Tăng mức giá sàn vé máy bay - Đừng tạo áp lực chi phí với người dân
Trước những đề xuất của Vietnam Airline về áp giá sàn đối với các chặng bay trong nước trong cuộc họp gần đây với Cục Hàng không, các chuyên gia cho rằng người dân và ngành du lịch đã phải gánh chịu tác động nặng nề bởi COVID-19 thì không nên gia tăng áp lực chi phí khi đề xuất mức giá sàn này.
- COVID-19 khiến giá vé máy bay giảm mạnh
- Giá vé máy bay Tết tiếp tục tăng do Vietnam Airlines tăng phí
- Lượng khách đặt vé máy bay dịp Tết bình ổn trở lại
Câu chuyện giá trần, giá sàn vé máy bay lại đang được dư luận quan tâm khi Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam – Vietnam Airlines trong một buổi họp gần đây đã kiến nghị Cục Hàng không Việt Nam xem xét điều chỉnh tăng giá trần và áp giá sàn vé máy bay.
Nhìn nhận về đề xuất của Vietnam Airlines, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nếu áp dụng giá sàn chung cho vé máy bay như Vietnam Airlines đề xuất, hành khách sẽ mất đi cơ hội có vé giá rẻ và vi phạm Luật Cạnh tranh.
Tăng mức giá sàn vé máy bay cho các chặng bay trong nước sẽ khiến hành khách không nhận được các ưu đãi từ các hãng hàng không.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia hàng không cho hay, việc Vietnam Airlines tái đề xuất tăng giá trần, áp giá sàn máy bay thực tế chỉ là kiến nghị riêng của hãng này. Khi áp dụng giá sàn tức là sẽ không còn vé 0 đồng, 49.000 đồng... để người dân chọn lựa giá rẻ di chuyển bằng đường hàng không. Hãng bay bán giá thấp không có nghĩa là họ đang phá giá. Trên một chuyến bay, hãng bay linh hoạt tính toán lượng ghế bán ra giá cao, ghế giá khuyến mãi để cân đối thu chi và bằng cách nào đó doanh nghiệp vẫn có lãi.
Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nếu những kiến nghị của Vietnam Airlines được chấp thuận, hành khách sẽ phải bay với giá đắt, thị trường hàng không mất đi tính cạnh tranh, việc này không có lợi cho người tiêu dùng.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, các quy định pháp luật về giá quy định đối với những thị trường vẫn còn các doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh như thị trường hàng không hiện nay với 2 hãng Vietnam Airlines và VietJet Air chiếm thị phần hơn 50%. Tức là chưa có cạnh tranh thực sự nên nhà nước vẫn phải quy định giá trần và không quy định giá sàn.
"Nguyên nhân là vì nếu vượt giá trần sẽ bất lợi cho người tiêu dùng. Còn doanh nghiệp muốn hạ giá như thế nào tùy doanh nghiệp, chỉ có lợi cho người tiêu dùng. Đề xuất áp giá sàn là phi lý, không phù hợp với việc cạnh tranh theo thị trường", ông ông Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Ngày 7/4, trao đổi báo chí về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho hay, quan điểm của Bộ GTVT là việc điều chỉnh giá sàn hay giá trần đối với giá vé máy bay không được vi phạm các quy định tại Luật Cạnh tranh và Luật Giá. Việc điều chỉnh này phải dựa trên cơ sở phù hợp các điều kiện thực tế thì người dân mới được hưởng quyền lợi.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, về vấn đề giá vé máy bay, quan điểm của Bộ Tư pháp cùng đồng tình với Bộ GTVT là mọi việc đều phải tuân thủ pháp luật để tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho rằng, khi một hãng hàng không cung cấp một dịch vụ đòi hỏi một chi phí cao hơn, cụ thể là thông số đầu vào cao hơn thì hoàn toàn có kiến nghị đề điều chỉnh khung giá. Qua đó, sẽ tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ.
"Hiện tại, Bộ GTVT cũng đang nghiên cứu xem xét điều chỉnh một số quy định tại Thông tư 19/2020/TT-BGTVT quy định về mức giá, khung giá dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam. Quan điểm của Bộ GTVT là muốn xem xét điều chỉnh theo hướng đa dạng sản phẩm cung cấp cho hành khách. Để người dân được hưởng nhiều loại dịch vụ", Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.
Luật sư Lê Cao Cường, Giám đốc Công ty Luật An Viên (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, các hãng bán vé thấp hơn nhưng không lỗ thì không phải bán phá giá. Giai đoạn hiện nay, khi các doanh nghiệp hàng không gặp khó khăn do dịch COVID-19, việc áp giá sàn vừa không có lợi cho người tiêu dùng vừa không khuyến khích cạnh tranh. Bởi, một doanh nghiệp kinh doanh giỏi có thể hạ giá mà vẫn có lãi thì không nên hạn chế vì điều đó mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
Tăng mức giá sàn có thể khiến ngành du lịch khó có cơ hội phục hồi.
Một chuyên gia kinh tế nhìn nhận, vẫn biết các hãng hàng không đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí khó trụ vững trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài và việc hỗ trợ các hãng là cần thiết, nhưng các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ GTVT, Bộ Tài chính... cần có những giải pháp phù hợp, không nên để người dân và ngành du lịch phải chịu thêm gánh nặng.
Mặt khác, Nhà nước đang có những chính sách hỗ trợ cho ngành hàng không như giảm 30% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu bay từ giữa năm 2020 đến hết năm nay. Đặc biệt, riêng Vietnam Airlines còn được các ngân hàng cho vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0% từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, việc đề xuất tăng trần giá vé của Vietnam Airlines trong bối cảnh hiện nay cần xem xét lại.
Dưới góc nhìn của một tân binh với tham gia vào thị trường hàng không cuối năm 2020 vừa qua, ông Vũ Đức Biên, Tổng giám đốc Vietravel Airlines nhìn nhận, khi vận hành theo cơ chế thị trường, không nên can thiệp áp giá sàn hoặc giá trần, tất cả là do thị trường điều tiết. Nếu áp dụng giá sàn đều nhau, ông Vũ Đức Biên cho rằng hãng hàng không truyền thống như Vietnam Airlines sẽ chiếm ưu thế. Giá sàn bằng nhau, không có sự chênh lệch về giá quá nhiều nên hành khách chọn đi hàng không giá rẻ.
Một chuyên gia trong lĩnh vực thị trường bình luận, nghiên cứu tiêu dùng cho thấy yếu tố giá là yếu tố quyết định mạnh nhất vào nhu cầu tiêu dùng. Nhiệm vụ của các nhà cung cấp dịch vụ trong giai đoạn dịch COVID-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh là làm sao có giải pháp tiết kiệm và quản lý chi phí hiệu quả nhất để có thể đưa ra các gói giá khuyến mãi kích cầu cùng chương trình quốc gia.
Đề cập về những đề xuất của Vietnam Airlines về giá trần, giá sàn, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn khẳng định, Bộ GTVT hiện chưa nhận được đề xuất về điều chỉnh khung giá từ Vietnam Airlines. Tuy nhiên, với thị trường hàng không Việt Nam hiện nay đang có sự tham gia của nhiều hãng hàng không tư nhân, do đó, việc điều chỉnh giá cần phải theo cơ chế thị trường. Khung pháp luật đã có quy định vấn đề này thì cần vận dụng và thực hiện theo đúng quy định.
Mặc dù vậy, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cũng nhấn mạnh, mục tiêu điều chỉnh giá trần, giá sàn (khung giá dịch vụ vé máy bay) là giúp các hãng hàng không; trong đó, có Vietnam Airlines cung cấp thêm nhiều sản phẩm dịch vụ cho các đối tượng thu nhập khác nhau chứ không phải là tăng giá. Chẳng hạn, hành khách chọn bay giờ đẹp, loại máy bay hiện đại với nhiều dịch vụ hơn thì phải chấp nhận giá vé cao hơn. Nếu chọn giờ bay thấp, loại máy bay ít hiện đại hơn thì giá sẽ mềm hơn.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho rằng, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu điều chỉnh một số nội dung của Thông tư 19/2020/TT-BGTVT cho tất cả các hãng hàng không chứ không chỉ riêng Vietnam Airlines. Tất nhiên khi điều chỉnh sẽ cần phải họp bàn để lắng nghe ý kiến các bên. Nhưng điều chỉnh như thế nào thì cũng phải trên nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích của người dân.
Trước đó, tại cuộc họp với Cục Hàng không Việt Nam mới đây, Vietnam Airlines đã đưa ra kiến nghị tăng mức giá trần 50.000 - 250.000 đồng/khách. Giá sàn được kiến nghị theo 2 phương án: bằng 35% mức giá trần theo từng cự ly hoặc chi phí biến đổi trung bình một ghế theo từng nhóm cự ly của các hãng hàng không giá rẻ.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận