Xây dựng Chính phủ điện tử phải song song với cải cách hành chính
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, khó nhất của CPĐT chính là vấn đề dùng chung. Do đó, việc xây dựng CPĐT và cải cách hành chính cần phải thực hiện một cách song hành.
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Doanh nghiệp Việt Nam cần làm chủ các công nghệ nền tảng trong Chính phủ điện tử
- Bộ đầu tiên phê duyệt kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0
- Chính phủ điện tử muốn vận hành vẫn còn nhiều tồn tại
Sáng 26/12, tại trụ sở Bộ TT&TT đã diễn ra buổi làm việc về Đề án Giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu và tái cấu trúc hạ tầng CNTT tại các bộ, ngành, địa phương và Danh sách các nền tảng dùng chung của Chính phủ điện tử (CPĐT).
Thay đổi của Đề án Giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu
Theo đại diện Cục Tin học hoá (Bộ TT&TT), sau khi Bộ TT&TT tiếp nhận nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, trong phương án mới nhất chuẩn bị trình lên Thủ tướng Chính phủ, nhóm công tác đã thực hiện một số thay đổi đối với Đề án.
Các thay đổi này bao gồm sự xuất hiện của nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (VDXP), bỏ việc xác thực tập trung gắn liền với cổng dịch vụ công quốc gia thay vào đó là một nền tảng xác thực dùng chung.
Đại diện nhóm công tác xây dựng Đề án Giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu và tái cấu trúc hạ tầng CNTT. Ảnh: Trọng Đạt
Đề án cũng sẽ bổ sung thêm các hệ thống khác, không chỉ là các hệ thống thông tin của Văn phòng Chính phủ. Ngoài ra, Đề án còn bổ sung định hướng triển khai một số dịch vụ dùng chung trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia như thanh toán điện tử, lưu trữ điện tử, định danh số…
Thay đổi cuối cùng là việc đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025 chỉ tiến hành thử nghiệm và tối ưu hoá điện toán đám mây, thay vì triển khai ngay lập tức trên diện rộng. Lộ trình thực hiện Đề án theo đó sẽ được chia làm 3 giai đoạn, từ nay cho đến hết năm 2025.
Danh sách các nền tảng dùng chung của CPĐT
Chia sẻ tại buổi làm việc, nhóm công tác phát triển đề án lưu ý tới đặc điểm của các nền tảng dùng chung phục vụ CPĐT.
Theo đó, nền tảng này bao gồm mọi thành phần như hạ tầng, phần mềm, kênh truyền, dữ liệu có thể dùng chung nhằm phục vụ nghiệp vụ CPĐT của các bộ, ngành, địa phương. Điều kiện đưa ra là nền tảng này phải được sử dụng với số lượng từ 2 đơn vị trở lên, trừ hệ thống phục vụ việc trao đổi riêng giữa 2 đơn vị.
Buổi làm việc về Đề án Giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu và tái cấu trúc hạ tầng CNTT tại các bộ, ngành, địa phương và Danh sách các nền tảng dùng chung của Chính phủ điện tử (CPĐT). Ảnh: Trọng Đạt
Căn cứ trên thực tiễn của thế giới, Cục Tin học hoá đề xuất khoảng 20 nền tảng trong mô hình tổng thể các nền tảng dùng chung. Chúng được phân thành các nhóm khác nhau.
Đầu tiên là lớp ứng dụng dùng chung bao gồm ứng dụng dùng chung cho người dân (MYINFO), ứng dụng cho tổ chức doanh nghiệp (CORPPASS), các cổng dịch vụ công quốc gia và cổng dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và hệ thống phân tích dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ (V-INSIGHT).
Lớp nền tảng dùng chung gồm hệ thống quản lý dữ liệu chủ và danh mục điện tử dùng chung (V-MDM), hệ thống định danh và xác thực điện tử quốc gia, hệ thống giám sát và kiểm soát chính phủ điện tử (V-EYE), nền tảng phát triển điện tử (V-DEVOPS) và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Lớp cơ sở dữ liệu dùng chung gồm các cơ sở dữ liệu như dân cư, đất đai, doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm xã hội và hộ tịch điện tử dùng chung trên toàn quốc.
Lớp hạ tầng kỹ thuật CNTT dùng chung phục vụ CPĐT gồm trung tâm dữ liệu, trung tâm dự phòng và hệ thống đảm bảo an toàn thông tin, bảo mật.
Muốn xây dựng CPĐT, cần cải cách hành chính
Chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho rằng nhiệm vụ của nhóm phát triển Đề án cũng giống như của một kiến trúc sư. Do đó, cần phải huy động nhiều nguồn lực chung nhằm xây dựng một kiến trúc tường minh, thể hiện được thực trạng Việt Nam để từ đó tìm ra các bước đi phù hợp.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng. Ảnh: Trọng Đạt
Thứ trưởng Hưng yêu cầu cần phải làm rõ hơn từng chi tiết trong bản đề án, thay vì dàn hàng ngang, phải thể hiện được mối quan hệ của các thành phần CPĐT với nhau trong một mô hình chi tiết. Nhóm phát triển Đề án cũng cần tham khảo thêm kinh nghiệm thế giới để có thể tham mưu cho Chính phủ không chỉ về kỹ thuật mà còn cả về mặt tổ chức thực hiện.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, khó nhất của CPĐT chính là vấn đề dùng chung và chia sẻ. Nhóm phát triển cần phải vẽ được một sơ đồ tổng thể, từ đó chỉ ra các mối liên hệ, điều kiện, lộ trình thực hiện, bất cập là gì để tìm ra giải pháp.
“CPĐT là một quá trình trưởng thành dần dần theo thời gian. Đừng nghĩ CPĐT là cây đũa thần, giải quyết được tất cả các vấn đề bất cập. Do đó, việc xây dựng CPĐT và cải cách hành chính cần phải thực hiện một cách song hành.”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nói.
Theo Vietnamnet
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận