Cần mạnh mẽ thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - kế toán - thuế
Hội thảo trực tuyến chuyển đổi số trong công tác quản trị tài chính - kế toán - thuế tại doanh nghiệp được tổ chức ngày 21/10 đã cho thấy doanh nghiệp phải tối ưu hiệu quả mọi hoạt động, trong đó hoạt động tài chính - kế toán - thuế là nền tảng vững chắc để phát triển các hoạt động khác cho mọi doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn hiện nay.
- BHXH Việt Nam: Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số để phục vụ doanh nghiệp và người dân tốt nhất
- Bộ Công thương chủ động và tích cực thực hiện chuyển đổi số
- Hải quan thông minh - Chiến lược phát triển ngành Hải quan giai đoạn 2021-2030
Hiên nay, dưới tác động của đại dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý nhà nước đã và đang nỗ lực tìm cách thay đổi để thích nghi và phát triển, trong đó có nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Với mạch máu của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính sẽ là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác.
Thúc đẩy chuyển đổi số ngành tài chính - kế toán - thuế để vượt qua khủng hoảng.
Doanh nghiệp chuyển đổi số mạnh mẽ để thích ứng và vượt qua khó khăn
Phát biểu tại Hội thảo, PGS. TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã làm thay đổi căn bản cách con người sống, cách làm việc, tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.
Cùng với đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động tài chính, làm thay đổi phương thức phân phối, phương thức tiếp cận vốn, tiếp cận sản phẩm, tiếp cận dịch vụ tài chính; thay đổi phương thức giao dịch, tương tác, thương mại điện tử…
Chính vì vậy, để theo kịp cuộc chạy đua này, theo ông Trịnh Đức Vinh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính), Phó Chủ tịch Hiệp hội Kế toán, kiểm toán Việt Nam cho rằng, trước mắt, các doanh nghiệp cần xây dựng cơ sở dữ liệu lớn để đáp ứng số liệu giao dịch ngày một lớn; ứng dụng công nghệ Blockchain để phân tích, xử lý dữ liệu, đảm bảo an ninh, an toàn về bảo mật.
“Để đáp ứng yêu cầu này, doanh nghiệp cần cập nhật dữ liệu thường xuyên, lưu trữ các dữ liệu, bao gồm cả dữ liệu tài chính và phi tài chính; tích hợp phần mềm kế toán với hệ thống quản trị trong hệ thống công nghệ thông tin chung; xây dựng phần mềm kế toán… Đồng thời, các quy định mang tính trói buộc, hạn chế quá trình chuyển đổi số cần được xem xét để điều chỉnh hoặc dỡ bỏ”, ông Vinh nói.
Cơ quan quản lý chuyển đổi số để nâng cao chất lượng phục vụ người nộp thuế
Cùng với việc chuyển đổi số của ngành Tài chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế cũng được chú trọng nhằm nâng cao chất lượng quản lý thuế cũng như phục vụ người nộp thuế.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, đối với quản lý thuế truyền thống trước đây, cơ quan Thuế xác định số thuế phải nộp và sau đó người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế gắn với thủ tục hành chính bằng giấy tờ và công nghệ thủ công. Tuy nhiên, khi Luật Quản lý thuế năm 2006 ra đời cho phép người nộp thuế tự kê khai, tự nộp, còn cơ quan thuế chỉ cung cấp dịch vụ hỗ trợ và thực hiện giám sát sự tuân thủ của người nộp thuế .
Để làm được như vậy, ngành Thuế đã đẩy mạnh cải cách hành chính, đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào các quy trình nghiệp vụ nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế, giảm tần suất khai thuế. Mặt khác, ngành thuế thực hiện chuyển dần sang quản lý rủi ro cũng như cải tiến nhiều hoạt động khác bao gồm quản lý hóa đơn và áp dụng thuế điện tử.
Kể từ khi Luật Quản lý Thuế số 38/2019/QH14 ra đời đã đòi hỏi ngành Thuế phải tiếp tục cải tiến. Theo đó, mô hình và cách thức quản lý thuế hiện đại chuyển dần theo hướng gắn kết giữa hoạt động thường nhật như sản xuất kinh doanh, lao động thu nhập của người nộp thuế với quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế.
Cơ quan Thuế không còn đơn thuần là đầu mối xử lý dữ liệu quản lý thuế, thay vào đó là một hệ thống tương tác liền mạch và liên hoàn giữa các chủ thể tham gia vào các hoạt động kinh doanh với nhau, với cơ quan thuế và với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền dựa trên nền tảng kỹ thuật số.
Cùng với đó, cách thức xác định nghĩa vụ nộp thuế đã chuyển dần từ hệ thống tự kê khai, tự tính thuế sang xác định nghĩa vụ thuế gắn với thời gian thực của hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế, được chi trả ngay bằng hệ thống điện tử gắn với công nghệ Al và các công nghệ hiện đại khác.
"Nói cách khác, người nộp thuế trở thành trung tâm của hệ thống quản lý thuế, có thể tự kiểm tra tính chính xác nghĩa vụ thuế của mình mà hệ thống công nghệ thông tin đã tự tính theo thời gian thực… Mặt khác, các thủ tục thuế và dịch vụ thuế kết nối chặt chẽ với hệ thống quản lý và dịch vụ khác của cơ quan nhà nước trong mô hình chính phủ điện tử", ông Phụng nhận định.
Cũng theo đại diện Tổng cục Thuế, rõ ràng, chuyển đổi số là vấn đề cần thiết và ngành Thuế cũng như các ngành khác không thể không làm. Những việc ngành Thuế làm đều xuất phát từ mong muốn tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và người dân, điển hình là vấn đề hóa đơn, chứng từ và thanh, kiểm tra thuế.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận