Năm 2020 - Tăng mức trợ cấp một lần khi sinh con với người tham gia BHXH
Từ ngày 1/7/2020 khi lương cơ sở tăng lên 1,6 triệu sẽ dẫn đến mức trợ cấp một lần khi sinh con và trợ cấp dưỡng sức sau sinh cũng tăng lên tương ứng.
- BHXH Việt Nam sử dụng phần mềm quản lý hoạt động thanh tra
- TPHCM: Cấp GCN nghỉ việc hưởng BHXH trên cổng thông tin điện tử
- VNPost nhảy vào thị trường bảo hiểm xã hội điện tử
Với 93,37% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành vào chiều ngày 12/11/2019, Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. Trong đó, giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng theo quy định và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở từ ngày 01/7/2020.
Việc tăng lương cơ sở có tác động trực tiếp tới nhiều khoản đóng, hưởng BHXH, BHYT dựa theo lương cơ sở, cụ thể:
Tăng mức trợ cấp một lần khi sinh con
Ngày 01/7/2020 khi lương cơ sở tăng, mức trợ cấp một lần khi sinh con và trợ cấp dưỡng sức sau sinh cũng tăng lên tương ứng. Cụ thể, với mức lương cơ sở mới, tiền trợ cấp một lần khi sinh con sẽ tăng lên 3,2 triệu đồng (trước đây là 2,98 triệu đồng) và trợ cấp dưỡng sức sau sinh bằng 30% mức lương cơ sở, tương ứng với 480.000 đồng/ngày (trước đây là 447.000 đồng).
Tăng mức đóng BHYT cho nhiều đối tượng
Tại điểm đ Khoản 1 Điều 7 và Khoản 2 Điều 1; Khoản 2, 3, 4 Điều 2 và Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định: Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người đang hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng; người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau; trẻ em dưới 6 tuổi, người có công với cách mạng; người thuộc hộ cận nghèo;... có mức đóng BHYT bằng 4,5% mức lương cơ sở.
Theo đó, khi lương cơ sở tăng lên 1,6 triệu đồng/tháng, mức đóng của các đối tượng trên tăng lên 72.000 đồng/tháng (hiện nay là 67.050 đồng/tháng).
Với những người tham gia BHYT theo hộ gia đình, mức đóng cũng căn cứ vào mức lương cơ sở: Mức đóng BHYT theo hộ gia đình cho người thứ nhất là 4,5% mức lương cơ sở; người thứ 2, thứ 3, thứ 4 đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Như vậy, khi mức lương này tăng, mức đóng cũng sẽ tăng tương ứng, tương đương mức đóng của người đầu tiên sẽ là 72.000 đồng/tháng (tăng 4.950 đồng/tháng so với mức hiện nay là 67.050 đồng/tháng). Theo đó, mức đóng BHYT của những người còn lại cũng tăng theo.
Người đóng BHYT từ đủ 05 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì được thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh.
Do đó, số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm phải lớn hơn 9,6 triệu đồng (hiện nay là 8,94 triệu đồng) thì người bệnh mới được hưởng quyền lợi trên.
Tăng mức đóng BHXH bắt buộc
Theo quy định tại Điều 5 và Khoản 3 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định: Hàng tháng, người lao động trích 8% mức tiền lương tháng của mình để tham gia BHXH bắt buộc.
Nếu mức lương này cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Như vậy, khi mức lương cơ sở được tăng lên 1,6 triệu đồng/tháng được áp dụng, số tiền đóng BHXH cũng tăng theo. Mức tiền lương tối đa đóng BHXH bằng 32 triệu đồng và cao hơn 2,2 triệu đồng so với mức hiện hành (29,8 triệu đồng).
Tăng nhiều khoản trợ cấp khác về BHXH
Mức lương hưu; trợ cấp BHXH và các khoản trợ cấp hàng tháng như: trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau ốm đau; trợ cấp một lần khi suy giảm khả năng lao động từ 5 - 31%; mức trợ cấp hàng tháng khi suy giảm khả năng lao động 31% trở lên; trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;... cũng tăng tương ứng khi mức lương cơ sở mới được áp dụng vào năm 2020.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận