Những quy định mới liên quan đến lĩnh vực ô tô có hiệu lực từ tháng 9/2022
Từ tháng 9.2022, một số quy định mới về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô sẽ chính thức có hiệu lực, trong khi đó trình tự thủ tục thông quan ô tô, xe gắn máy nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại cũng được thắt chặt.
- Bãi bỏ quy định tỷ lệ nội địa hóa ô tô do không còn phù hợp với thực tiễn phát triển
- Những thay đổi lệ phí trước bạ theo nghị định mới là gì?
- Bộ Công Thương đề xuất bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với các loại xe ô tô điện
Sau nhiều năm triển khai nhưng vẫn còn nhiều bất cập, bắt đầu từ tháng 9.2022 một số quy định mới về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô sẽ được sửa đổi theo nội dung Nghị định 47/2022 NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1.9.2022. Bên cạnh đó, trình tự thủ tục thông quan ô tô, xe gắn máy nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại phải tuân thủ theo quy định mới tại Thông tư số 45/2022 vừa do Bộ Tài chính ban hành.
Từ ngày 1.9.2022, bắt đầu áp dụng những quy định mới liên quan đến ô tô kinh doanh vận tải. Ảnh: Trần Hoàng
Dưới đây là thông tin chi tiết về những quy định mới liên quan đến lĩnh vực ô tô có hiệu lực từ tháng 9.2022:
1. Cấm ‘độ’ ô tô trên 10 chỗ thành xe khách 9 chỗ trở xuống để kinh doanh vận tải hành khách
Từ ngày 1.9.2022, các cá nhân, doanh nghiệp sẽ không được sử dụng ô tô có sức chứa từ 10 chỗ ngồi trở lên để cải tạo thành xe ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách. Cụ thể, khoản 3 điều 13, Nghị định 47/2022 NĐ-CP nêu rõ: “Không sử dụng xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách”.
Từ ngày 1.9 tới, không được sử dụng ô tô có sức chứa từ 10 chỗ trở lên để cải tạo thành xe ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách.
Điều này đồng nghĩa với việc từ ngày 1.9 tới các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách sẽ không được cải tạo các loại xe ô tô có thiết kế trên 10 chỗ thành xe chở khách ít chỗ ngồi hơn nhưng trang bị nhiều tiện nghi hơn để kinh doanh vận tải hành khách.
Xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) đã được cấp phù hiệu, biển hiệu trước ngày Nghị định 47 có hiệu lực (tức trước ngày 1.9.2022) tiếp tục được sử dụng để kinh doanh vận tải hành khách đến hết niên hạn sử dụng.
2. Ký gửi hàng trên xe khách phải cung cấp ít nhất 5 thông tin
Từ trước đến nay, việc gửi hàng qua xe khách được thực hiện vô cùng tiện lợi và đơn giản, không cần giấy tờ hay thủ tục giao nhận, giá thành rẻ, thời gian vận chuyển nhanh nên được rất nhiều người dân lựa chọn. Tuy nhiên, do không được kiểm soát một cách chặt chẽ, hình thức ký gửi này cũng làm phát sinh một số vấn đề. Ví như trong số hàng hóa ký gửi có thể có cả những hàng hóa dễ gây cháy nổ hoặc hàng cấm.
Từ ngày 1.9.2022, khi muốn gửi hàng trên xe khách, người dân bắt buộc phải cung cấp ít nhất 5 thông tin cho đơn vị kinh doanh vận tải. Ảnh: Trần Hoàng
Vì vậy, để bảo bảo công tác quản lý và kiểm soát hàng hóa ký gửi trên xe khách, bắt đầu từ ngày 1.9.2022, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) khi nhận hàng hóa ký gửi xe ô tô (người gửi hàng hoá không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi hàng hoá cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về: Tên hàng hóa, cân nặng (nếu có), họ và tên, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân/số thẻ căn cước công dân, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận. Đây là nội dung mới, vừa được bổ sung trong Nghị định 47/2022/NĐ-CP
Như vậy, từ ngày 1.9.2022, khi muốn gửi hàng trên xe khách, người dân bắt buộc phải cung cấp ít nhất 5 thông tin cho đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) gồm: Tên hàng hóa, cân nặng (nếu có), họ và tên, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân/số thẻ căn cước công dân, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận
3. Áp dụng những quy định mới về nhập khẩu ô tô mục đích phi thương mại
Từ ngày 10.9.2022, trình tự thủ tục thông quan ô tô cũng như xe gắn máy nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại sẽ phải thực hiện theo quy định mới tại Thông tư số 45/2022 vừa được Bộ Tài chính ban hành, đồng thời thêm chế tài xử lý vi phạm.
Từ ngày 10.9.2022, trình tự thủ tục thông quan ô tô cũng như xe gắn máy nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại sẽ phải thực hiện theo quy định mới. Ảnh: Thanh Đoàn.
Cụ thể, hồ sơ nhập khẩu, tạm nhập khẩu phương tiện gồm các giấy tờ như tờ khai, vận đơn hoặc chứng từ, giấy đăng ký kiểm định, giấy ủy quyền… bản giấy hoặc nộp qua phương thức điện tử theo mẫu quy định.
Bên cạnh đó, người làm thủ tục thực hiện khai hải quan tại Chi cục Hải quan qua hình thức điện tử hoặc trực tiếp và chịu trách nhiệm bảo quản xe tại địa điểm được phép đưa về bảo quản 30 ngày để chờ kết quả kiểm tra xe của cơ quan kiểm tra chuyên ngành (cơ quan đăng kiểm).
Ngoài ra, chi cục Hải quan làm thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu chỉ thông quan khi có giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (đối với xe ô tô) và giấy kiểm tra chất lượng xe gắn máy nhập khẩu (đối với xe gắn máy ) của cơ quan kiểm tra chuyên ngành (Cơ quan đăng kiểm - PV). Khi nhận được giấy chứng nhận đăng kiểm (bản điện tử, bản giấy), cơ quan hải quan sẽ kiểm tra đối chiếu với thực tế.
Chi cục Hải quan làm thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu chỉ thông quan khi có giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu. Ảnh: Thanh Đoàn.
Trường hợp người khai hải quan nộp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường không đúng thời hạn quy định (quá 30 ngày kể từ ngày đưa hàng về bảo quản), cơ quan hải quan sẽ tiến hành lập biên bản vi phạm, trừ trường hợp người khai hải quan có lý do khách quan được cơ quan kiểm tra chuyên ngành xác nhận. Trường hợp bị hải quan xử lý, sau khi người khai hải quan chấp hành quyết định xử lý, mới tiếp tục thực hiện các thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật.
Theo Thanhnien
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận