Dữ liệu lớn công cụ phục hồi và phát triển du lịch ở châu Á - Thái Bình Dương
Trong quá trình phục hồi du lịch thì dữ liệu và thông tin thị trường là vô cùng quan trọng, chúng sẽ giúp các điểm đến, các doanh nghiệp và nhân viên ngành du lịch có sự chuẩn bị và ứng phó tốt hơn trong bối cảnh có nhiều biến động này. Khi được xử lý và phân tích đúng cách, dữ liệu lớn có thể cung cấp thông tin chi tiết có giá trị về xu hướng, hành vi của người tiêu dùng và những triển vọng.
- Hệ thống dữ liệu lớn giúp cảnh báo đa thiên tai
- 'Tem du lịch an toàn' áp dụng cho 400 điểm đến trên thế giới
- Big data - Nhiệm vụ trọng tâm xây dựng quốc gia số trong "khủng hoảng" chip bán dẫn của Nhật Bản
Đẩy mạnh khai thác dữ liệu lớn thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch
Liên tiếp 2 năm qua, đại dịch COVID -19 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành du lịch trên khắp thế giới. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), năm 2020, du lịch toàn cầu đã phải trải qua năm tồi tệ nhất với lượng khách quốc tế giảm 74% so với năm 2019, tổn thất doanh thu ước tính khoảng 1,1 nghìn tỷ USD. Trong đó, khi vực châu Á - Thái Bình Dương là nơi đầu tiên chịu tác động của COVID-19 và là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất cho đến nay với lượng khách quốc tế năm 2020 giảm 84%.
Trong quá trình phục hồi du lịch thì dữ liệu và thông tin thị trường là vô cùng quan trọng, chúng sẽ giúp các điểm đến, các doanh nghiệp (DN) và nhân viên ngành du lịch có sự chuẩn bị và ứng phó tốt hơn trong bối cảnh có nhiều biến động này. Đại dịch COVID-19 cũng đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số (CĐS) và cho thấy sự cần thiết phải có dữ liệu đáng tin cậy để quản lý du lịch.
Ảnh minh họa.
Dữ liệu lớn cũng đồng thời là công cụ hỗ trợ chính cho du lịch liền mạch thông qua việc triển khai các quy trình an toàn, công nghệ an toàn sinh học và chứng nhận sức khỏe số để cho phép việc mở lại biên giới một cách an toàn.
Đối với lĩnh vực du lịch, dữ liệu lớn được tạo ra bất cứ khi nào: khi người tiêu dùng tìm kiếm du lịch trực tuyến, đặt phòng bằng các nền tảng số như đại lý du lịch trực tuyến và hệ thống đặt phòng toàn cầu,... Thậm chí, khi du khách bắt đầu chuyến du lịch, dữ liệu lớn về thói quen du lịch có thể được thu thập. Khi được xử lý và phân tích đúng cách, dữ liệu lớn có thể cung cấp thông tin chi tiết có giá trị về xu hướng, hành vi của người tiêu dùng và những triển vọng.
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chính phủ các nước đang đẩy mạnh khai thác dữ liệu lớn không chỉ thúc đẩy du lịch mà còn để xây dựng và thực hiện các chính sách liên quan đến du lịch.
Cụ thể, năm 2018, Tổng cục Du lịch Singapore đã phát triển nền tảng Mạng lưới Phân tích Du lịch Singapore (STAN) nhằm tìm kiếm những hiểu biết sâu hơn từ những dữ liệu của Tổng cục, các cơ quan chính phủ và các nhà cung cấp dữ liệu lớn khác.
Nhờ tích hợp hơn 20.000 miền dữ liệu nội bộ và ký 15 thỏa thuận chia sẻ dữ liệu với các nhà cung cấp dữ liệu lớn nhất trên thế giới như Grab, Tencent, Expedia, nền tảng STAN đã giúp Tổng cục Du lịch Singapore phân tích các thị trường nguồn chính và khám phá những xu hướng của du khách Trung Quốc và Indonesia, giúp các nhà bán lẻ điều chỉnh các chiến dịch và sản phẩm phù hợp để thu hút nhóm du khách này tốt hơn.
Ngoài ra, STAN còn được sử dụng để phân tích thói quen lưu trú khách sạn của du khách, giúp các chủ khách sạn thiết kế những gói sản phẩm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách và tăng cường bán chéo giữa các cơ sở khách sạn.
Bộ dữ liệu cấp cao trên STAN cho phép mọi người truy cập các số liệu thống kê du lịch và dữ liệu lớn. Tổng cục Du lịch Singapore cho biết họ cũng sẽ cập nhật nền tảng nhằm gia tăng số lượng bộ dữ liệu, cung cấp thông tin về vị trí địa lý dạng ẩn danh để tìm hiểu những hoạt động du khách thường trải nghiệm khi đến Singapore. Cuối cùng, STAN sẽ giúp các công ty đánh giá hiệu suất của mình so với các đối thủ và hiểu hơn về đối tượng mục tiêu của mình.
Năm 2018, Tổng cục Du lịch Thái Lan đã hợp tác với Expedia để chạy các quảng cáo trên nhiều nền tảng web của Expedia và đạt được 750 triệu lượt xem/tháng. Điều này đã giúp thu hút nhiều du khách quốc tế đến với Thái Lan hơn, giúp cơ quan quản lý cân bằng luồng giao thông đi lại trong mùa thấp điểm và cao điểm, đồng thời phân tán khách du lịch đều khắp các địa điểm.
Do tác động của ngành du lịch là đa chiều, các quốc gia có thể sử dụng dữ liệu lớn từ nhiều nguồn khác nhau và chia sẻ thông tin giữa các lĩnh vực để cải thiện chính sách và dịch vụ. Tại Thái Lan, các cảm biến thông minh đang được sử dụng để giám sát an toàn biển, cho phép nhân viên cứu hộ và các nhân viên dịch vụ an toàn khác giám sát tốt hơn các bãi biển, tình trạng thuyền, vị trí và thời tiết.
Hệ thống phân tích xã hội và kinh tế khu vực của Nhật Bản cũng ứng dụng dữ liệu lớn. Trong đó, dữ liệu lớn được tổng hợp từ các cơ quan chính phủ và khu vực tư nhân, cho phép các phân tích vĩ mô, bao gồm những thay đổi trong cơ cấu công nghiệp, và phân tích vi mô, xác định thời gian khách du lịch ở lại các điểm nổi tiếng hoặc truy vết lịch sử các cửa hàng và văn phòng mà du khách ghé thăm trong các khu mua sắm.
Phân tích dữ liệu lớn còn được sử dụng để nghiên cứu thói quen chi tiêu của khách du lịch theo quốc gia nhằm phát triển các chiến lược tiếp thị phù hợp theo các nhóm du khách.
Tuy nhiên, nghiên cứu của ADB cũng cho thấy những thách thức chủ yếu trên con đường nhận thức được đầy đủ về tiềm năng của dữ liệu lớn và CĐS để hỗ trợ xây dựng chính sách du lịch tốt hơn, bao gồm thách thức về công nghệ, tổ chức, thể chế và tài chính. Trong đó, những vấn đề liên quan quyền riêng tư dữ liệu, an ninh mạng và khoảng cách năng lực kỹ năng đang được quan tâm hàng đầu.
Những thách thức này cho thấy rõ sự cấp thiết cần có một kế hoạch toàn diện để mở đường cho việc sử dụng dữ liệu lớn một cách hiệu quả nhất, nhằm hỗ trợ phục hồi du lịch và phát triển du lịch theo hướng xanh và bền vững hơn.
Giải quyết vấn đề về quyền riêng tư và chia sẻ dữ liệu để du lịch "cất cánh"
Khi ngành công nghiệp du lịch ngày càng được số hóa, du khách cũng nhận thấy một lượng lớn thông tin về họ đang được thu thập. Nếu họ cảm thấy rằng dữ liệu cá nhân bị của mình thu thập quá nhiều và xâm phạm quyền riêng tư của họ, họ sẽ phản ứng mạnh mẽ và điều này có thể làm sụt giảm số lượng khách đến.
Ảnh minh họa: Nguồn TTXVN.
Tần suất sử dụng giao dịch trực tuyến ngày càng tăng, khi đó, quyền riêng tư dữ liệu được cho là vấn đề quan trọng nhất mà các chính phủ phải giải quyết khi ứng dụng dữ liệu lớn. Các luật về quyền riêng tư dữ liệu cần liên tục được bổ sung, sửa đổi để bắt kịp với những đổi mới công nghệ. Hai dữ liệu lớn nhất được sử dụng để quản lý điểm đến và sản phẩm - đó là thông tin giao dịch thẻ tín dụng và dữ liệu vị trí di động - đang gây ra những lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu và các vấn đề liên quan tới xác thực danh tính.
Để giải quyết các vấn đề liên quan tới thông tin cá nhân xuyên biên giới, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đã xây dựng hệ thống Quy tắc về quyền riêng tư xuyên biên giới (CBPR) vào năm 2011, nhằm thiết lập các cam kết ràng buộc có thể thực thi nhằm nâng cao tiêu chuẩn chung về bảo vệ quyền riêng tư. Tuy nhiên, dù đã tồn tại 10 năm, hệ thống này mới chỉ được áp dụng đầy đủ ở chín địa điểm du lịch.
Liên quan mật thiết đến các mối quan tâm về quyền riêng tư dữ liệu là an ninh mạng, hoạt động bảo vệ máy tính, máy chủ, thiết bị di động, hệ thống điện tử, mạng và dữ liệu khỏi các cuộc tấn công độc hại. Vi phạm dữ liệu bao gồm gian lận hoặc đánh cắp dữ liệu và các cuộc tấn công mạng quy mô lớn hay các vi phạm an toàn dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư đều gây thiệt hại về tài chính và danh tiếng cho chủ sở hữu dữ liệu.
Bên cạnh đó là tình trạng thiếu hụt nhân lực an toàn thông tin. Dịch COVID-19 thúc đẩy các công ty chuyển nhiều công việc lên mạng hơn. Tuy nhiên, họ vẫn cần thêm hàng triệu chuyên gia bảo mật để bảo vệ tài sản quan trọng.
Theo khảo sát mới của tổ chức Chứng chỉ bảo mật hệ thống thông tin quốc tế (ISC2), dù lực lượng nhân sự an ninh mạng thế giới tăng 25% trong năm nay đạt 3,5 triệu người, vẫn còn thiếu hơn 3 triệu chuyên gia bảo mật nữa. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương thiếu hụt trầm trọng nhất khi cần tới khoảng 2 triệu chuyên gia.
Chia sẻ dữ liệu lớn do khu vực tư nhân nắm giữ cũng là một thách thức. Hiện tại, chỉ có một số quốc gia đưa ra các chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ dữ liệu trong khu vực tư nhân và giữa chính phủ và khu vực tư nhân. Bởi vậy, các chính phủ cần xây dựng các chính sách mới để tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi này. Quan hệ đối tác công tư là một mô hình hấp dẫn để thúc đẩy chia sẻ dữ liệu xuyên ngành và đã được Tổng cục Du lịch Singapore và Tổng cục Du lịch Thái Lan sử dụng.
Để giúp ngành du lịch châu Á - Thái Bình Dương phục hồi và phát triển bền vững sau đại dịch, việc khai thác đầy đủ tiềm năng của dữ liệu lớn từ các chính phủ và DN đóng vai trò rất quan trọng.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận