Chung-chin Kao trong công cuộc phát triển IBM
Hình ảnh máy đánh chữ điện.
Kao sinh ra tại Trung Quốc năm 1906. Năm 1936, ông đến Anh để học kỹ thuật điện tại Cao đẳng Marconi ở Chelmsford. Hai năm sau, ông đến Đức để tiếp tục học tập, nhưng kế hoạch phải bỏ dở do Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Năm 1942, Kao đến Mỹ.
Đến năm 1943, Kao đã trở thành trưởng phòng phát thanh của Thông tấn xã Trung ương Trung Quốc, đồng thời là nhân viên nghiên cứu liên lạc vô tuyến của Ủy ban Quân vụ Trung Quốc tại Mỹ.
Ông làm việc tại cơ sở ở New York, tại một xưởng trên đường East 37. Chính tại đây, Kao bắt đầu thực hiện dự án "mới lớn" của mình: chế tạo máy đánh chữ điện hỗ trợ tiếng Trung đầu tiên.
Giống rất nhiều nhà phát minh và kỹ sư thời đó, suy nghĩ đầu tiên của Kao là hướng đến IBM - ông lớn công nghệ thời đó của Mỹ - và hy vọng thiết lập mối quan hệ hợp tác, nghiên cứu và sản xuất với hãng này.
Đầu những năm 1940, Kao trình bày bản phác thảo ban đầu về chiếc máy của mình cho nhóm kỹ sư IBM và được đánh giá cao. Cả hai bắt tay chế tạo và hoàn tất chiếc máy năm 1947.
Máy đánh chữ do IBM chế tạo được đánh giá là một sự kỳ công. Máy có kết cấu gồm 5.400 ký tự Trung Quốc cùng hệ thống chữ cái tiếng Anh, dấu chấm câu, chữ số và các kỹ hiệu khác. Nhưng quan trọng hơn, chiếc máy đã giúp IBM đặt dấu chân đến thị trường Trung Quốc rộng lớn sau đó.
Chan Yeh và công cuộc số hóa tiếng Trung
Hình ảnh hệ thống xử lý ký tự tiếng Trung của Chan Yeh.
Trong nửa sau của thế kỷ 20, IBM tiếp tục thu hút nhiều kỹ sư gốc Á tại Mỹ và người Mỹ gốc Á xuất sắc trên khắp thế giới. Chan Yeh - kỹ sư, nhà phát minh và doanh nhân người Mỹ gốc Đài Loan nằm trong số đó.
Sinh ra ở Đài Loan, Yeh từng là thông dịch viên, sau đó di cư sang Mỹ và đăng ký vào Học viện Hàng không Northrop (nay là Đại học Northrop) ở Inglewood, California.
Ông tiếp tục làm công việc cơ khí máy bay chở hàng tại Slick Airways ở Burbank trước khi vào Học viện Quân sự Virginia. Ý định của ông là chuyên ngành lịch sử. Tuy nhiên, do trình độ tiếng Anh không tốt, Yeh sợ thi không đậu, nên quyết định theo đuổi ngành kỹ thuật điện.
Tuy nhiên, đam mê lịch sử cửa Yeh vẫn tiếp tục được nuôi dưỡng. Trong một bài giảng tại VMI của Arnold Toynbee về sự phát triển và sụp đổ của các nền văn minh, Yeh được nghe về các giai đoạn phát triển chữ viết tiếng Trung.
"Khi đó, tôi nghĩ rằng với tất cả kiến thức đang có về công nghệ, cơ khí, điện, điện tử và sự hiểu biết về chữ Hán của một người Trung Quốc, tôi phải làm gì đó để bảo tồn nền văn hóa này", Yeh nói.
Yeh tốt nghiệp năm 1960 với bằng Cử nhân kỹ thuật điện, chuyên ngành khoa học quân sự. Ông tiếp tục học Đại học Cornell và nhận bằng Thạc sĩ kỹ thuật hạt nhân năm 1963, sau đó là Tiến sĩ Kỹ thuật điện năm 1965. Sau khi tốt nghiệp, Yeh gia nhập IBM.
Là người chuyên về điều khiển tự động, Yeh đã phát triển các hệ thống tính toán để quản lý các quy trình công nghiệp trong các nhà máy giấy, nhà máy lọc hóa dầu, nhà máy thép, nhà máy đường... Ông chủ yếu làm việc tại văn phòng mới của IBM ở San Jose, California.
Trong thời gian làm việc tại IBM, Yeh dành thời gian rảnh rỗi để khám phá một lĩnh vực hoàn toàn khác: xử lý các ký tự Trung Quốc trên nền tảng điện tử. Ông tin rằng có thể số hóa các ký tự Trung Quốc và từ đó đưa chữ viết Trung Quốc vào máy tính. Yeh đặt biệt danh cho dự án riêng của mình là "Đại bàng sắt", dựa trên các ký tự Trung Quốc đầu tiên được số hóa: ying (đại bàng) và tie (sắt).
"Đại bàng sắt" ngay lập tức thu hút sự chú ý của Đài Loan. Tham mưu trưởng liên quân Đài Loan đề nghị Yeh nghỉ việc tại IBM và tập trung toàn thời gian vào dự án. Yeh đồng ý. Ông nộp đơn từ chức, nhưng IBM không chấp nhận, nhưng cho phép nghỉ một năm để tập trung vào dự án này.
Yeh nghỉ phép năm 1971. Ông sau đó đảm nhận vai trò là giáo sư thỉnh giảng về toán học ứng dụng và kỹ thuật hạt nhân tại Đại học Quốc gia Tsing Hua ở Đài Loan.
Năm sau, ông thành lập công ty có tên Ideographix tại California và đặt trụ sở tại đây - một trong những tòa nhà được xây dựng sớm nhất ở Thung lũng Silicon. Sản phẩm chủ lực của Ideographix là IPX, hệ thống tạo khuôn mẫu bằng máy tính. Cỗ máy này được đánh giá là đã thay đổi ngành in ấn của Trung Quốc mãi mãi sau này.
Khoảng bảy năm đầu tiên tồn tại, "Đại bàng sắt" (hay còn gọi là IPX) chỉ được quân đội Đài Loan và Mỹ sử dụng. Hai trong số những khách hàng lớn đầu tiên của Yeh là Cục Viễn thông Đài Loan và Cục Thuế quốc gia Đài Bắc.
Yeh sau đó bắt đầu được các hãng truyền thông tiếp cận, một trong đó là tờ nhật báo lớn nhất Đài Loan, United Daily News (Lianhebao). Với sự xuất hiện của IPX, lực lượng lao động hơn 400 người tại United Daily News đã giảm xuống chỉ còn 50 người, đồng thời thời gian thực hiện công việc rút ngắn hơn rất nhiều. Đây cũng là lý do giúp tờ báo đánh bại các đối thủ khác trong cuộc chạy đua phát hành sau đó.
Leo Esaki và nhiều phát minh vĩ đại
Hình ảnh "Người đi xuyên tường" Leo Esaki.
Công nghệ truyền thông chỉ là một trong vô số lĩnh vực được người nhập cư châu Á và cộng đồng người Mỹ gốc Á Thái Bình Dương đi tiên phong. Thực tế, các lĩnh vực khác gồm y học, kỹ thuật, hóa học cũng có dấu chân của người gốc Á, như nhà khoa học người Mỹ gốc Nhật Leo Esaki ở mảng vật lý.
Esaki sinh năm 1925 tại Osaka (Nhật Bản). Ông đã trải qua những năm tháng thiếu niên bị bao trùm bởi sự hỗn loạn, tàn phá và chết chóc. Nhưng những trải nghiệm này cũng tạo cho ông niềm khao khát muốn hiểu về thế giới. "Trong khoa học tự nhiên, tôi nghĩ vật lý là nền tảng cơ bản nhất", Esaki nói về lựa chọn của mình trong một cuộc phỏng vấn năm 2004.
Esaki học tại Đại học Tokyo và lấy bằng Tiến sĩ sau 12 năm. Ông sau đó gia nhập Tổng công ty Kỹ thuật Viễn thông Tokyo - công ty tiền thân của Sony. Chính tại đây, Esaki đã thực hiện một trong những bước đột phá lớn nhất cuộc đời: khám phá ra một loại "đường hầm" chưa được biết đến trong vật liệu bán dẫn.
Cụ thể, Esaki đã phát hiện các vòng đời electron có thể "đi xuyên bức tường nguyên tử" trên chất bán dẫn - nền tảng của nhiều chip điện tử hiện nay. "Nó giống nhân vật chính của bộ phim khoa học viễn tưởng Người đàn ông đi xuyên tường vậy", nhà vật lý Yale Yu He giải thích trong một cuộc phỏng vấn.
Năm 1957, Esaki và các đồng nghiệp lần đầu tiên trình diễn lý thuyết về hiệu ứng đường hầm trong vật lý, sau đó ra thiết bị điện tử lượng tử đầu tiên mang tên ông: Diode Esaki, hay Diode xuyên hầm (Diode Tunnel).
Khám phá về Diode Tunnel không chỉ đặt nền tảng cho những khám phá sâu hơn về sự dịch chuyển electron bên trong của chất rắn, mà còn truyền cảm hứng cho những tiến bộ khác trong khoa học bán dẫn và điện tử.
Năm 1960, Esaki gia nhập Trung tâm Nghiên cứu Thomas J. Watson của IBM, sau đó tiếp tục nghiên cứu một lĩnh vực tiên phong khác là "thiết kế cấu trúc lượng tử bán dẫn", áp dụng để xây dựng các siêu kết tụ (superlattices) - yếu tố ảnh hưởng đến chất bán dẫn, kim loại và vật liệu từ tính.
Năm 1973, Esaki nhận giải thưởng Nobel vật lý. Năm 1991, ông nhận Huân chương Danh dự IEEE. Năm 1992, ông trở lại Nhật Bản và đảm nhận chủ tịch của Đại học Tsukuba và Viện Công nghệ Shibaura.
Danh sách những người châu Á đặt nền tảng cho công nghệ Mỹ và thế giới còn rất nhiều. Trong đó, có thể kể đến Kie Y. Ahn - kỹ sư người Mỹ gốc Hàn Quốc với các nghiên cứu về phim từ tính và thiết bị bộ nhớ; Ajay Bhatt - nhà nghiên cứu tiên phong người Mỹ gốc Ấn Độ, người đã đưa ra chuẩn USB (Universal Serial Bus) phổ biến hiện nay; hay An Wang, người sáng lập Phòng thí nghiệm Wang, chuyên về các sản phẩm máy đánh chữ, máy tính, bộ xử lý văn bản, sau này là máy photocopy và máy in lazer.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận