Việt Nam đặt mục tiêu làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo vệ tinh
Đầu tư phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ là quá trình liên tục và lâu dài, kế thừa và phát huy tối đa các kết quả đã đạt được của Chiến lược đến năm 2020. Phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ là mục tiêu lớn của Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Internet vệ tinh cơ hội và thách thức
- Hé lộ kế hoạch "bí mật" của Apple về hoạt động phóng vệ tinh lên không gian
- Lần đầu tiên vệ tinh phát hiện, đo được rò rỉ khí ô nhiễm
Chiến lược đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cho phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030, bao gồm: Hoàn thiện thể chế, khung pháp lý quốc gia; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật; phát triển nguồn nhân lực; phát triển thị trường; hợp tác quốc tế; và nâng cao nhận thức về khoa học và công nghệ vũ trụ. Trong đó, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật là nhiệm vụ thiết yếu và cơ bản để phát triển khoa học công nghệ vũ trụ.
Cụ thể, tại Chiến lược, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải hoàn thành đầu tư dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam theo tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đầu tư nâng cấp các phòng thí nghiệm chuyên sâu phục vụ nghiên cứu về vật lý địa cầu, vật lý thiên văn, vũ trụ học, môi trường không trọng lực, y sinh học vũ trụ, thời tiết vũ trụ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo, tích hợp, kiểm thử vệ tinh nhỏ; nghiên cứu xây dựng, triển khai phương án kịp thời thay thế 02 vệ tinh viễn thông VINASAT-1, VINASAT-2.
Cùng với đó, đầu tư phát triển năng lực quan sát Trái đất dựa trên vệ tinh nhỏ có độ phân giải cao, siêu cao, bằng công nghệ cảm biến quang học, ra-đa, kết hợp với thiết bị bay không người lái; nghiên cứu, đề xuất giải pháp, tổ chức thực hiện đề án xây dựng và phát triển năng lực định vị dẫn đường quốc gia; đầu tư hoàn thiện hạ tầng quốc gia về hệ thống thông tin địa lý, phục vụ công tác quản lý, giám sát lãnh thổ, lãnh hải, các công trình trọng yếu cấp quốc gia… Đặc biệt, việc nghiên cứu xây dựng, triển khai phương án thay thế 02 vệ tinh viễn thông VINASAT-1, VINASAT-2 do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì thực hiện.
Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo thiết bị đầu cuối, trạm mặt đất điều khiển và thu nhận dữ liệu vệ tinh, các bộ phát cho vệ tinh viễn thông. Bên cạnh đó, hình thành năng lực định vị dẫn đường của Việt Nam, giảm sự phụ thuộc vào các hệ thống định vị dẫn đường sử dụng vệ tinh toàn cầu hiện có. Ứng dụng khinh khí cầu, khí cụ bay ở tầng bình lưu phục vụ nghiên cứu khoa học, đo đạc, thăm dò khí quyển, phát triển dịch vụ du lịch.
Việc đầu tư phát triển công nghệ vũ trụ là nhu cầu cấp thiết nhằm nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước; chủ động về nguồn, góp phần giám sát, hỗ trợ ra quyết định ứng phó với các hoạt động, biến đổi của thiên nhiên, các biến động xã hội trên diện rộng trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.
Bảo đảm tính thời sự của dữ liệu bản đồ, hệ thống thông tin địa lý, dữ liệu tài nguyên, môi trường phục vụ công tác quản lý nhà nước, cung cấp nền tảng số cho phát triển đa dạng dịch vụ.
Cung cấp đa dạng các dịch vụ và giải pháp để giải quyết những vấn đề toàn cầu, mang lại nhiều lợi ích trong việc phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng.
Để đạt được các mục tiêu trên, chiến lược tập trung vào việc đào tạo được đội ngũ khoảng 300 chuyên gia, 3.000 kỹ sư triển khai trong lĩnh vực khoa học và công nghệ vũ trụ.
Đầu tư nâng cấp khoảng 10 phòng thí nghiệm chuyên sâu, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh về khoa học vũ trụ, công nghệ vũ trụ, ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ.
Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, khoa học và công nghệ vũ trụ là biểu tượng của quốc gia có trình độ phát triển kỹ thuật cao. Trong thế kỷ 21, khoa học và công nghệ vũ trụ hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững, cung cấp nhiều dịch vụ và giải pháp để giải quyết những vấn đề toàn cầu, mang lại nhiều lợi ích trong việc phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng.
Đặc biệt, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất trên thế giới bởi sự nóng lên toàn cầu và sự biến đổi khí hậu. Các dịch vụ và công nghệ vũ trụ sẽ là chìa khóa để hiểu hơn quá trình biến đổi khí hậu và hỗ trợ toàn bộ chu trình giám sát, phòng chống thiên tai. Qua đó, góp phần hạn chế tối đa tác động của những thảm họa thiên nhiên do thiên tai và biến đổi khí hậu.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận