'Khủng hoảng' chip bán dẫn toàn cầu: Từ nỗi lo thiếu hụt đến những khoản đầu tư 'kếch xù'
Tình trạng thiếu chip bán dẫn toàn cầu đang ngày càng tăng mạnh khi các chuỗi sản xuất toàn cầu liên tục bị đứt gãy do ảnh hưởng của đại dịch khiến các quốc gia phải tập trung các khoản "kếch xù" xây dựng nhà máy sản xuất để bù đắp sự thiếu hụt này.
Tình trạng thiếu chip - "bộ não" trong mọi thiết bị điện tử - đang trở nên tồi tệ kể từ năm ngoái. Và thế giới đang chuẩn bị cho một "cuộc đua" về chất bán dẫn, trong đó sự cân bằng trong hỗ trợ cho cả sản xuất và sáng tạo đổi mới sẽ phân định "kẻ thắng người thua" trong lĩnh vực này.
Từ nỗi lo thiếu hụt...
Ban đầu, vấn đề chỉ đơn thuần là gián đoạn tạm thời về nguồn cung do các nhà máy buộc phải đóng cửa khi đại dịch COVID-19 lần đầu tiên bùng phát, gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện nay, mặc dù hoạt động sản xuất tại hầu hết các quốc gia trên thế giới gần như trở lại bình thường, nhưng sự gia tăng nhu cầu mới do thay đổi nhu cầu và hành vi tiêu dùng được thúc đẩy bởi đại dịch, đã khiến sự thiếu hụt chip điện tử đạt tới giới hạn khủng hoảng.
Những tác động của đại dịch toàn cầu đã tác động đến nguồn cung chất bán dẫn trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Năm ngoái, ngay cả "gã khổng lồ" công nghệ Apple, tập đoàn có giá trị lên tới 2.000 tỉ USD và là doanh nghiệp mua chất bán dẫn lớn nhất thế giới với mức chi tiêu 58 tỉ USD mỗi năm, cũng buộc phải trì hoãn việc ra mắt chiếc iPhone 12 trong hai tháng, do thiếu hụt nguyên liệu sản xuất.
Hãng sản xuất ô tô nổi tiếng thế giới Ford gần đây đã phải hủy số ca làm việc tại hai nhà máy sản xuất ô tô và cho biết con số lợi nhuận bị ảnh hưởng có thể lên tới 2,5 tỉ USD trong năm nay, do thiếu hụt nguồn cung chip.
Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh của Ford là Nissan tuyên bố ngừng sản xuất tại các nhà máy đặt tại Mexico và Mỹ, còn General Motors thừa nhận có thể phải đối mặt với mức giảm lợi nhuận tương đương khoảng 2 tỉ USD trong năm nay.
Đầu năm, nhà sản xuất hàng điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới Sony, cùng với các nhà sản xuất máy trò chơi điện tử khác, tiết lộ rằng họ đã phải vật lộn với tình trạng thiếu hàng trong suốt 12 tháng. Đại diện của Sony chia sẻ họ có thể không đạt được mục tiêu doanh số bán máy chơi game PS5 mới trong năm nay do thiếu chất bán dẫn.
Tuy nhiên, ví dụ điển hình nhất về cuộc khủng hoảng chất bán dẫn đến từ Samsung, cái tên thu mua chip lớn thứ hai thế giới, sau Apple. Đầu tháng Ba, Samsung cho biết có thể phải hoãn việc ra mắt dòng điện thoại thông minh cao cấp mới nhất do tình trạng khan hiếm chip, mặc dù đây cũng là nhà sản xuất chip lớn thứ hai thế giới.
Trong bài viết đăng tải trên tờ Australian Financial Review, công ty sản xuất linh kiện điện tử lớn thứ ba thế giới Flex vừa dự báo tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn sẽ kéo dài ít nhất một năm nữa.
... đến những khoản đầu tư "kếch xù"
Trong tất cả các ngành công nghiệp hiện đại, chất bán dẫn đóng vai trò quan trọng và sản xuất chất bán dẫn là một ngành đem lại ra doanh thu lớn và tạo ra rất nhiều việc làm có mức lương cao.
Vì chip máy tính là yếu tố đầu vào quan trọng cho nhiều ngành công nghệ cao khác, nên việc một quốc gia có cơ sở sản xuất chất bán dẫn sẽ hỗ trợ cho toàn bộ hệ sinh thái của hoạt động kinh tế giá trị cao.
Các khoản đầu tư của các quốc gia đang vô hình tạo ra "cuộc đua" trong lĩnh vực chất bán dẫn.
Do đó, không quá ngạc nhiên khi chính sách công nghiệp mới của Chính phủ Mỹ sẽ tập trung đầu tiên và quan trọng nhất vào lĩnh vực chất bán dẫn. Trong số 250 tỉ USD ngân sách phân bổ cho dự luật năng lực cạnh tranh vừa được Thượng viện Mỹ thông qua, 52 tỉ USD sẽ được dùng để thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước. Trong khi đó, đánh giá mới nhất của Chính phủ Mỹ về chuỗi cung ứng chỉ ra rằng chip máy tính là lĩnh vực sản xuất cần đưa trở lại trong nước.
Trong khi đó, Trung Quốc đã triển khai một chương trình khổng lồ nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nội địa để đạt vị trí hàng đầu trên thế giới. Nhật Bản và châu Âu đang cố gắng giành lại thị phần mà họ đã mất.
Còn Hàn Quốc, quốc gia có những công ty đã chiếm một số thị phần từ Mỹ trong những năm gần đây, cũng đang tạo cú hích lớn trong việc phát triển ngành bán dẫn.
Trong khi đó, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) là nơi đặt trụ sở chính của TSMC - công ty gia công bán dẫn số một thế giới và dẫn đầu về công nghệ sản xuất chip sau khi giành lấy "ngôi vương" này từ tay Intel Corp.
Nói theo cách khác, các quốc gia đang chi tiền cho các công ty chip và giúp tài trợ cho việc xây dựng các nhà máy sản xuất, tăng cường nghiên cứu và phát triển, và hơn thế nữa.
Nếu Mỹ có thể giữ nguyên thị phần toàn cầu (hiện khoảng 47%) thì đây có thể coi là một chiến thắng. Và nếu Washington có thể thuyết phục TSMC đặt thêm nhà máy ở nước này, thì đó có thể xem như một chiến lược thành công lớn cho dù TSMC là doanh nghiệp Đài Loan.
Tuy nhiên, điều có thể làm nên một chiến thắng dứt khoát trong cuộc chiến bán dẫn toàn cầu là tầm quan trọng của đổi mới. Ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ đã lao đao trong thập niên 1980 khi gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ Nhật Bản, rồi phải nhường vị trí dẫn đầu ngành bán dẫn cho các doanh nghiệp "xứ sở hoa anh đào", và sau đó bị bỏ xa bởi Hàn Quốc, quốc gia đầu tư lớn để thống trị mảng chip bán dẫn.
Tuy nhiên, Mỹ sau đó đã giành lại vị trí hàng đầu của mình trên thị trường bán dẫn toàn cầu nói chung. Bởi trong khi thế giới cạnh tranh nhau về chip nhớ, các công ty Mỹ như Intel đã chuyển sang sản xuất một thứ có giá trị hơn nhiều, đó là bộ vi xử lý (CPU). Mảng CPU của Mỹ đã kiếm được "bộn tiền" trong khi các nước châu Á tranh giành nhau trong mảng công nghiệp bộ nhớ.
Tương tự, những thay đổi sau này trong ngành bán dẫn hầu hết đều không phải do cạnh tranh trên các thị trường hiện có mà chủ yếu là do những sản phẩm mới, gồm có CPU, chip năng lượng thấp, chip di động và mô hình xưởng đúc chip của TSMC.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận