệnh tại bệnh viện; kiểm soát chặt chẽ người ra vào bệnh viện, phân bố lực lượng làm việc luân phiên từ 7-14 ngày tại bệnh viện mới thay; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ được hoạt động khi được đảm bảo các tiêu chí an toàn COVID do Bộ Y tế quy định.
Căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố, thủ trưởng, giám đốc các sở, ban, ngành thành phố và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trực tiếp báo cáo UBND thành phố và xin ý kiến Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND thành phố quyết định kịp thời các biện pháp phòng chống dịch theo ngành, lĩnh vực, địa bàn và các chính sách hỗ trợ các lực lượng tham gia phòng, chống dịch, các đối tượng yếu thế, các tổ chức, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, góp phần tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận