Viettel vận hành Mobile money ngay khi được nhà quản lý cho phép
Mobile money đang được NHNN đưa vào vận hành thí điểm trong đời sống dù hiện vẫn còn rất nhiều thách thức trong thực tế, tuy nhiên Viettel cho biết đã chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để vận hành thí điểm ngay khi được cấp phép.
- 3 nhà mạng lớn đã sẵn sàng trình đề án triển khai Mobile Money
- Mobile Money sẽ là một dịch vụ tài chính bình dân
- Nhà mạng sẽ không được triển khai mobile money nếu vẫn còn SIM rác
NHNN mới đây trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (Mobile money- Tiền di động).
NHNN cũng đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo dự thảo quyết định, hình thức Mobile money sẽ cho phép các doanh nghiệp viễn thông như: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Viễn thông MobiPhone… tham gia vào thị trường thanh toán.
Hạ tầng để Mobile money của Viettel đã sẵn sàng để vận hành.
Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Trương Quang Việt, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel (trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội) xung quanh vấn đề này.
Mobile money được kỳ vọng sẽ tiếp cận được bộ phận lớn người dân, đặc biệt với những người ở vùng sâu, vùng xa, chưa có tài khoản ngân hàng. Xin ông cho biết, Viettel đã có kế hoạch chuẩn bị như thế nào để tham gia loại hình này?
Ông Trương Quang Việt: Hiện tại, Viettel đã chuẩn bị mọi nguồn lực như: hạ tầng công nghệ, mạng lưới kênh, nguồn nhân lực… để sẵn sàng triển khai Mobile money ngay khi được cấp phép.
Chỉ sau một đêm, 70 triệu khách hàng viễn thông của Viettel, tương đương gần 70% dân số Việt Nam sẽ có cơ hội sử dụng ngay những tính năng, tiện ích của dịch vụ này.
Về mạng lưới, hơn 200.000 điểm giao dịch và chấp nhận thanh toán từ thành thị tới nông thôn, vùng sâu, vùng xa của Viettel có thể đảm bảo: ở đâu có sóng viễn thông, người dùng ở đó có thể sử dụng Mobile money.
Ngoài ra, Viettel cũng không ngừng đa dạng hóa hệ sinh thái số ViettelPay - nền tảng của Mobile money. Chúng tôi không chỉ chuẩn bị để cung cấp công cụ, giải pháp thanh toán số mà còn có sẵn hệ sinh thái số đa dạng dịch vụ, hệ thống kênh trải dài khắp toàn quốc để phục vụ khách hàng tiêu dùng, thanh toán.
Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel Trương Quang Việt.
Xin ông cho biết một số thách thức khi triển khai Mobile money?
Ông Trương Quang Việt: Có thể nói Mobile money khắc phục hầu hết các điểm yếu của những dịch vụ thanh toán số hiện nay. Người dùng có thể sử dụng được dịch vụ trên điện thoại phổ thông (feature phone), cũng không cần tài khoản ngân hàng.
Vì vậy, mobile money là hạt nhân quan trọng trong kế hoạch phổ cập tài chính số, thanh toán số cho người dân Việt Nam, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa.
Tuy nhiên trên thực tế, người Việt hiện nay vẫn quen với thói quen thanh toán bằng tiền mặt. Câu chuyện “dạy” – tạo thói quen thanh toán không tiền mặt cho người dân là câu chuyện đường dài, cần nhiều nguồn lực để triển khai.
Những rủi ro tiềm ẩn bởi tài khoản tiền di động được định danh qua số thuê bao khách hàng tại công ty viễn thông, trong khi tình trạng sim rác vẫn tồn tại có thể khiến loại hình này trở thành kênh rửa tiền, nếu không được quản lý chặt chẽ. Ông đánh giá về vấn đề này như thế nào?
Ông Trương Quang Việt: Sim rác là thực trạng mà các doanh nghiệp viễn thông cũng như cơ quản quản lý nhà nước đều nhận thấy và liên tục đưa ra những cơ chế siết chặt quản lý.
Tuy nhiên, việc sử dụng thông tin viễn thông để làm tài khoản thanh toán, mặt khác, sẽ thúc đẩy và góp phần hoàn thiện nhanh việc khách hàng cung cấp đầy đủ thông tin thuê bao. Đây là một sự tác động 2 chiều.
Ngoài ra, các đơn vị cung cấp giải pháp thanh toán như ViettelPay cũng sẽ phải có các phương pháp, công nghệ để tự động nhận diện ra các giao dịch, thuê bao bất thường để kịp thời ngăn chặn, bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng.
Bản thân khách hàng cũng cần thiết phải cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin để đảm bảo an toàn thông tin và tự bảo vệ tối đa quyền lợi của mình.
Khi triển khai Mobile money, Viettel có biện pháp gì để đối phó với tội phạm công nghệ thông tin hoặc các đối tượng khác qua sim rác, thưa ông ?
Ông Trương Quang Việt: Viettel đã chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng công nghệ để đối phó với vấn đề này. Chúng tôi cũng có sẵn công nghệ tự động nhận diện ra các giao dịch, thuê bao bất thường để kịp thời ngăn chặn, bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng.
Cụ thể, nền tảng của Mobile money - hệ sinh thái số ViettelPay được đảm bảo bởi các chứng nhận tiêu chuẩn công nghệ quốc tế như PCI DSS (chứng nhận bởi PCI Security Standards Council), thuật toán mã hóa thông tin 3DES…
Bên cạnh đó, chúng tôi được hỗ trợ riêng bởi 1 công ty an ninh mạng hàng đầu Việt Nam với đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin, chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm - Công ty An ninh mạng Viettel - Trực thuộc Tập đoàn Viettel.
Do đó vấn đề đảm bảo an toàn dịch vụ, an toàn thông tin người dùng chắc chắn luôn được đảm bảo cao nhất. Việc truyền thông yêu cầu khách hàng khai báo thông tin chính xác, đăng ký tài khoản chính chủ, sử dụng đúng mục đích, đúng quy định cũng được Viettel đẩy mạnh để đảm bảo quyền lợi cho chính người dùng.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận