Bàn giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp ngành du lịch
Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số cho rằng, sự chuyển đổi của ngành du lịch đòi hỏi cách tư duy mới (tư duy số) cùng những năng lực mới (năng lực số) để có thể chuyển đổi một cách hiệu quả cách thức tổ chức, vận hành các hoạt động du lịch theo hướng kết hợp người và máy (H2M) để ứng dụng hiệu quả các công nghệ số và dữ liệu số.
- 'Bình dân' hóa Chuyển đổi số
- 7 xu hướng định hình chuyển đổi số cho năm 2023
- Chuyển đổi số du lịch - Mục tiêu Cần Thơ cần hoàn thành trong năm 2023
Ngày 17 tháng 8 năm 2023 tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng công ty viễn thông MobiFone tổ chức chương trình hội thảo, tọa đàm “Ứng dụng giải pháp Công nghệ thông tin thúc đẩy quá trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp ngành du lịch”.
Chương trình được tổ chức nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng phát triển du lịch thông minh, gia tăng kết nối để xây dựng hệ sinh thái bền vững, thực hiện chủ trương Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Sự kiện thu hút sự tham gia của gần 100 đại biểu doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực: du lịch, lữ hành, vận tải, hàng không, khách sạn, viễn thông, kinh doanh quốc tế, ….
Theo ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thì việc ứng dụng các sáng kiến số và giải pháp công nghệ sẽ giúp ngành du lịch xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh có giá trị kinh tế, xã hội cao theo hướng phát triển bền vững.
Ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: Hùng Cường
"Quá trình chuyển đổi số của ngành du lịch Việt Nam được đánh giá là vẫn còn nhiều rào cản do nền tảng chất lượng lao động ngành du lịch chưa đồng đều, trình độ quản lý còn nhiều hạn chế, các giải pháp và nền tảng, hạ tầng công nghệ số còn chưa đầy đủ, dịch vụ du lịch tương đối tụt hậu so với các nước trong khu vực, ... Do đó, quá trình chuyển đổi số đòi hỏi sự quyết liệt, đổi mới cả trong tư duy lẫn hành động của toàn ngành du lịch, từ vai trò của cơ quan quản lý, cũng như sự cố gắng, nỗ lực từ phía doanh nghiệp, tổ chức và chính quyền các địa phương. Chuyển đổi số không chỉ là việc đầu tư thay đổi về công nghệ, mà còn là sự cam kết và thay đổi về phương thức tiếp cận, xúc tiến, quảng bá và quản lý hoạt động du lịch trên nền tảng số…đồng thời là sự nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của khách hàng... ", Ông Nghĩa nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các ứng dụng công nghệ giúp doanh nghiệp du lịch tối ưu hóa nhân sự, dễ dàng quản lý hệ thống, gia tăng hiệu suất công việc và nâng cao năng lực cạnh tranh. Không chỉ áp dụng trong quản lý kinh doanh, công nghệ còn tạo ra sự kết nối, liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, tạo ra sự minh bạch và phát triển bền vững.
Giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch, ông Nghĩa đưa ra, nhấn mạnh vào chuyển đổi số cần lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm nhằm cung cấp dịch vụ ngày càng có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Đồng thời, bên cạnh sự đầu tư của Chính phủ, cần những giải pháp xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cả trong nước và hợp tác quốc tế đầu tư phát triển công nghệ số cho ngành du lịch, để chuyển đổi số đi vào thực chất, hiệu quả, tránh tình trạng chồng chéo, lãng phí.
Cũng tại hội nghị, Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số trực thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam, đã chia sẻ Mô hình phát triển du lịch thông minh - một tiếp cận từ kiến trúc dữ liệu nền tảng.
Theo ông Giang, sự chuyển đổi của ngành du lịch để thích ứng đó đòi hỏi một sự thay đổi về nền tảng căn bản cách tổ chức các hoạt động du lịch, cách thiết kế các sản phẩm du lịch, trong đó, mô hình tổ chức hoạt động là hình thái chủ đạo thể hiện sự chuyển đổi này. Điều này cũng đòi hỏi cách tư duy mới (tư duy số) cùng những năng lực mới (năng lực số) để có thể chuyển đổi một cách hiệu quả cách thức tổ chức, vận hành các hoạt động du lịch theo hướng kết hợp người và máy (H2M) để ứng dụng hiệu quả các công nghệ số và dữ liệu số.
Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số chia sẻ về Mô hình phát triển thông minh. Ảnh: Hùng Cường
Ông Giang cũng nhấn mạnh, chuyển đổi số trong ngành du lịch là cuộc cách mạng về mặt tư duy, khi các công nghệ số phát triển, ngành du lịch có thể giúp cho khách hàng mở rộng sự trải nghiệm của mình bằng cách, thông qua các ứng dụng công nghệ số, cho phép cảm nhận thế giới xung quanh chi tiết hơn bao giờ hết.
Việc cần thiết, là các công ty du lịch cần thiết kế các sản phẩm, dịch vụ du lịch ngày càng tốt hơn, chăm lo đến từng cá nhân hiệu quả hơn, an toàn hơn và kịp thời hiệu chỉnh và hỗ trợ khách hàng để có được những trải nghiệm tốt nhất. Thế giới đang thay đổi và ngành du lịch cũng phải thay đổi. Mọi người tương tác theo những cách thức mới, điều đó đòi hỏi ngành du lịch cũng phải chuyển đổi để có thể tạo ra những cách thức trải nghiệm mới thông qua những cách thức mới tương tác giữa con người với nhau, giữa con người với môi trường, giữa con người với những cảm xúc.
"Ngành du lịch phải hình thành một hình thái tổ chức mới phù hợp với kỷ nguyên số, trong đó công nghệ là động lực, hình thành nên môi trường du lịch số làm nền tảng dẫn động, và được dẫn đạo bởi sự chuyển đổi của nền tảng sức mạnh của ngành du lịch từ dựa vào vốn tài chính (capital) sang dựa vào vốn dữ liệu (data-capital)."
Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số trực thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam
Không chỉ lướt qua các phong cảm, cảm nhận trực giác về thế giới xung quanh,khách hàng còn có thể cảm nhận được những âm thanh, khám phá những bí mật nhỏ bé và ẩn giấu trong những phong cảnh đó nhờ những cảm biến nhỏ bé được tích hợp và trở thành công cụ hỗ trợ trải nghiệm trong các cảnh vật suốt hành trình trải nghiệm. Việc đưa các cảm biến trở thành một phần trong việc thiết kế các sản phẩm, dịch vụ du lịch và kiến tạo nên dữ liệu để “viết nhật ký hành trình” sẽ giúp chúng ta có thể tạo ra và cho phép khách du lịch khám phá được những góc nhìn mới, trải nghiệm mới, cảm xúc mới theo kiểu mẫu mới, phân biệt nhiều biến thể và khám phá những thực tế mới với những hành trình du lịch truyền thống.
Trong khuôn khổ sự kiện, Ông Nguyễn Hữu Việt, Trưởng phòng Xúc tiến Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch TP. Hà Nội đưa ra các giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững du lịch Hà Nội, đó là: Bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; Đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa; Khuyến khích du lịch sinh thái; Khai thác và quảng bá du lịch nông nghiệp; Liên kết với các địa phương trong xây dựng sản phẩm kết nối vùng hấp dẫn, có lợi thế cạnh tranh trong khu vực Đông Nam Á; Xây dựng mối liên kết cộng đồng làm du lịch; Áp dụng các giá trị du lịch bền vững; Phát triển thương hiệu du lịch xứng tầm điểm đến; Ứng dụng công nghệ số trong du lịch, … để Hà Nội xứng tầm là điểm đến Thủ đô của Việt Nam, nơi hội tụ các giá trị tinh hoa của đất nước, trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn mang tính bền vững của Việt Nam và khu vực Châu Á.
Tại sự kiện, ông Nguyễn Ngọc Linh, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ MobiFone Khu vực 1 đã cam kết MobiFone đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số.
Theo đó, đại diện MobiFone đã giới thiệu các giải pháp Du lịch thông minh MobiFone Smart Travel cung cấp thông tin và hỗ trợ khách du lịch, ứng dụng công nghệ VR…, & ứng dụng giải pháp Tổng đài AI thông minh cho doanh nghiệp ngành du lịch, … Với mục tiêu xây dựng bộ công cụ hiệu quả, kết nối giữa cơ quan quản lý - doanh nghiệp - du khách, đem lại sản phẩm du lịch hoàn thiện, chất lượng cao, trải nghiệm trọn vẹn, trên cơ sở lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, dựa trên các nền tảng: Tổ chức cơ sở dữ liệu đồng nhất, tập trung; Tổ chức dữ liệu Big data trực quan, hiệu quả; Hệ sinh thái cấu trúc Microservice đáp ứng nhu cầu du lịch thông minh; Nền tảng công nghệ tiên tiến, bảo mật; Mobifone đã mang đến các tiện ích: Ứng dụng Du lịch thông minh SmartTravel; Cổng thông tin du lịch; Bản đồ số; Hệ thống thăm quan ảo 3D; Hệ thống sim du lịch; Tổng đài AI thông minh, …
Giải pháp MobiFone Smart Travel giới thiệu tới các doanh nghiệp tại Hội thảo. Ảnh: Hùng Cường
Với chủ đề “Xây dựng giải pháp công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển du lịch thông minh” tại phiên tọa đàm, các diễn giả cùng các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn để thúc đẩy chuyển đổi số, nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch năm 2023 và các năm tiếp theo. Các chuyên gia đã dành thời gian lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và đưa ra các giải pháp phù hợp với từng lĩnh vực, cùng doanh nghiệp vượt qua thách thức trong bối cảnh hiện nay. Các chuyên gia nhận định cần tập trung vào các nhóm giải pháp quan trọng như: Tập trung phát triển một số nền tảng số căn bản của ngành du lịch; Tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành du lịch và ngành công nghệ thông tin để thiết kế giải pháp, mô hình công nghệ đáp ứng nhu cầu quản lý, kinh doanh du lịch số; Phát huy cơ chế hợp tác công tư để huy động nguồn lực triển khai chuyển đổi số du lịch; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong ngành du lịch nâng cao kiến thức, kỹ năng và hiểu biết về công nghệ, chuyển đổi số; Tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số du lịch, nhất là với các tập đoàn công nghệ toàn cầu để tận dụng tri thức và nguồn lực, …
Đại diện VCCI cho biết, sự kiện này là một trong chuỗi nhiều chương trình mà VCCI đã và đang tổ chức nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số và đổi mới sáng tạo; đồng thời nâng cao vai trò của doanh nghiệp với các định hướng phát triển công nghệ thông tin theo xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ của đất nước.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận