Hải quan thông minh - Chiến lược phát triển ngành Hải quan giai đoạn 2021-2030
Ngành Hải quan phấn đấu đến năm 2025 sẽ thực hiện 100% các thủ tục hành chính cấp phép, kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Đây là một trong các mục tiêu mà ngành Hải quan đặt ra nhằm tiến tới mô hình Hải quan thông minh.
- Chính phủ thông qua đề nghị quản lý hải quan hàng xuất, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT
- Hải quan Việt Nam – Nhật Bản cùng tiến tới mô hình hải quan thông minh
- Ngành Hải quan khẩn trương triển khai áp dụng seal định vị điện tử
Bộ Tài chính vừa gửi lấy ý kiến các bộ, ngành về Dự thảo Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030 trước khi trình Thủ tướng xem xét phê duyệt.
Theo đó, Ngành Hải quan Việt Nam quyết tâm thực hiện thành công các mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới 2021-2030, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là sớm hoàn thành việc xây dựng mô hình Hải quan thông minh.
Tổ chức bộ máy
Theo tờ trình, tổ chức bộ máy Hải quan sẽ gồm 03 cấp (cấp Tổng cục, cấp Vùng và cấp Chi cục) theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trung gian, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu quản lý theo mô hình nghiệp vụ hải quan tập trung, thông minh.
Tổ chức hoạt động của bộ máy theo hướng mỗi Hải quan Vùng chỉ có một địa điểm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan; việc kiểm tra thực tế, giám sát hàng hóa, theo dõi quản lý hoạt động gia công, sản xuất của doanh nghiệp do Chi cục Hải quan cửa khẩu hoặc Chi cục Hải quan quản lý địa bàn nơi doanh nghiệp có cơ sở sản xuất thực hiện.
Hình thành các trung tâm chuyên sâu về phân tích, xác định trọng điểm theo từng loại hình cửa khẩu (đường bộ, đường biển, đường hàng không, đường sông, đường sắt); trung tâm phân loại hàng hóa; trung tâm quản lý giá, xuất xứ hàng hóa; trung tâm kiểm tra hồ sơ hải quan.
Kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác kiểm định hải quan để triển khai mô hình kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực
Để đạt được mục tiêu đề ra, Ngành Hải quan tập trung xây dựng, phát triển đội ngũ công chức hải quan các cấp có trình độ chuyên môn sâu, hoạt động liêm chính, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, làm chủ được công nghệ, trang thiết bị hiện đại, đủ về số lượng, cơ cấu phù hợp, được tổ chức, quản lý khoa học, gắn với nhu cầu thực tiễn của vị trí việc làm với năng lực của từng cá nhân, đáp ứng mô hình quản lý hải quan hiện đại.
Đội ngũ công chức cấp Chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, tinh nhuệ, ngang tầm nhiệm vụ. Xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên gia nghiệp vụ 2 cấp Tổng cục và Hải quan Vùng có ngoại ngữ thành thạo, nghiệp vụ tinh thông, có năng lực chủ trì, điều hành các hội nghị quốc tế.
Thực hiện cơ chế tuyển dụng nguồn nhân lực công khai, minh bạch với chế độ đãi ngộ hợp lý đảm bảo thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Hải quan.
Các cơ sở đào tạo chính quy hiện đại có cơ sở vật chất, phương pháp quản lý đào tạo đạt chuẩn của cơ sở đào tạo cấp khu vực và đội ngũ giảng viên được đào tạo đạt chuẩn trong nước và WCO, có thể tham gia giảng dạy quốc tế.
Thực hiện mô hình luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng giữa các cấp tổ chức, giữa các bộ phận trong cùng một đơn vị, trong từng lĩnh vực nghiệp vụ, giữa các lĩnh vực nghiệp vụ nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực giải quyết công việc, kinh nghiệm thực tiễn cho công chức, viên chức chuyên môn nghiệp vụ, công chức, viên chức lãnh đạo và trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo.
Đến nay, nhiều cải cách của ngành Hải quan đạt được đã có tác động và sức lan tỏa lớn, góp phần quan trọng vào việc tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam.
Xây dựng thành công mô hình hải quan thông minh tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế của đất nước, thu hút đầu tư nước ngoài, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, song cũng đảm bảo an ninh, an toàn hàng hóa ra vào Việt Nam, góp phần bảo vệ sức sản xuất trong nước, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, làm bình đẳng, lành mạnh môi trường kinh doanh xuất nhập khẩu.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận